| Hotline: 0983.970.780

Sống mòn trên vùng tái định cư

Thứ Hai 05/11/2012 , 12:12 (GMT+7)

7 năm trôi qua, 775 hộ dân với hơn 1.250 nhân khẩu của 4 khu TĐC: Bồ Hòn, Hòa Bình, Hòa Thành, Bình Dương (xã Bình Thành, TX Hương Trà, TT- Huế) vẫn luôn sống trong khó khăn, chật vật.

Nhượng lại đất cho Thủy điện Bình Điền và công trình hồ chứa Tả Trạch, đến vùng đất mới tái định cư (TĐC), cứ tưởng rằng có cuộc sống mới, ấm no hơn. Thế nhưng, 7 năm trôi qua, 775 hộ dân với hơn 1.250 nhân khẩu của 4 khu TĐC: Bồ Hòn, Hòa Bình, Hòa Thành, Bình Dương (xã Bình Thành, TX Hương Trà, TT- Huế) phải đối diện với cuộc sống chật vật khó khăn do thiếu nước sạch, thiếu đất sản xuất.

Thiếu đất, thiếu nước sinh hoạt

Quá trưa, đến khu TĐC Bồ Hòn, nhìn vẻ ngoài những mái nhà san sát lợp tôn khang trang nhưng vào bên trong thì thấy người dân thất thểu ra vào, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Hỏi ra mới biết, mấy hôm nay công việc làm te (tách vỏ cây tràm) ế ẩm, người dân không có việc làm đành ngồi bó gối ở nhà. Chỉ có một số hộ may mắn có việc làm thì nhà cửa đóng im ỉm, cây cối quanh vườn xác xơ.

Khu TĐC Bồ Hòn có 55 hộ dân với 250 nhân khẩu, với 90% là người Cơ Tu, đời sống của họ ở vùng đất củ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy. Bà Hoàng Thị Tư (62 tuổi), một hộ dân TĐC ở đây, cho biết: “Năm 2005, cả gia đình chúng tôi chuyển ra đây để nhường lại đất cho dự án. Khi đến đây thấy nhà cửa khang trang mình cũng mừng lắm. Những ngặt nỗi, ở đây không có đất sản xuất, nhà lại 8 miệng ăn. Tui được cấp tổng cộng có 1.000 m2 tính từ trước nhà cho đến sau đồi. Nhưng đất chỉ trồng sống mỗi cây keo nhưng còi cọc lắm, còn trồng cây chi cũng chết hết".


Nhà cửa khang trang nhưng người dân TĐC Bồ Hòn không có đất sản xuất

Nói đoạn, bà dẫn chúng tôi ra sau hồi, chỉ tay vào cây thanh trà bé tý, bà bảo: “Cây ni TX Hương Trà hỗ trợ trồng nhằm chuyển đổi cây trồng cho người dân, đã mấy năm rồi mà cũng chỉ bằng cổ tay thế này đây. Đất chi toàn đá sỏi, trồng cây gì cũng chết hết thì làm răng dân nông nghiệp bọn tui sống được".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu TĐC Bồ Hòn với tổng diện tích đất được cấp hơn 110 ha, bình quân mỗi hộ được cấp 2 ha đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phân bổ đất không đồng đều, có nhà chỉ được 2-3 sào, nhưng đất xấu không trồng gì được. Không có nghề nghiệp, áp lực mưu sinh, nhiều hộ gia đình phải quay trở lại phá rừng, tìm kiếm lâm sản kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng thôn Bồ Hòn, lo lắng: “Trước đây ở thôn Bồ Hòn cũ, đường đi lại dù khó khăn nhưng người dân chúng tôi vẫn ổn định vì có đồng ra đồng vào khi sản xuất được. Giờ ra đây chỉ biết làm thuê, nhưng lại khi có việc khi không. Chỉ một số hộ may mắn có trồng rừng, còn lại phải làm nghề te, ngày kiếm được 150 nghìn đồng là may lắm rồi. Nếu Nhà nước không cho đất thì e dân đói mất".

Nguồn nước tự chảy tại khu TĐC Bồ Hòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do xuống cấp và môi trường khe suối thay đổi. Khi xây khu TĐC, mỗi hộ gia đình đều được xây bể nước, làm hệ thống ống nước tự chảy dẫn vào bể chứa. Thế nhưng, mấy năm nay người dân phải dùng nước bẩn, đối diện với bệnh tật do nguồn nước khe suối ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại 3 khu TĐC của người dân bị ảnh hưởng bởi công trình hồ chứa Tả Trạch gồm 220 hộ dân với 1.000 nhân khẩu, đời sống cũng không khấm khá hơn bởi sau khi họ nhượng vùng đất màu mỡ nơi quê cũ, đến nơi ở mới lại không có đất sản xuất. Bình quân mỗi hộ dân chỉ được cấp 0,6 ha đất, số đất lại phân bổ không đồng đều nên người dân không canh tác được.

Khổ đến bao giờ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Hữu Khanh, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cho biết: “Thực trạng thiếu đất sản xuất đã diễn ra trong nhiều năm nay. Chính quyền cũng đã biết và các lần tiếp xúc cử tri cũng đã kiến nghị tỉnh, thị xã nhiều lần rồi nhưng chưa thấy có giải pháp đưa ra. Rõ ràng quỹ đất thiếu hụt nghiêm trọng, người dân không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định, số hộ tái nghèo rõ rệt đang là gánh nặng cho xã".

Đời sống khó khăn đã làm cho số hộ nghèo, cận nghèo ở các vùng TĐC của xã Bình Thành đứng đầu xã. Thôn Hòa Bình có 84 hộ thì có 16 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo; thôn Bình Dương với 82 hộ thì có 20 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo; thôn Hòa Thành 56 hộ có 9 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo; thôn Bồ Hòn 55 hộ có 4 hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Minh, một hộ dân TĐC ở thôn Hòa Bình, cho biết: “Trước đây, gia đình tui ở xã Dương Hòa có cả mấy ha đất trồng rừng, khi TĐC ra đây tui được cấp có 7 sào để trồng cây keo. Keo 4 năm mới thu hoạch được, 4 năm đó gia đình tui phải ăn gì đây, nếu không có đất sản xuất?”

Theo ông Khanh, về lâu dài, xã cần bố trí khoảng 1.000 ha đất, nhưng trước mắt bức thiết là cần 300 ha, bố trí cho người dân ổn định sản xuất. Giải pháp xã đề ra là điều tiết đất rừng từ các lâm trường giao cho các hộ dân TĐC vẫn chưa có sự hồi âm của chính quyền cấp trên.

Về vấn đề nước sạch cho người dân vùng TĐC, ông Khanh cho biết, đã có cuộc khảo sát của Cty Cấp thoát nước TT- Huế, tuy nhiên đến nay không biết lý do gì chưa triển khai được. Việc giải quyết, tạo công ăn việc làm cho người dân cũng cấp thiết không kém gì vấn đề thiếu đất sản xuất.

“Trong những năm qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tổ chức hàng chục lớp dạy nghề ngắn hạn cho bà con nhưng hiệu quả mang lại rất hạn chế bởi trình độ dân trí, tay nghề của người dân chưa cao. Trong khi đó, số người dân nằm trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ở vùng TĐC lại rất lớn", ông Khanh trăn trở.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất