| Hotline: 0983.970.780

Sống trong đá, chết vùi trong đá!

Thứ Tư 13/04/2011 , 09:45 (GMT+7)

Cùng với giá lạnh của sương mù, của bụi bặm, hiểm nguy tiềm ẩn từ các tảng đá khổng lồ lơ lửng trên đỉnh núi khiến tính mạng con người làm nghề này chỉ như hạt bụi.

Hơn một năm nay anh Nguyễn Hữu Xuân ở làng Thiều, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn - Thanh Hóa phải đi bằng chiếc nạng gỗ vì bị đá cắt đứt chân trái khi đang làm việc tại một núi đá. “Làm nghề này bạc lắm! Chỉ cần sơ suất sẩy chân là có thể rơi vào cảnh thịt nát xương tan bất kể lúc nào" – anh Xuân than thở.

>> Những ẩn họa mang tên ''Lèn Cờ''
>> Bồng Miêu sa khoáng hại người
>> Hà Tĩnh- Lửng lơ tai họa
>> Rợn người trên các mỏ đá Quỳ Hợp

Hiện trên địa bàn huyện Đông Sơn có hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đang khai thác, chế tác đá sử dụng một lực lượng lao động rất lớn. Song họ lại không ký hợp đồng với đại đa số người lao động. Quá trình làm việc người lao động không được hướng dẫn và tập huấn về kỹ thuật khai thác đá. Về điều này, anh Xuân nói thẳng: “Tôi làm nghề này gần 15 năm rồi và chưa một lần nào được gặp gỡ hay tiếp xúc với bất kỳ cơ quan, đơn vị nào đến tập huấn hay hướng dẫn, kể cả kiểm tra đến quy trình khai thác đá. Và nói thật với các anh là rất nhiều ông chủ ở đây chẳng hiểu gì về kỹ thuật khai thác đá thì làm gì mà bày vẽ được cho chúng tôi”.

Cũng như anh Xuân, hàng chục lao động khác mà chúng tôi có dịp tiếp xúc để nghe họ nói về công việc của mình mới thấy được việc cấp phép, quản lý khai thác đá ở các doanh nghiệp trên địa bàn còn lỏng lẻo, nhất là việc siết chặt an toàn trong lao động. Anh Lê Văn Hòa ở đội 9, xã Đông Hưng (Đông Sơn - Thanh Hóa) sau nhiều năm “kiếm cơm dưới hàm ếch đá” để nuôi vợ con thì một ngày của tháng 12 năm 1997 bị tảng đá rơi từ trên cao xuống nghiến nát mấy xương sườn và xương sống gãy thành mấy khúc. “Tui nằm liệt một chỗ kể từ khi bị nạn đến nay, mọi sinh hoạt đều tự túc trên giường. Chừng ấy thời gian, tôi đều phải đợi chờ vợ và con đi làm về mới có thể trở được mình” - anh Hòa cho biết.

Tôi nêu thắc mắc: Theo quy trình, phải khai thác, bóc gỡ đá từ trên xuống dưới và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nhưng sao các anh vẫn khoét hàm ếch dưới chân núi đá? Anh Xuân đáp: "Chúng tôi đã từng kiến nghị nhưng doanh nghiệp than thở là không đủ tiền để đầu tư thiết bị làm dây chuyền vận chuyển đá từ trên cao xuống". Còn anh Hòa tâm sự: “Người lao động vì mưu sinh cuộc sống mà doanh nghiệp thì vì lợi nhuận nên họ không bao giờ thực hiện khai thác đúng quy trình đâu. Nếu khai thác từ trên cao xuống thì tảng đá được lấy ra hất từ độ cao hàng trăm mét xuống dưới mặt đất sẽ làm giảm đi 30-40% giá trị do nứt vỡ".

Khi đưa vấn đề tạo một dây chuyền cạnh huyền của tam giác vuông từ trên cao xuống mặt đất để cho đá dịch chuyển thì chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thọ - TGĐ Cty CP Sản xuất và thương mại Tự Lập, một DN đá đóng trên địa bàn xã Đông Hưng cho biết: “Qua nhiều vụ sập núi đá ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, một số DN hoạt động trong lĩnh vực này đã có hướng thay đổi trong kinh doanh. Cụ thể là các DN lớn thì không tham gia trực tiếp vào việc khai thác đá nữa mà chủ yếu là các DN nhỏ mới thành lập buộc phải đi khai thác để những DN lớn có nguyên liệu phục vụ cho việc chế tác, tạo thành phẩm bán ra thị trường. Chính vì thế, các DN không có khả năng để lắp đặt một dây chuyền như thế để dịch chuyển đá từ trên cao xuống đất”.

Dọc theo các ngả đường vào các mỏ đá ở huyện Đông Sơn, Yên Định, chúng tôi cảm nhận rõ mối hiểm nguy đến ớn lạnh với những người đang ngày ngày "đánh đu" tìm kế mưu sinh trên các lưng chừng sườn đá hay dưới hàm ếch đá. Cùng với giá lạnh của sương mù, của bụi bặm, hiểm nguy tiềm ẩn từ các tảng đá khổng lồ lơ lửng trên đỉnh núi khiến tính mạng con người làm nghề này chỉ như hạt bụi.

Thật vậy, nghề đẽo, đục đá luôn được xem là cuộc đánh đổi bằng máu và nước mắt. Hai năm trước, tại mỏ đá thuộc xã Đông Hưng của chủ mỏ có tên là Lưu, anh Lê Văn Hồng (SN 1958) đang đu người cao 100m trên núi để khoan đá thì bất thình lình, một tảng đá hàng chục tấn đổ sập, đè nát người và chiếc xe cẩu đang chờ phía dưới. Sau cái ngày định mệnh đó, vợ anh Hồng là chị Thiều Thị Hạnh và 4 người con côi cút trong cảnh quạnh hiu, đớn đau và đói khổ. Thế mà chị Hạnh vẫn không thể quay lưng với nghề phu đá dẫu biết tử thần luôn rình rập. Công việc nhặt đá, chẻ đá là của đàn ông nhưng từ ngày chồng mất, chị phải nhận làm để kiếm tiền lo cho các con. Chị và hàng ngàn lao động khác đều làm việc quần quật, không bảo hộ lao động, không có ký hợp đồng, môi trường đầy độc hại vì bụi đá, khói thuốc nổ nhưng mỗi công nhân chỉ được trả từ 70.000 - 80.000 đồng một ngày công lao động.

Hàng ngày trên bãi đá thuộc các xã Đông Hưng, Đông Văn, Nhồi của huyện Đông Sơn có trên dưới ngàn người khai thác, bốc vác đá, chẻ, nghiền, vận chuyển đá trong đó có rất nhiều trẻ em. Năm năm trở lại đây, đã có biết bao nạn nhân chết vì bị đá va đập, vùi lấp do bất cẩn trong làm việc. Sau tiếng mìn nổ rung chuyển đất trời, đá lao ầm ầm từ vách lèn xuống thế mà công nhân vẫn bất chấp nguy hiểm ùa ra như ong vỡ tổ để khai thác.

Chúng tôi vòng đến sát một trong những chân núi đá như thế thì thấy cảnh tượng thật kinh hãi. Ở dưới là các loại máy móc khai thác đá khoét lõm sâu hàm ếch. Phía trên là chênh vênh vách núi với những vết rạn nứt chân chim chằng chịt, chỉ chực chờ một chấn động nào đó là đá có thể đổ ập xuống, nơi có hàng trăm lao động nữ đang vô tư làm việc. Nhiều công nhân ở đây cho biết thêm: “Do khai thác đá khoét, mìn nổ lung tung nên nhiều bữa mìn không nổ vẫn có những khối đá tự dưng đổ ập xuống gây chết người. Mà đã tử vong vì nghề đá thì đầy thương tâm, nạn nhân chết vùi trong đá, thịt nát xương tan, nếu không chết thì cũng tàn tật vĩnh viễn”.

“Sống trong đá, chết vùi trong đá” là câu cửa miệng mà đám "phu đá" vẫn thường gắn cho mình khi đã chọn nghiệp này. Tai nạn nhiều, chết cũng lắm nhưng đói thì vẫn phải liều, một lão nông ở xã Đông Hưng thở dài.

Ông Giám đốc Sở vô cảm!

Trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng về ATLĐ trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là vụ sập núi đá Lèn Cờ ở Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phải khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, ATLĐ tại các mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Mặc dầu Thủ tướng có chỉ đạo như vậy nhưng dường như tại Thanh Hóa công tác này hiện vẫn còn án binh bất động.

PV NNVN đến gặp Trưởng phòng Việc làm và ATLĐ của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa thì được ông này từ chối phát ngôn và chỉ cho PV sang gặp Sở Công thương. PV đến Sở Công thương thì ông Chánh VP Sở này bảo việc đó thuộc chuyên môn của Sở TN-MT. Tiếc thay khi chúng tôi gõ đúng cửa thì ông Vũ Đình Xinh - GĐ Sở TN-MT Thanh Hóa đã tỏ thái độ vô cảm trước hàng trăm tính mạng của người lao động ở các mỏ đá khi ông Xinh bất hợp tác với báo chí, từ chối làm việc với PV và nhất định không cung cấp các thông tin liên quan đến việc cấp phép, khai thác, quản lý hoạt động khai thác đá trên địa bàn của tỉnh.

Động thái này của ông GĐ Sở TN-MT Thanh Hóa đã "vô hiệu hóa" Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định của Nhà nước.

Xem thêm
Khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đất đai

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa Luật Đất đai số 31/2024/QH15 vào cuộc sống.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực

Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

Bình luận mới nhất