| Hotline: 0983.970.780

Sông Hồng trơ đáy, chủ tàu khiếp sợ

Thứ Ba 12/01/2010 , 10:19 (GMT+7)

Giữa lòng sông, hàng trăm thân tàu nằm méo mó, mốc meo, xanh lét vì rêu bám đang nối đuôi nhau chờ ngày vượt cạn...

Nỗ lực dùng sức người cứu tàu

Nếu xuôi chèo mát mái, hành trình của các con tàu từ bãi vật liệu lớn nhất trên sông Hồng ở Việt Trì (Phú Thọ) về Hà Nội chỉ mất khoảng 6 tiếng. Nhưng trong lúc sông Hồng chỗ nào cũng cạn trơ đáy thì khác. 

Về mùa khô, cánh lái tàu luôn đối mặt với ba bãi cạn Bạch Hạc (Phú Thọ), Sơn Đông (Vĩnh Phúc) và Vân Cốc (Phúc Thọ, Hà Nội) đầy may rủi. Chỉ cách bãi tập kết Hải Bối (Đông Anh) hơn một giờ nhưng Vân Cốc là nỗi khiếp sợ nhất đối với các chủ tàu. Những ngày này, Vân Cốc như một hoang mạc, hai bên bờ cát trắng xóa. Dưới lòng sông những doi cát dập dềnh. Chúng được dân lái tàu ví như đàn trâu mộng, nằm phục kích chỉ chờ cơ hội là tông thẳng vào tàu, ghìm chúng nằm lại.

Giữa lòng sông, hàng trăm thân tàu nằm méo mó, mốc meo, xanh lét vì rêu bám đang nối đuôi nhau chờ ngày vượt cạn. Mắc cạn đầu tiên là con tàu mang biển kiểm sát VP 0733 của chủ tàu Nguyễn Văn Hùng: “Chiều 24/12/2009, tàu chúng tôi đang lao phăng phăng về phía trước, bỗng khựng một cái, cả 5 anh em ngã sõng soài, người rơi tõm xuống lòng sông. Đầu tàu ghìm chặt xống đáy sông, đuôi văng vào gần bờ, con tàu bỗng dưng nằm ngang luồng. Sợ tàu khác đâm thẳng vào tàu mình, nên bằng mọi cách phải cho con tàu nằm đúng chiều. Từ đấy đến nay người và tàu cùng nằm phục nước lên”.

Gần 20 năm theo nghiệp lái tàu trên sông Hồng, anh Nguyễn Văn Nam (chủ tàu Hoa Nam 1276) không chỉ biết rõ bãi cạn mà từng mô đất dưới lòng sông anh còn nắm vững như lòng bàn tay. Cách đây năm ngày, trước khi rời bến Việt Trì anh cũng được cảnh báo là rất khó vượt qua bãi Vân Cốc: “Cứ nghĩ đến khoản nợ ngân hàng 1,5 tỷ đồng tiền mua tàu, tiền lãi suất hàng tháng và tiền nuôi nhân công tôi vẫn liều vượt sông chở hàng xuống bãi Hải Bối, bởi giá cát vàng dưới đó đang tăng gần gấp đôi”. Luồn lách mãi con tàu Hoa Nam cũng qua được hai bãi cạn phía trên. Về đến Vân Cốc, tàu không bị mắc cạn nhưng vẫn phải nằm lại vì tất cả các luồng lạch đều bị chặn cứng.

Cả một ngày chúng tôi có mặt ở bãi Vân Cốc, tịnh không có một con tàu ngược xuôi. Theo giải thích của anh Nam thì gần như tất cả các con tàu lưu thông từ Việt Trì - Hà Nội đều bị mắc cạn ở Bạch Hạc và Sơn Đông (khoảng 600 trăm con tàu cùng chung số phận như ở Vân Cốc) hoặc nằm chờ ở bến đợi nước lên.

Anh Hùng và nhiều chủ tàu khác tính toán, nếu cứ nằm chết một chỗ chờ nước thủy điện xả đáy phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp với thủy triều thì phải cả chục ngày nữa. Bởi nước trên sông ngày càng cạn hơn, lúc đỉnh điểm trong ngày chỉ 1,4m. Nếu không muốn chuyến đi lỗ nặng thì bằng mọi cách phải đẩy con tàu qua bãi cạn. Sau nửa ngày, 30 nhân công đã xúc được 200m3 cát ra ngoài, con tàu VP 0733 có sức chứa 400m3 của anh Hùng có thể lắc lư khi sóng đập mạnh vào mạn tàu, nhưng để nó thoát khỏi bãi cạn này thì chưa thể. Biết không ăn thua, anh Hùng quyết định đợi đến lúc mực nước chín muồi.

Khoảng 11giờ trưa, Hùng huy động hai con tàu ra mua cát, dí chân vịt quét dọc từ đầu tàu đến đuôi để hút cát ra khỏi gầm. Phía trước một con tàu điều tốc có sức kéo 1.000 tấn đang sẵn sàng phối hợp cùng tàu của anh Hùng vượt cạn. Sau vài lần dật, tàu 0733 cũng chịu dịch chuyển. Do không có luồng lạch, lại được đà trượt cùng với sức kéo của tàu điều tốc, tàu của anh Hùng lao thẳng vào tàu PT 1249 khiến cho mui tàu bẹp dúm, rồi phi thẳng xuống luồng mới được khai sâu thêm. Cứ thế hai con tàu dòng nhau thêm 100m thì vượt ra khỏi bãi cạn Vân Cốc.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất