| Hotline: 0983.970.780

Sông Lô chiều cuối năm

Thứ Tư 08/12/2010 , 09:18 (GMT+7)

Những day dứt về một dòng sông thơ mộng trùng với tên huyện mới tách ra từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đang ngày đêm bị băm nát, đục khoét đến bạo tàn…

Những phong tục, món ăn, sinh kế cổ xưa tốt đẹp. Những điệu hát truyền thống có một không hai. Những day dứt về một dòng sông thơ mộng trùng với tên huyện mới tách ra từ Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đang ngày đêm bị băm nát, đục khoét đến bạo tàn…

Trống quân giờ có cắc tòm?

Chuyện rằng Hùng Vương có cô công chúa vi hành trên sông Lô, một buổi bị bão lật thuyền đi mãi không trở về. Khi nàng mất, được dân Kẻ Lép tức Đức Bác lập đình Thượng cúng vái.

Vài năm sau, có một cô gái xinh đẹp sinh ra ở làng Cả. Càng lớn cô càng tài giỏi, theo Hai Bà Trưng đánh giặc, khi thất trận tự vẫn chết theo hai bà. Dân ngưỡng vọng lập đình Cả để thờ. Tương truyền hai ngôi đình rất thiêng. Tháng Sáu mở hội bơi chải, giêng hai mở hội trống quân, vui ngất ngây làng trên xóm dưới…

Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Phấn, 93 tuổi, đang nằm ốm bẹp giường vì bị bò húc, thấy chúng tôi đến với sở nguyện được nghe trống quân đã gượng hẳn dậy. Dù vẫn còn rên hừ hừ bởi những cơn buốt xương thấu tủy, cụ vừa ngồi dậy, vừa lẩm bẩm khấn giời rằng: “Lạy giời, cho con có sức khỏe để kể, để con hát cho các bác nghe về trống quân. Các bác ấy từ xa xôi cách trở đến”. Nhắc đến điệu cắc tòm, chút ánh sáng lấp lánh trong cặp mắt đùng đục của cụ như trôi về miền quá khứ xa xăm: “Bố mọ (ông) làm giữ đình mà hồi đó hội trống quân tổ chức tại sân đình nên mọ mê lắm. Mọ thuộc lời hát, làn điệu lúc nào không hay”.

Trò chuyện một lúc, nghệ nhân Triệu Thị Dung, 86 tuổi, hay tin có người đến tìm hiểu về trống quân cũng lập cập sang. Vừa vặn một đôi hát đối đáp. Từ cái miệng chỉ còn sót hai ba chiếc răng của cụ Phấn, một giọng hát ngân rung:

Ước gì ta lấy được đào.

Xây hồ bán nguyệt cho đào rửa chân.

Bà Dung đối lại:

Đôi ta như cá thờn bơn

Nằm chốc bãi cát gặp cơn mưa rào

Kia hỡi trống quân.

Trống quân hát về tình yêu và nhờ tình yêu dân Đức Bác xưa mới thịnh, không ai ốm đau, gia súc béo tốt, ruộng đồng tươi non. Dân gian còn lưu truyền câu ca:

Tiệc xuân gặp gỡ khách Hằng Nga

Đức Bác, Phù Ninh hợp một nhà

Duyên phận phải nhờ tay nguyệt lão

Chăn loan, gối phượng đẹp đời ta

Hội trống quân được bắt đầu khi đoàn xoan làng Phù Ninh sang sông với 12 người, chia làm ba tốp. Mỗi tốp bốn cô và có một kép xoan cầm đàn theo. Họ xuống bến cách đình Thượng gần một cây số thì gặp đám trai Đức Bác cầm trống quân có quai đeo bằng vải ra mép nước đón phường xoan. Cứ ba bốn anh đón một cô đào. Họ vừa đi vừa hát. Sau mỗi câu hát người nam lại lùi một bước, nữ tiến một bước. Tất cả nhích dần về phía đình. Dùng dằng như thế có khi mất cả buổi đoàn trống quân mới tới được đình. Hôm sau hội hát cửa đình với màn giáo trống, giáo pháo. Nữ cầm một mo cau đục thủng. Nam cầm cái gậy tầm vông. Họ vừa hát vừa nhịp nhịp lấy gậy chọc vào lỗ khoét trên mo cau trong tiếng hô “hum hum, phọc phọc” đầy hứng khởi. Ngoài sân, mưa bụi lây rây, xúm đông, xúm đỏ người chơi đu quay, chọi gà. Thông thường hát trống quân ở đồng bằng Bắc Bộ có ba phần: thăm hỏi quê quán tên tuổi; xe kết tâm tình; chia tay nhưng trống quân Đức Bác không có mục chia tay mà thay thế bằng phần vào đình hát thờ theo điệu xoan Phú Thọ. Trống quân có hát xoan, hát đúm, hát mó cá… Đúm là cái khăn lụa điều, ở trong bọc có quả cau, lá trầu, được cô gái tung cho chàng trai mình thích rồi bắt hát ứng khẩu. Lắm khi có cô nghịch ngợm quăng cả quả đúm vào quan viên phía trên khiến cho vị này lúng lúng á khẩu còn dân làng một trận cười rôm rả. Vui nổ trời đất, phồn thực đến tận cùng của bản năng là màn hát mó cá ở đêm thứ hai của hội. Mười hai cô đào xinh như mộng lồng tay vào nhau tạo thành một lưới tình. Những chàng trai Đức Bác ở trong thành con cá vẫy trong tấm lưới tuyệt diệu ấy và ngân nga những giai điệu tình tứ rằng:

Mồng một cá đi ăn thề

Mồng hai cá về, cá vượt vũ môn

Làm trai lấy được vợ khôn

Khác nào cá vượt vũ môn hóa rồng…

Đỉnh điểm là đoạn hát mò cá rồi mò…người:

Mò đây ta lại mò đây

Mò đây không được lại đây ta mò

Cứ mỗi lần hát chốt đến “lại đây ta mò”, chàng trai lại vươn tay chụp vào ngực cô đào yếm thắm. Cũng nhanh không kém là những cánh tay cô đào khép lại, bắt “cá”. “Cá” bị lưới bắt sẽ bị phạt một thúng thóc nhưng cũng không ít chàng trai cắn răng chịu mất một thúng thóc chứ nhất định không chịu rụt tay về. Hết hiệp hát nếu lưới không bắt được con cá nào thì cá lại… bắt lưới. Chàng trai bế thốc cô gái mình thích, chạy ra bến sông. Đêm tối. Giữa soi bãi ngút ngàn. Giữa muôn ngàn côn trùng rỉ rả. Trời đất như thăng hoa thứ tình yêu đầy mật ngọt, chở che. Hàng ngàn năm tồn tại cùng với những lễ hội cổ như Đền Hùng, hội cướp Phết, hội trống quân đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân đôi bờ Lô giang.

Tiếc thay, binh lửa chiến tranh của chống Pháp, chống Mỹ đã cắt đứt đường dây giữa Đức Bác - Phù Ninh. Bom đạn còn tàn phá cả hai ngôi đình vẫn trơ lại nền hoang, móng phế. Những nhóm đào, hiệp kép tan đàn, xẻ nghé. Những làn điệu mười thương, giáo trống, giáo pháo, hát đúm mờ ảo trong quên lãng. Tôi lặng lẽ ngồi nghe hai lão nghệ nhân. Từ tóc bạc, răng đen, từ trầu cau đỏ miệng những giọng hát run rẩy buổi xế chiều. Do tai đã nghễnh ngãng nên mỗi cụ hăng hái kể một câu chuyện riêng. Hát đối cụ này chẳng đợi cụ kia. Nhịp trật, nhịp khớt nghĩ mà buồn…

Để khôi phục trống quân, năm 1997, trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc triệu tập được 12 nghệ nhân mở một lớp 16 thanh niên trong thôn học hát suốt 15 ngày. Đêm báo công tái diễn hội trống quân cả làng, cả xã mất ngủ vì ngất ngây trong tiếng tom cắc, trong những làn điệu giao duyên quyến luyến, bịn rịn mãi không rời. Một câu lạc bộ trống quân được thành lập để lưu giữ bản sắc văn hóa cho muôn đời sau. Từng chi đoàn, trường học trong xã cũng có một thời gian được dạy hát trống quân. Viện Âm nhạc còn cấp 24 bộ quần áo, 6 cái trống cho dân Đức Bác biểu diễn, lưu truyền vốn cổ. Chỉ có điều hơn chục năm lập CLB, trên mới chỉ được hỗ trợ mỗi một lần vỏn vẹn hai triệu đồng. Vậy mà hội diễn nào, thành viên CLB cũng bỏ cấy há, cả tuần “vác tù và hàng tổng” không công để gặt vô số huy chương vàng, bạc, đồng. Ngắm huy chương, bằng khen chẳng no nổi cái bụng. Thế rồi, CLB rơi rụng dần dà. Người lấy vợ lấy chồng xa. Kẻ bỏ rơi câu hát qua những tháng ngày lăn lộn kiếm sống.Lớp con cháu các cụ nghệ nhân không ai biết hát. Đến như đứa cháu gái của nghệ nhân Phấn lúc nghe ông nội mình ngân giọng, gõ nhịp cũng chỉ bụm miệng cười vì không hiểu.

Buổi tối ở Đức Bác, tôi được anh Bùi Anh Dũng, Trưởng Ban văn hóa xã, có nhã ý tổ chức cho nghe một buổi hát trống quân “sống”. Từ nhá nhem, anh đã tất bật, bốc điện thoại gọi liên hồi đi đây, đi đó nhưng chẳng thể tìm ra nổi một người hát cho đúng điệu. Mười hai lão nghệ nhân chỉ còn sót ba người, nay đã già giọng hát đã yếu. Lớp trẻ mải làm ăn nên cũng bôn ba khắp chốn. Đến khuya, anh Dũng thực sự nản chí. Tôi với anh đành nghe hát trống quân qua đĩa…VCD được dựng cách đây chừng bảy tám năm ở Đức Bác. Nén một tiếng thở dài, anh bảo: "Cũng may là vẫn còn sót chiếc đĩa gốc cuối cùng cho anh xem. Dân tôi chưa hết mê trống quân đâu. Họ tha thiết muốn trên phục hồi cho hai ngôi đình làng để có không gian cho hội diễn, để trống quân thực sự không còn cầu bất cầu bơ".

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất