| Hotline: 0983.970.780

Sống trên nóc nhà chờ cứu trợ

Thứ Năm 07/10/2010 , 10:05 (GMT+7)

Suốt cả 5 ngày trời mưa lũ gần như trút hết cả lên đầu người dân Hương Khê, cho đến chiều 6/10 nước lũ vẫn đang ở mức cao, người dân nơi đây tưởng chừng như không thể vượt qua...

Suốt cả 5 ngày trời mưa lũ gần như trút hết cả lên đầu người dân Hương Khê, cho đến chiều 6/10 nước lũ vẫn đang ở mức cao, người dân nơi đây tưởng chừng như không thể vượt qua bởi toàn bộ tài sản đã bị nước lũ cuốn trôi, cây cối, vườn tược đều ngập chìm trong biển nước.

Vượt lũ cứu dân

Chiếc ca nô chở đoàn nhà báo chúng tôi cùng tân Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự ì ạch bươn giữa thác lũ, trong khoang thuyền người ít nhưng lương khô, mì tôm, nước uống thì nhiều khiến cho cả đoàn bấp bênh giữa dòng nước xoáy từ mờ sáng đến đêm, bụng đói, quần áo ướt sũng, cái lạnh như buốt xương tủy; người cầm lái ca nô cố len lỏi đến những nơi có tiếng người kêu cứu bằng mọi cách chuyển cho họ bằng được một ít lương thực, nước uống để cứu dân. Tại xóm 4, xã Phương Mỹ nơi có đến 95% gia đình bị chìm ngập trong biển nước, chúng tôi tiếp cận được gia đình mẹ con chị Nguyễn Thị Lễ và cháu Nguyễn Thị Nhật, 8 tuổi trong bộ quần áo tơi tả ướt sũng, cháu Nhật đang ôm trên tay một đống sách vở, mấy con lợn, gà, chó... chen chúc quây quần bên người trong một nóc nhà nhỏ nhoi, xung quanh cả biển nước bao bọc. Khi chúng tôi đưa mấy gói mì tôm, chị Lệ khóc òa lên, còn cháu Nhật cầm gói mỳ tôm nhai ngấu nghiến.

Chị Lệ nói: “Cả làng chết đói, chết khát mất thôi, may mà có cán bộ về cứu trợ cho mẹ con, mẹ con cảm ơn cán bộ lắm”. Rời nhà chị Lệ, chiếc ca nô tiếp tục chở đoàn chúng tôi tìm đến một số gia đình bị ngập sâu hơn, hầu hết các gia đình đang trong tình trạng đói và khát bởi đã hơn 5 ngày trời tất cả lương thực, thực phẩm đều đã bị lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Nam, xóm 6, xã Phương Mỹ ôm lấy hộp mì tôm do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao mà nước mắt trào dâng; ông cảm động khi giữa bao la biển nước người đứng đầu chính quyền tỉnh không ngại nguy hiểm vượt lũ đến với nhân dân...

Chúng tôi tiếp tục đi, trước mặt, phía sau mênh mông một biển nước. Ai cũng xao động trong lòng, không biết đến bao giờ nước lũ mới rút, cuộc sống người dân sẽ ra sao khi cơn đại hồng thủy đã cướp đi toàn bộ tài sản, mùa màng của họ, người nông dân nơi đây lại thêm một lần trắng tay.

Tới Hòa Hải, một trong những xã thiệt hại nặng nề nhất huyện Hương Khê. Lũ đã đẩy hàng trăm hộ dân Hòa Hải đến cảnh “vô gia cư”, toàn bộ dân xóm 6, xóm7, xóm 8 chạy lên xóm 9 nơi có vị trí cao hơn để lánh nạn. Trên một khu đất trồi lên giữa biển nước, hàng trăm con trâu bò chen nhau, run lẩy bẩy trong cơn giá lạnh. Người và gia súc, gia cầm chia nhau từng m2 đất để náu thân. “Tội lắm các bác ạ, mấy ngày nay cả người lẫn trâu, bò lợn gà không có chi mà ăn, đói lả cả rồi. Cứ thế này chắc người, gia súc, gia cầm chết mất thôi!”, một lão nông lẩy bẩy nói.

Bà Nguyễn Thị Kỷ (42 tuổi, trú tại xóm 9, xã Hòa Hải) có 4 người con. Lũ ập đến lúc nửa đêm, bao vây căn nhà, mọi người khẩn cấp sơ tán lên vùng đất cao hơn tránh thủy tặc. Tiếc đàn lợn vừa đẻ được hơn chục con, xót đàn gà, bà Kỷ kiên quyết “một tấc không đi, một ly không rời”, bám trụ vườn tược. Nước ngang đầu gối, bà Nguyễn Thị Kỷ vác dao đẵn mấy chục cây chuối, kết thành chiếc bè. Nước ngang ngực, bà Kỷ ôm lợn, gà trèo lên bè. Chiếc bè chuối chưa đầy 5m2 thành nơi tá túc của người đàn bà nghèo đói và đàn gia súc, gia cầm. “Với gia đình tôi, bầy lợn, đàn gà là cả một gia tài, phải cố chiến đấu để cuối năm 2010 còn có cái mà đón Tết. Tôi không đi đâu cả!”, bà Kỷ nói chắc như đinh đóng cột. Ba ngày rồi, bà không có cơm, phải ăn mỳ tôm sống cầm cự. Cơn khát ập đến. Nước ngập nhà nhưng chẳng dám múc uống vì biển nước cuộn đỏ như máu.

"Bộ đội còn khổ gấp bội chúng tôi"

Chia sẻ với người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh, sáng nay 7/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và đoàn công tác các Bộ ngành Trung ương đã vào Hà Tĩnh để xuống tận các vùng lũ thăm hỏi, động viên tặng quà cho bà con; đồng thời, tìm hướng giúp Hà Tĩnh sớm khắc phục hậu quả do trận lũ gây nên.
Đi trong lũ mới thấu hiểu tình người trong cơn hoạn nạn. Người dân Hòa Hải, Hương Khê, những căn nhà cao ráo trở thành nhà ở tập thể, nơi đông nhất chứa đến 4-5 gia đình. Họ chia nhau từng gói mỳ tôm, chiếc bánh mỳ, từng gầu nước uống. “Lạy trời! Đừng mưa nữa! Nếu lũ lụt kéo dài thêm vài hôm, nông dân không chỉ phải chống chọi với giặc nước, mà còn đối diện với giặc đói, giặc khát. Chịu răng nổi!”, bà Phạm Thị Lục (thôn 8, xã Hòa Hải) than. Gia đình bà có 5 nhân khẩu, không ai dám trụ lại ở nhà vì lũ uy hiếp, phải dắt nhau chạy lên xóm 9. Nông dân Hương Khê, vừa phải oằn lưng vượt qua đại hạn mất mùa, giờ đây lại trắng tay bởi lũ ngập đồng.

Hai ngày nay, gần 15 tấn mỳ tôm, lương khô, hàng vạn chai nước khoáng nhanh chóng đến với người dân vùng lũ. Có mặt tại các xã Hòa Hải, Phương Điền, Phương Mỹ, PV NNVN chứng kiến cảnh các chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh quần quật bê từng thù mỳ ăn liền xếp ngăn nắp trên chiếc xuồng cao tốc rồi lao xuống dòng nước cứu trợ cho bà con làm nhiều người không khỏi xúc động. “Trong cơn hoạn nạn mới thấu hiểu lòng người. Lũ lụt, các anh bộ đội còn khổ gấp bội chúng tôi”, anh Nguyễn Văn An, thôn 9, xã Hòa Hải xúc động nói.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.