| Hotline: 0983.970.780

Sóng ngầm chốn quê: Hôn nhân như trò đùa

Thứ Tư 25/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Theo số liệu của Sở Tư pháp và TAND tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có hơn 15.000 cặp đăng ký kết hôn song có gần 5.100 cặp đưa nhau ra tòa ly hôn./ Phụ nữ chủ động

Vợ đẻ, bồ cũng sinh

Trong lần về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tìm tư liệu cho loạt bài viết này, sau chặng đường dài, tôi ghé vào quán nước ven đường làng nghỉ chân. Vừa nghe tôi hỏi chuyện ly hôn ở đây, bà chủ quán nước bảo "thiếu gì”, rồi đọc cho tôi nghe một “lô” những cái tên, địa chỉ cần gặp.

Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em, nên vừa học xong cấp 3 là cô gái Lê Th.D., ở xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, đã chấp nhận lời cầu hôn của anh thợ sửa xe cách nhà hơn chục cây số.

Thời gian mang bầu đứa con đầu lòng, cô về nhà cha mẹ ruột để tiện chăm sóc. Vài ngày, chồng cô lại về thăm một lần. Nhưng những lần về thăm vợ của anh ta cứ ít dần rồi vắng hẳn. “Anh ta lấy lý do đi làm thêm nhiều chỗ để kiếm tiền nuôi con. Ngày em sinh cháu, anh ta cũng chẳng đến, gọi điện hoài không nghe máy. Đến khi về mới nghe nhiều người nói chồng em có bồ, và cô ta cũng vừa sinh con! Sau khi nghe tin, em bị sốc nặng, bị băng huyết, phải nằm viện cả chục ngày. Sau đó, tụi em ly hôn”. D. kể.

Cách nhà D. chừng 2 cây số, là chuyện gia đình ly tán của chị L.T.T.M. và anh T.V.D. Cặp vợ chồng này từng được nhiều người ngưỡng mộ vì đẹp đôi, lãng mạn. Năm tháng trôi qua, cùng với sự ra đời của những đứa trẻ, là tài sản tích lũy ngày một nhiều hơn. Cuộc sống có thể coi là “đáng mơ ước” của nhiều đôi bạn trẻ nếu D. không bất ngờ đổ đốn bằng thú vui đánh đề.

“Một hôm, tôi đi làm vừa về đến nhà thì thấy cả đám giang hồ kéo đến. Nói ổng thiếu gần trăm triệu đồng tiền số đề, đánh bài. Biết không thể tránh, tôi nuốt nước mắt, vét sạch tiền bạc trong nhà rồi vay thêm gia đình, bạn bè đưa cho chúng. Từ đó, ổng chán đời, chẳng chịu làm ăn gì, tôi cũng mệt mỏi, tình cảm không còn, nên đưa đơn ly hôn”, chị M. kể.

Hiện giờ, không biết D. phiêu bạt nơi nào, còn chị M., mỗi ngày, sau khi tan ca, chị lại cùng cậu con trai 5 tuổi đi bán vé số đến khuya lơ khuya lắc mới về. Dù xảy ra đã gần 2 năm, nhưng chuyện anh T.V.H. ở thị trấn Cần Giuộc bị vợ cắt phăng “của quý” vẫn chưa hết “nóng”. Cặp vợ chồng này cùng sinh năm 1975, từng là một cặp yêu nhau say đắm trước khi quyết định sống chung một nhà.

Trải qua 3 lần sinh nở đều là con gái, khiến chồng cô và gia đình không giấu nổi thất vọng. Thêm nữa, nhan sắc của T.T.T., vợ H. bắt đầu sa sút, trong khi phong độ của H. vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Sự lạnh nhạt của H. với vợ bắt đầu từ đó.

Một lần, trên đường đi làm về, T. vô tình thấy chồng chạy xe ngoài đường, nhưng không phải đi một mình, mà sau xe là một cô gái. Hai người vừa đi đường vừa nói cười rất vui vẻ. Tối hôm ấy, khi H. về, một cuộc khẩu chiến nảy lửa xảy ra. Trong lúc ngà ngà say, H. “tặng” vợ mấy bạt tai vì cái tội dám “ăn thua đủ” với chồng và thách cô ly hôn.

Tại Long An, theo số liệu của TAND tỉnh, tính đến đầu tháng 10/2015, TAND các huyện, thành phố trong tỉnh đã thụ lý 3.522 vụ án ly hôn, trong đó giải quyết 3.450 vụ, tăng 430 vụ so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó có 687 vụ là các cặp vợ chồng có độ tuổi từ 18-30. Một số địa phương có nhiều vụ ly hôn cao như các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức… đối tượng chiếm đa số là công nhân, lao động tự do.

Đêm đó, đợi chồng say giấc, cô lấy dao cắt phăng cái “đầu dây mối nhợ” gây mâu thuẫn vợ chồng đi. Ra tay xong, T. mới hối hận, vội vàng đưa chồng đến bệnh viện. Dù H. đã được bác sĩ khôi phục gần như nguyên vẹn, nhưng tình nghĩa vợ chồng gần 10 năm thì… hết thuốc chữa.

Chia tay vì chồng hay... sĩ diện

Rời Cần Giuộc, Long An, chúng tôi xuôi về miền Tây, đến xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, gặp những cặp đôi “cơm không lành” dẫn đến ly tan ở đây.

Gặp chúng tôi, chàng trai Nguyễn V.Đ., 25 tuổi, công nhân nhà máy chế biến gạo, như người “vớ được phao”, trút hết nỗi niềm: “Đến giờ em vẫn chẳng biết lý do thực sự vợ em muốn ly hôn là gì nữa. Cô ấy từng nói với em là mẹ em khó chịu quá, không chịu nổi, nghe vậy em bảo ra ngoài ở riêng, nhưng cô ấy không chịu. Đòi về nhà mẹ ở. Thời gian sau, em tá hỏa khi nhận được giấy mời của tòa gọi lên giải quyết ly hôn".

Đ. kể, so với nhiều cô dâu khác ở nông thôn, vợ anh khá sướng, chẳng phải lo cơm áo gạo tiền, cha mẹ chồng rất thương con dâu. Ngoài việc chăm sóc cậu con trai, cô chẳng phải đụng tay việc gì.

 “Chỉ có đôi lần mẹ em nhắc nhở vì thấy cô ấy quá vụng về, không khéo chăm sóc, quan tâm chồng. Vậy là giận mẹ chồng, rồi giận luôn cả chồng không bênh vợ, bế con xin về nhà mẹ chơi vài ngày. Lần cuối cùng, cô ấy tiếp tục bế con về ngoại, nhưng lần này, đợi mãi không thấy lên, gọi thì không nghe máy. Em sốt ruột, nhớ con nên xuống tận nơi đón.

“Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng”, em thuyết phục thế nào cũng không chịu về. Mấy ngày sau, cô ấy lên, cầm theo lá đơn ly hôn. Lý do cô ấy đưa ra là không hợp, không hạnh phúc, mẹ chồng khó tính…

Sau mấy lần thuyết phục, hòa giải không được, em đành phải ký đơn. Em thương con, và thương cả cô ấy nữa, muốn tái hợp. Nhưng cô ấy đòi mẹ em phải xuống nhà, xin lỗi cha mẹ cô ấy, rồi em cũng về quê cô ấy ở luôn. Em không dám nói với mẹ những yêu cầu của cô ấy, vì chắc chắn mẹ sẽ không đi, còn về đó sống, con em và cả vợ chồng em, sẽ rất khó khăn", anh Đ. tâm sự.

Một trường hợp ly hôn đáng tiếc khác là cặp vợ chồng N.Đ.Đ. và L.T.N. ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò. Gặp N., cô tâm sự: “Mâu thuẫn của tụi em thực ra không lớn, là những chuyện lặt vặt, bất đồng quan điểm. Nhưng do cái “tôi” của mỗi người quá lớn, nên chẳng ai nhường ai, “chiến tranh lạnh” kéo dài, và đoạn cuối con đường chung là tòa án".


Chị L.T.N. đang kể về những “đức tính” của chồng đã gây mâu thuẫn, vợ chồng chị phải ly hôn

N. kể, chồng cô là người dễ dãi, ưa nịnh, hay khoe, sĩ diện hão, chỉ cần ai khích một câu là “bốc” đến trời. Tiền lương công nhân chẳng bao nhiêu, đã không đưa về cho vợ thì thôi, anh còn sẵn sàng bao bạn bè ăn nhậu đến cạn túi. Trong khi còn nhiều khoản chi tiêu bất chợt khác như đám cưới đám tiệc, con ốm đau…

Đã nhiều lần cô khuyên nhủ, thậm chí hù dọa bỏ đi, nhưng chồng cô không những không thay đổi, trái lại ngày càng “bệnh” nặng hơn, quên hẳn vai trò làm chồng, làm cha, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay cô lo.

“Dù ổng không bao giờ nặng nhẹ với vợ, nhưng em có chồng cũng như không. Nói mãi không được, em làm đơn xin ly hôn. Nhưng ly hôn xong lại thấy buồn, trống rỗng”, N. kể.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất