| Hotline: 0983.970.780

Sống kẹt giữa hai đường điện cao thế

Thứ Ba 19/01/2010 , 10:51 (GMT+7)

Quảng Phong có thôn 5, thôn 6 với hơn 300 hộ dân phải "sống chung với điện".

Đường điện 500KV mạch 1 và 2 chạy qua 8 xã huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) như: Quảng Lưu, Quảng Phong, Quảng Phương, Quảng Hoà, Quảng Lộc... Cứ mỗi khi mưa xuống, tiếng nổ rèn rẹt từ cột điện cao thế nghe đến sởn da gà.

 Điện nhiễm quanh nhà

Chúng tôi về thôn 5 (xã Quảng Phong, Quảng Trạch), ghé vào nhà ông Phạm Bình Lệ (75 tuổi). Ông Lệ xăng xái đòi dẫn chúng tôi đi khăp xóm để cho biết chuyện điện: “Mấy hôm nay trời nắng nên cũng ít nghe tiếng nổ trên cột điện. Chứ hôm nào trời mưa mấy anh ra thử coi, nghe mà chết khiếp, cứ rèn rẹt, rèn rẹt suốt đêm, sợ không sao ngủ được. Bây chừ nghe cũng quen tai rồi”.

Sát nhà ông Lệ là nhà anh Nguyễn Duy Thái, được xem là điện nhiễm mạnh nhất xóm. Theo anh Thái thì: “Điện nhiễm mạnh lúc mưa và khi đó lấy bút thử điện gí vào vật dụng nào bằng sắt cũng thấy bút thử đỏ lừ. Nhiều khi đâm bút thử vô tường nhà cũng thấy đỏ. Lỡ khi nằm ngủ mê đầu gối cứ áp sát vô tường thì điện chạy vô người mình hết à!”. Cũng theo anh Thái thì có hôm mời cán bộ điện của xã đến làm "thí nghiệm" nhỏ. Anh lấy dây ăng ten của ti vi nối dây cắm vào ca nước giếng, một hồi lâu sau thì thấy ca nước có hiện tượng sôi. Nhìn thấy ai cũng lè lưỡi kinh sợ.

Rời thôn 5, chúng tôi đến thôn Pháp Kệ (xã Quảng Phương), nơi bà con cũng đang cảnh “sống trong sợ hãi” vì điện. Đứng ở sân nhà ông Nguyễn Xuân Lục nhìn lên hai tuyến đường điện cao thế vươn ra tít tắp, ngôi nhà nhỏ lọt thỏm đưới tầm điện, thấy cũng lạnh cả người. Để chứng minh, ông Lục lấy bút gí vào một cái thùng phi đang đựng thóc, bút nhoáy đỏ như chọc tức. Ông rầu rĩ: “Đồ gì cũng nhiếm điện hết. Ti vi xem được một lúc là nhiễm điện, nhiễu sóng. Nặng hơn là cháy toi đèn hình. Cả xóm này khi trời mưa là không có ai dám cả gan mở ti vi để xem vì sợ cháy”.

“Quảng Phong có thôn 5, thôn 6 với hơn 300 hộ dân sống dưới đường điện 500KV mạch 1 và mạch 2. Những ý kiến của người dân được phản ánh đến lãnh đạo tỉnh, huyện, địa phương và ngành điện buộc phải vào cuộc kiểm tra và đưa ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, hiện tượng nhiễm điện chỉ tạm chấm dứt được một thời gian ngắn. Bây giờ, người dân lại phải sống chung với nhiễm điện”, ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong (Quảng Trạch) cho biết.

Dân cả xóm ai cũng kể hiện tượng bị nhiễm điện nhà mình. Có nghĩa là gí bút thử vào bất cứ vật gì ở trong nhà bằng sắt là cho ra điện tất. Đã có người trời mưa tham công tiếc việc tranh thủ cuốc mấy luống đất trồng rau cho kịp nước, đang làm điện nhiễm vào cuốc, giật văng ra khỏi tay.

"Mong ngành điện quan tâm"

Được biết, khi triển khai xây dựng đường dây, nhiều hộ gia đình đã được đền bù thoả đáng để di dời về nơi tái định cư mới. Song cũng có một số hộ dân nhận tiền xong vẫn không chịu di dời mà chấp nhận sống dưới 2 luồng điện. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình đều lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì chuyện đền bù.

Theo ông Thường thì khi giải phóng mặt bằng, ngành điện và chính quyền địa phương đã phối hợp đền bù cho người dân theo kiểu đo đạc theo hành lang đường điện, nhà nào bị “dính” vào đường dây từng nào thì đền bù từng ấy. Chính vì vậy có nhiều hộ gia đình một phần ngôi nhà nằm vào hàng lang đường điện nên chỉ nhận đền bù được phần nhỏ đó. Nhưng việc tháo dỡ cả ngôi nhà và chuyển đi nơi ở mới thì không được vì tiền đền bù không đủ chi phí cho việc đến nới ở mới.

Quy định an toàn về hành lang đường điện xem ra không sát thực tế nơi đây. Vì các hộ gia đình phải sống cách đường điện 25m, nhưng tại 8 xã có đường điện chạy qua của huyện Quảng Trạch, nhiều hộ nằm cách đường dây chưa đến chục mét. Gia đình anh Nguyễn Duy Thái thôn 5, cách đường dây khoảng 5m song không hề nhận được tiền đền bù, hoặc chuyển đi khi triển khai đường điện. Do nhiễm điện gia đình anh Thái đã bị cháy 2 ti vi và một số đồ dùng sinh hoạt đắt tiền có biên bản xác nhận của chính quyền địa phương và nhân viên quản lý ngành điện.

“Bây giờ nhà tôi như vô thế kẹt rồi. Ở dưới lưới điện chẳng khác chi đùa với lửa, mà dọn nhà đi thì lấy tiền đâu ra vài chục triệu chi phí. Phản ánh lên cấp trên cũng chưa nghe thấy trả lời. Mong sao ngành điện xem lại cuộc sống người dân đang bị đe dọa mà có giải pháp di dời cho người dân đỡ lo lắng”, anh Thái than thở trong hy vọng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất