| Hotline: 0983.970.780

Sóng ngầm chốn quê: Chuyện buồn Phú Túc

Thứ Hai 23/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Nông thôn vốn được coi chốn yên bình, nề nếp gia phong luôn được coi trọng. Trước đây, ly hôn là chuyện động trời. Còn nay, chuyện những gia đình tan đàn xẻ nghé ở nông thôn rất đỗi bình thường. 

Trong mỗi câu chuyện tan vỡ lại có một lý do khác nhau, nhưng có điểm chung là hậu quả không thể đong đếm.

Nghe tôi hỏi ở đây có nhiều cặp vợ chồng ly hôn không? Anh bạn tôi tên Việt ở xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai, chậc lưỡi: “Thiếu gì! Quanh quanh xóm này cũng cả chục đôi rồi. Tôi sẽ dẫn anh đi gặp, nhưng ngày họ đi làm hết rồi, 7-8 giờ tối mới về”.

Hai lần đò vẫn lẻ bóng

7 giờ tối, Việt chở tôi len lỏi trên con đường đất nhỏ chỉ vừa một xe máy chạy, 2 bên um tùm cây, cỏ dại và dừng lại trước căn nhà nhỏ nằm lẻ loi giữa một khu vườn bỏ hoang, im lìm trong bóng tối. Bên trong, dưới bóng đèn yếu ớt, một người phụ nữ chừng 40 tuổi đang đưa võng ru con.

Việt cho biết, chị tên Th. đang ở cùng cô con gái lớn và cậu con trai nhỏ. Đây vốn là nhà Tình thương của một vị sư, sau khi vị sư này chuyển đi nơi khác, căn chòi được giao cho ba chị Th. Cách đây mấy năm, ba chị mất, 3 mẹ con chị mới về đây tá túc.

Sau khi nghe Việt giới thiệu, chị Th. lắc đầu: “Em không muốn đưa mấy chuyện này lên báo đài đâu, lỡ mẹ em biết rồi thấy hoàn cảnh khổ như vậy, mẹ sẽ buồn. Các anh gặp người khác đi, ở đây nhiều người như em lắm”. Mặc dù vậy, sau một hồi thuyết phục, chị Th. cũng bằng lòng kể chuyện riêng cho chúng tôi nghe.

Chị kể: “Em năm nay 35 tuổi, lấy chồng lần đầu năm 20 tuổi. Sau khi sinh 2 cháu thì cuộc sống bắt đầu khó khăn, đồng lương công nhân của 2 vợ chồng không đủ xài. Lúc đó chồng em mới bàn nghỉ làm công nhân, về nhờ ba em vay mượn tiền đầu tư trồng hoa lan trên đất của gia đình em, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Hồi đó ba em thương ổng lắm, tiền đầu tư trồng lan là do một tay ba em vay đưa cho ổng làm.

Đến lúc thất bại, ổng không lo tìm cách trả nợ mà chán nản, sinh tật nhậu nhẹt, bài bạc, rồi cặp bồ, chẳng ngó ngàng gì đến mẹ con em. Rồi ba em bệnh, phải bán đất để chữa trị và trả nợ. Cuộc sống khổ lại càng khổ hơn. Chồng em mỗi lần say xỉn lại về chửi tục, đánh em thâm tím mặt mày, có lần công an xã phải vào can thiệp, lập biên bản.

Đến năm 2010 thì tụi em ly hôn. Vì không thể nuôi nổi 2 đứa nên em gửi cháu thứ 2 về quê Hậu Giang nhờ bà nội nuôi dùm. Hồi đó, nếu không có con níu chân, chắc gì em còn sống đến hôm nay”.

Chỉ vào đứa con trai nhỏ, chị Th. cho biết, cháu mới 11 tháng tuổi, và là con của người chồng thứ 2. “Sau khi ly hôn, em buồn, bế tắc lắm, ở nhà thì không có việc làm, rồi cha mẹ buồn, nên em dắt cháu lớn xuống Biên Hòa kiếm việc làm. Ở đây, em gặp người chồng thứ 2.

Lúc đầu, em không nghĩ gì tới chuyện lập gia đình lần nữa đâu, một lần là quá đủ rồi. Nhưng anh ấy cứ theo đuổi, quan tâm động viên và hứa sẽ chăm sóc cho 2 mẹ con em. Rồi cuối cùng em cũng xiêu lòng, về sống chung với ảnh. Đến khi em có bầu thằng nhỏ này, cũng là lúc tình cảm của ảnh với vợ nhạt dần. Đến nay, coi như ảnh cũng bỏ mẹ con em luôn rồi”, chị kể mà ngân ngấn nước mắt.

Hiện nay, nguồn thu chính của 3 mẹ con chị là chiếc xe đẩy bán băng đĩa. Mỗi ngày chị kiếm khoảng 50 ngàn đồng, những ngày cuối tuần bán nhiều hơn chút, khoảng 70 ngàn đồng.

Mất vợ vì khiêu vũ

Rời nhà chị Th., Việt bảo: “Giờ tôi dẫn anh đến gặp một ông khác ở gần đây, cũng ly hôn vợ cách đây chưa lâu, nhưng nguyên nhân không phải từ ổng, mà do vợ ổng ngoại tình. Đôi vợ chồng này ngày trước có tiếng là hạnh phúc, chẳng bao giờ thấy to tiếng. Vậy mà từ khi bà vợ đua đòi đi nhảy đầm, khiêu vũ, rồi cặp luôn với bạn nhảy, thế là tan nát. Từ khi ly hôn, ổng cũng hay đến đây, nhưng chỉ thấy đến uống nước thôi chứ không biết khiêu vũ”.


Cà phê khiêu vũ, một sân chơi mới ở xã Phú Cường, thu hút khá nhiều người đến chơi

Tưởng nghe nhầm, tôi hỏi lại: “Ở đây mà cũng có khiêu vũ sao?”. Việt cười: “Anh lạc hậu rồi. Bây giờ ở đây cũng “đủ món ăn chơi”, chẳng thua gì Sài Gòn đâu. Tôi dẫn anh ra quán cà phê khiêu vũ này cho anh thấy tận mắt”.

Quán cà phê Việt nói, nằm ở trung tâm xã Phú Cường, huyện Định Quán, nhưng chỉ cách xã Phú Túc một con đường là QL 20. Lúc tôi đến, thấy xe máy dựng chật phần sân đất. Rất nhiều nam nữ trung niên với trang phục khiêu vũ “chuẩn” như ở thành phố, đang dập dìu đưa đẩy theo tiếng nhạc. Anh bạn mà Việt định giới thiệu cho tôi gặp tên Đ.D., năm nay 44 tuổi. Nghe Việt nói mục đích gặp, anh Đ.D. trầm ngâm: “Nếu không có ba cái vụ khiêu vũ này, thì chắc gia đình tôi không tan nát”.

Rồi anh kể tiếp: “Nhà tôi và nhà vợ ở cùng xóm, chúng tôi chơi với nhau từ thời còn… tắm mưa. Hai gia đình cũng thân nhau. Vì thế, lúc còn chưa biết gì, tụi tôi đã như một cặp trời sinh, “dính” nhau như sam. Kết quả là đám cưới và sau nữa là đứa con gái ra đời. Tôi làm công nhân trong xưởng hạt điều gần đây, còn bả ở nhà quán xuyến gia đình, chăm con, chăm mảnh vườn.

Cuộc sống dù không giàu nhưng không đến nỗi thiếu thốn. Rồi cái quán cà phê kiêm khiêu vũ này mở ra, mấy ông bà sồn sồn kéo đến quá trời. Vợ tôi bị mấy bà bạn rủ rê đi cho biết, rồi kéo lên tập nhảy. Sau đó, bả về bắt đầu mua sắm nào váy đầm, giày cao gót, rồi son phấn…

Lúc đó, tôi cũng hơi băn khoăn một chút, nhưng nghĩ lại thấy ở đây toàn người quen, chắc không có chuyện gì đâu. Thế nên tôi mặc kệ để bả đi cho thoải mái.

Sau đó khoảng 3 tháng thì tôi bắt đầu nghe người ta xì xào vợ tôi cặp bồ với tay bạn nhảy. Đến lúc đó tôi mới để tâm theo dõi thì mới biết, họ đã “dính” nhau rồi. Tay kia nhà ở Gia Kiệm, cách đây 10 cây số, đã ly dị vợ. Những ngày sau đó, tôi không cho bả đến chỗ khiêu vũ nữa, vậy là “chiến tranh lạnh” bắt đầu. Nhưng dù không gặp buổi tối, ban ngày họ vẫn lén lút gặp nhau lúc tôi đi làm.

Đến khi cả 2 bên gia đình biết chuyện, cùng can thiệp thì cô ấy tuyên bố không thể dứt ra được. Những ngày quen anh chàng kia, cô ấy mới thấy hối tiếc thời gian sống với tôi! Cô ấy chê tôi nông dân, không ga lăng… Thêm một thời gian thuyết phục nữa không được, chúng tôi ly hôn. Cũng may con gái tôi đang học ở thành phố, không phải chứng kiến chuyện buồn của cha mẹ”.

Tôi hỏi: “Quán cà phê khiêu vũ ấy là nơi khiến gia đình anh tan nát, anh đến đó không sợ buồn thêm sao?”. Anh cười chua chát: “Buồn chứ, nhưng không hiểu sao vẫn muốn, chả biết để làm gì nữa”. Mặc dù nói chuyện khá cởi mở, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn chụp anh một tấm hình, anh kiên quyết từ chối.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm