| Hotline: 0983.970.780

Sống trên... dòng sông chết

Thứ Ba 26/04/2011 , 11:02 (GMT+7)

Kỳ vỹ là vậy, tiềm năng là vậy, nhưng sông Ba đang hấp hối từng ngày bởi sự bức tử của con người. Ô nhiễm, cạn kiệt là những gì còn lại trên dòng sông này.

Kỳ vỹ là vậy, tiềm năng là vậy, nhưng sông Ba đang hấp hối từng ngày bởi sự bức tử của con người. Ô nhiễm, cạn kiệt là những gì còn lại trên dòng sông này.

>> Sông Ba quằn quại

THƯỢNG NGUỒN Ô NHIỄM

Cái sự kỳ vỹ của sông Ba bắt đầu đi vào… huyền thoại khi mà thời gian gần đây, để khai thác tiềm năng thuỷ điện, dòng sông này đã bị “chặt” ra từng đoạn. Tiếp đó là hàng chục nhà máy các loại thi nhau mọc lên từ thượng nguồn đến hạ du như: Hệ thống các Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy Đường An Khê, Cty TNHH VEYU, Cty Ván sợi ép (MDF), Nhà máy Tuyển quặng Kbang…

Công bằng mà nói thì các Nhà máy dọc bờ sông Ba như thế này đã xả nước thải ra sông từ cách đây cả chục năm. Tuy nhiên những năm trước, nước sông Ba còn nhiều nên phần nào pha loãng được cái gọi là “thiếu sót” của các Nhà máy; xác động vật chết hoặc chất thải tự nhiên từ thượng nguồn cũng được dòng nước đưa ra biển. Mấy tháng trở lại đây (cùng với điệp khúc “tích nước mùa khô, xả nước mùa lũ” của các Nhà máy thuỷ điện), Thuỷ điện An Khê- KaNăk bắt đầu tích nước nên nhiều đoạn của sông Ba chỉ còn… trơ lại đá.

Dòng sông cạn kiệt, nước thải từ các nhà máy đổ ra sông không đựơc xử lý, cá chết hàng loạt nổi vật vờ trên sông khiến nước sông bị ô nhiễm nặng. Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường Gia Lai phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường cùng các ngành chức năng cho thấy: Tại Nhà máy Đường An Khê, mẫu nước thải lấy tại đầu ra hệ thống nước thải tập trung có chỉ tiêu Coliform vượt 1,7 lần cho phép. Mẫu nước thải rò rỉ từ hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải sinh hoạt của Cty TNHH VEYU (phường Tân An, thị xã An Khê) và nước thải từ khu dân cư lân cận (với lưu lượng khoảng từ 5- 10 m3/ngày) - chỉ tiêu về nhu cầu ôxy sinh hoá vượt 2,5 lần, nhu cậu ôxy hoá học vượt 1,8 lần, Coliform vượt 5,4 lần. Tại Nhà máy tuyển quặng Kbang cũng có nhiều chỉ tiêu về môi trường không đạt…

Hậu quả của sự bừa bãi do các nhà máy gây ra như trên, đã làm dòng sông Ba chết dần. Sông Ba bây giờ gần như đã cạn trơ đáy. Nhiều đoạn còn lại ít nước thì chỉ là… nước thối. Có những đoạn, người ta lùa bò ra giữa lòng sông (ngày trước) để gặm cỏ. Đi ngang qua cầu Sông Ba (trung tâm thị xã An Khê), không ai không phải bịt mũi và phóng nhanh bởi từ dưới cầu bốc lên mùi hôi thối không thể chịu nổi.

Tại hai phường An Bình và Tây Sơn (thị xã An Khê), trước đây có trên 60 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông Ba, bây giờ chỉ còn lại dưới 20 người theo nghề này, bởi họ không thể lên bờ làm nông hoặc làm thuê như những người khác. Tuy nhiên, cá mà họ bắt được cũng rất khó bán bởi đây là… cá sông Ba. Ngư dân Lê Văn Tựu (tổ 8, phường Tây Sơn) làm nghề này từ cha truyền. Nhà không có ruộng đất trên bờ nên mặc dù sông Ba ô nhiễm, ông vẫn phải theo nghề. Ông nói: “Ngày trước đánh bắt cá ở sông Ba nhiều lắm. Cá ở đây ngon nên chưa vào đến bờ đã có người đặt mua hết. Bây giờ cá chết nhiều do ô nhiễm, lên bờ cũng không ai muốn mua vì sợ ăn vào bị nhiễm độ”.

HẠ DU KHÔ KHÁT

Sông Ba đoạn chảy qua địa bàn xã Ia Kđăm (huyện Ia Pa, Gia Lai), lòng sông đã cạn kiệt. Ba trạm bơm trong vùng là: Ia Kđăm, Plei Toan và Kim Tân đã phải ngừng hoạt động vì không còn nước. Theo đó, hàng trăm héc - ta lúa Đông Xuân ở đây đang thời kỳ làm đòng, chớm trổ bông đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì không có nước tưới. Ông K’sor Bui - cán bộ HTXNN Ia Kđăm đưa chúng tôi xuống cánh đồng 50 ha lúa đang thời kỳ làm đòng. Cả cánh đồng hầu như đã héo rũ vì thiếu nước. Nông dân K’sor Ben có đám ruộng ngay bên cạnh mương dẫn nước nhưng cũng không thể thoát cảnh chết khô vì mương nước đã cạn khô. K’sor Khôi than thở: “Chưa năm nào như năm nay, đồng ruộng thiếu nước nên lúa không sống nổi. Nghe nói người ta chặn dòng nước ở thượng nguồn nên dưới này phải chịu cảnh khô khát”.

Anh Trần Minh Phương, cán bộ Phòng NN- PTNT huyện Ia Pa, cho biết: “Nước sông Ba xuống thấp quá, chưa đến miệng vòi hút của trạm bơm nên không có nước để bơm lên ruộng”. Vụ Đông Xuân 2010 - 2011, toàn xã Ia Kđăm gieo trồng được 230 ha cây trồng các loại, trong đó có 80 ha lúa nước thì toàn bộ đang dần khô héo. Chủ nhiệm HTXNN Ia Kđăm Siu Khiêm cho biết: “Nhiều cánh đồng khác của xã Ia Kđăm có diện tích lên đến cả ngàn ha vụ Đông Xuân này đành bỏ hoang vì không có nước sản xuất”.

Việc “Thượng điền tích thuỷ, hạ điền khan” không chỉ xảy ra ở Ia Pa, mà hầu hết các huyện nằm phía hạ lưu sông Ba đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, hàng chục ngàn hộ nông dân vùng này đang hết sức lo lắng cho những vụ sản xuất những năm tiếp theo.

Không riêng gì xã Ia Kđăm mà 4 xã phía Đông sông Ba và một số xã khác nằm ngoài vùng tưới của công trình thuỷ lợi Ayun Hạ như: Kim Tân, Pờ Tó, cũng cùng chung cảnh ngộ: Hàng trăm ha lúa đang chịu cảnh thiếu nước tưới. Giải pháp của chính quyền địa phương là: Kêu gọi nông dân tiết kiệm nước; huy động tổng lực khơi thông, chặn dòng sông Ba để nước dâng vào trạm bơm… Tuy nhiên giải pháp này xem ra kém hiệu quả, bởi lấy đâu ra nước để tiết kiệm với khơi thông! UBND huyện Ia Pa đã đưa ra giải pháp dài hạn là: Dùng kinh phí trên 900 triệu đồng để gia cố kênh dẫn, hạ thấp đầu hút trạm bơm để đưa nước vào đồng. Đây cũng chỉ là sự cố gắng giúp dân của chính quyền huyện.

Còn việc chặn dòng tích nước ở đầu nguồn vào mùa khô của các Nhà máy thuỷ điện, nếu không có giải pháp, kế hoạch hợp lý thì đầu hút trạm bơm có hạ đến… đâm vào lòng sông cũng không thể có nước đưa vào đồng. (Hết)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.