| Hotline: 0983.970.780

Sống trong mong đợi

Thứ Hai 31/03/2014 , 09:28 (GMT+7)

60 năm qua, ở Mường Trời, vẫn còn những góc khuất của cuộc chiến, những đứa con lai  giờ đây vẫn mòn mỏi, mong gặp đấng sinh thành.

60 năm trôi qua, đất Mường Trời cây đã xanh lại. Tuy nhiên, ở nơi đó vẫn còn những góc khuất của cuộc chiến, những đứa con lai  giờ đây vẫn mòn mỏi, mong gặp đấng sinh thành.

Đến bản Pắp Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (Điện Biên) hỏi thăm nhà bà Lường Thị Lao, ai cũng bất ngờ. Những cư dân nơi đây chưa bao giờ gặp người khách lạ nào đến thăm bà Lao cả.

Số phận éo le

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con bà Lao nằm sâu trong bản Pắp Pe. Bà Lao mặc trang phục của người Thái, chỉ khi bà đến gần mới phát hiện về ngoại hình bà có phần khác với những phụ nữ Thái nơi đây. Gặp người lạ, bà Lao tỏ ra ngại ngùng.

Bà Lao không có cái eo thon thắt đáy lưng ong như những thiếu nữ Thái nhưng bù lại dáng bà cao to và có nhiều nét đẹp pha trộn với người Tây. Sống mũi cao và thẳng, vầng trán đầy đặn với đôi mắt sâu và trong xanh.

Hỏi thăm gia cảnh, bà Lao tỏ ra không vui. Câu đầu tiên bà nói chúng tôi là lời than thở: “Nhà bà nghèo lắm! Các cháu đừng chê nhé”.

Dường như từ lời nói đến hành động của bà Lao luôn thiếu sự tự tin. Suốt mấy chục năm qua, bà sống trong tâm trạng như thế. Hai tiếng con lai như một rào cản khiến bà khó hòa nhập cộng đồng.

Bà Lao không phải là người gốc bản Pắp Pe. Ngay cả bà Lao cũng không biết chính xác bố mẹ đẻ của mình là ai. Bà bảo: Mẹ nuôi của tôi là bà Lường Thị Khún, mất cách đây 5 năm. Ngày tôi lớn lên, mẹ Khún bảo, trong một lần chạy giặc, mẹ nhìn thấy tôi bò lổm ngổm trên đất. Bà đã bế tôi theo.

Nhắc đến mẹ, bà Lao lại rơi nước mắt, những ngày tháng khổ cực của mấy chục năm trước lại ùa về. Năm 1954, sau khi chạy loạn, cụ Khún ôm theo một đứa trẻ về bản Pắp Pe này sinh sống. Người con gái của cụ Khún càng lớn càng có nét khác so với những đứa trẻ ở nơi đây. Bao giờ cụ Khún cũng phải mua dép và quần áo ngoại cỡ cho cô con gái.


Bà Lường Thị Lao

Đời sống của mẹ con cụ Khún khi ấy bữa đói bữa no. Mãi đến đầu năm 70 của thế kỉ XX, cụ Khún mới quen một anh bộ đội chuyển ngành ở Lạng Sơn về Điện Biên làm kinh tế. Họ nên duyên vợ chồng và cùng nuôi đứa con gái của vợ.

Cụ Khún lấy chồng nhưng không có con. Bà Lao càng lớn càng thu mình lại trong ngôi nhà của mình, chẳng mấy khi bà đi chơi xa. Ngay cả việc đi học chữ, bà cũng không đi. Đám trai bản nơi đây thấy bà cao to khác thường nên chẳng ai dám đến nhà chọc sàn. Bà Lao cảm thấy giữa bà và người dân nơi đây như có một khoảng cánh khó san bằng.

Mãi đến năm 1985, có một người đàn ông ở miền xuôi lên làm ăn tại Điện Biên, anh ta thuê trọ ở gần bản và đã làm quen với bà Lao.

Những tưởng từ đây cuộc đời bà sẽ có nhiều thay đổi, nào ngờ ở với nhau được nửa năm, người đàn ông kia đã ra đi không một lời giã từ. Chưa kịp tìm hiểu vì sao anh ta lại bỏ mình, cái bụng của bà Lao đã lùm lùm.

Sau đó vài tháng bà sinh được một người con trai. Từ đó mẹ con bà phải làm nhà ra ở riêng. Hoàn cảnh túng thiếu, đứa trẻ khát sữa, bà Lao thiếu ăn. Ngôi nhà mới dựng của mẹ con bà mưa dột tứ bề. Mùa đông gió thổi luồn qua vách lứa, rét thấu xương. Mẹ con bà cứ lay lắt sống qua ngày. “Sinh con được vài hôm, tôi đã phải gửi ở nhà để đi làm đồng kiếm cái ăn. Nhà có ít ruộng nên cả năm chẳng đủ ăn”, bà Lao nhớ lại.

Ngày tháng dần trôi, đứa con trai của bà Lao đã lập gia đình và sinh con nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho bà. Dường như cái nghèo truyền kiếp của bà đến lượt người con trai gánh tiếp. Nhà có thêm người, ruộng chỉ có vậy, cả năm, đứa con trai phải đi làm thuê, làm mướn cùng bà nuôi cái gia đình khốn khó này.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi hàng xóm của bà kéo sang ngày một đông. Bà Lao lại tỏ ra ít nói. Giờ tôi mới có dịp nhìn kĩ ngôi nhà cấp bốn của mẹ con bà Lao đã xuống cấp, thủng lỗ chỗ. Nhà bà Lao cũng chẳng có gì đáng giá. Cái giá trị nhất có lẽ là 10 kg gạo mà bà vừa đi vay “nóng” để chống đói cho cả nhà.

Sắp qua một đời người mà bà Lao chưa có lấy quãng thời gian được thảnh thơi. Người đàn ông - bố của đứa con trai của bà đến giờ vẫn chưa một lần quay lại thăm mẹ con bà.

Nay đã gần 70 tuổi, tóc đã bạc, lưng đã còng nhưng bà Lao vẫn phải nai lưng ra làm để kiếm cái ăn. Cứ sau Tết, mẹ con bà phải đi vay tạm gạo về ăn. Nhà đã khó, bà lại đang mang bệnh cao huyết áp. Nhiều hôm ốm, bà không dám đi viện vì không có tiền.

Giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà chỉ mong mình tìm được gốc gác của mình. Bà bảo: Đời tôi không biết mặt bố, giờ lại đến đứa con của mình. Nhiều đêm nghĩ tới gia đình mình, nước mắt chẳng cầm được.

Mong điều kỳ diệu

Cách nhà bà Lao không xa, tại bản Mé (Thanh Hưng) cũng có một người đàn ông là con lai người Pháp. Giống như bà Lao, ông Lường Văn Đăm (SN 1953) đến giờ chưa biết bố đẻ của mình là ai. Lần đầu gặp ông Đăm, ai cũng dễ nhận ra mái tóc xoăn tít và nước da đen của ông. Theo tiếng Thái “đăm” có nghĩa là “đen”.

14-15-14_4
Ông Lường Văn Đăm

Ông Đăm bảo: "Mình nói tiếng Thái, ở nhà sàn và sống ở bản Thái nên mình là người Thái rồi. Thi thoảng cũng muốn tìm gốc gác của mình nhưng giờ chẳng còn giấy tờ gì nữa". Giờ ông Đăm chỉ mong có một phép màu nào đó để người cha của mình tìm về nơi đây.

60 năm đất Mường Trời đã im tiếng súng nhưng nỗi lòng của ông Đăm và bà Lao mãi vẫn chỉ là tiếng vọng giữa đại ngàn.

Mẹ của ông Đăm là cụ Lù Thị Đôi. Nghe người già trong bản kể lại, cụ Đôi nên duyên với một người lính Pháp làm việc tại Đồi A1. Ngày trước, bà Đôi đẹp lắm nhưng mỗi tội bà có một nốt hắc lào ở tay, chẳng trai bản nào dám lấy bà về làm vợ. Duy chỉ có anh lính Pháp là say bà như điếu đổ.

"Nó thích cô Đôi quá, chân theo vào bản, lên nhà. Lâu lâu, bố mẹ của Đôi cũng hết sợ người khách đen như cột nhà cháy đó. Rồi một buổi, nó mang cả người nói giỏi tiếng Thái đến nhà thưa chuyện lấy cô Đôi làm vợ. Bố mẹ cô Đôi bảo không được, nhưng nó cứ đến nhiều thì đành đồng ý. Tôi có biết nó, người trông hiền, nhưng quên tên rồi", ông Lường Văn Lún, người cùng bản, vốn là phụ tá cho chồng bà Đôi, nhớ lại.

Lấy chồng được một thời gian, một hôm người lính Pháp đó bất ngờ về nhà vợ và bảo: "Tôi phải đi xa, đi tiếp đâu thì chưa biết. Không chắc gặp lại nhau được nữa". Biết vợ có thai, người lính kia khóc, rồi đưa cái giấy viết rất nhiều chữ bằng tiếng Pháp và 1 gói quần áo lính... Rồi người lính đó lên đường.  

Ngày bà Đôi sinh con, người lính kia cũng chưa quay lại. Cậu bé Đăm ra đời đen như như bồ hóng.

Chiến tranh kết thúc, bà Đôi mong mãi cũng không thấy người lính Pháp kia quay lại. Sau này, ông Đăm còn có thêm người em nữa. Ông Đăm lớn lên với thân thể cường tráng. Ai có việc gì nhờ là ông giúp. Chẳng thế mà nhiều bà mẹ người Thái muốn ông Đăm về làm rể nhưng Đăm chỉ yêu cô Lò Thị Dóm vừa đẹp vừa hợp tính. Sau 3 năm ở rể, vợ chồng ông Đăm ra ở riêng.

Vợ chồng ông sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Mẹ ông Đăm mất sớm, ông ở với cha nuôi. Ngày mẹ mất, tất cả những kỉ vật liên quan đến ông bố người Pháp cũng cho chôn theo mẹ hết. Ngay cả mảnh giấy ghi tên tuổi, địa chỉ của người bố đẻ cũng chôn theo.

Ông Đăm chỉ giữ lại được cái áo choàng nhưng giờ cũng đã hỏng. Có một vật duy nhất là cái linh của người Thái (giống như cái cho đồ xôi của người Kinh), do bố đẻ của ông mua cho vợ để nấu xôi là còn giữ được đến ngày hôm nay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất