| Hotline: 0983.970.780

Sự giàu có của dòng họ Quách đạt đỉnh cao từ nghề nông

Thứ Tư 28/02/2018 , 14:30 (GMT+7)

Khởi nghiệp bằng nghề mua bán cao đơn hoàn tán, rồi đến kinh doanh hiệu buôn hàng xén, mặc dù đang ăn làm ra, nhưng những hậu duệ đời sau của dòng họ Quách chuyển hẳn sang nghề nông, sự giàu có của dòng họ Quách đạt đỉnh cao từ nghề này.

Tích tụ ruộng đất

Họ Quách vốn gốc Hoa nên thông hiểu Hán tự. Tuy nhiên, 3 vị tiên tổ chữ nghĩa hạn chế, chỉ đủ áp dụng trong chuyện mua bán. Nhưng ông Quách Hội Đồng, hậu duệ đời thứ tư của dòng họ Quách thì rất thông tuệ chữ nghĩa, bởi ông là người mê chữ hơn mê tiền. Ông ham học, ham đọc sách. Ông chuyên tâm tìm tòi những bộ sách quý mua về để đầy nhà. Nhiều bộ sách khi ấy ở Việt Nam chưa có, ông phải gửi mua tận bên Trung Quốc. Ông đọc từ sách thiên văn, địa lý, tướng số đến cả sách dạy làm nông nghiệp.

10-46-11_1-15
Từ đường Quách Tịnh Nương tọa lạc tại làng Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định)

Lòng ông Đồng luôn tâm niệm rằng nghề buôn bán lắm phiền hà. Nhiều khi chỉ vì tranh nhau 1 mối lợi nhỏ mà người đang thân bỗng trở thành sơ, có khi hóa thù địch. Thêm nữa, ông vốn tính tình phong nhã, ưa ngao du sơn thủy, thích điền viên, nên chuyện mua bán không phù hợp với ông. Thêm vào đó, chợ An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, Bình Định) ngày càng trở nên đông đúc, bán buôn sầm uất, nên ông cảm thấy mình lạc lõng ngay trong ngôi nhà của mình. Ông quyết định đổi nghề và đổi cả nơi định cư.

Trong những chuyến ngao du sơn thủy, một hôm ông đi ngang qua làng Thuận Nghĩa, bây giờ thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, ông nhận thấy ở đây đất rộng người hiền, trong bụng thấy ưng quá. Sau nhiều đêm thức trắng, nghĩ ngợi, cuối cùng ông quyết định sang nhượng hiệu buôn tại An Thái, đưa gia đình lên Thuận Nghĩa định cư.

Thuận Nghĩa là làng quê trù phú, khoảng giữa là bạt ngàn ruộng chạy từ phía Tây xuống phía đông, đất đai phì nhiêu nằm dọc theo con mương Văn Phong (hiện đã trở thành đập dâng Văn Phong có ngưỡng tràn hình phím đàn lớn nhất thế giới), chia thành 2 vùng nam bắc. Vùng phía bắc gò đống ngổn ngang, ruộng gieo ăn nước trời nối tiếp đất thổ. Vùng phía nam chạy dọc bờ sông Kôn dân cư đông đúc, vườn nối đất soi, soi tiếp nối ruộng, đất đai mầu mỡ. Ông chọn Thuận Nghĩa làm nơi khởi nghiệp nghề nông.

Lúc bấy giờ, ruộng đất ở đây thường xuyên bị sông Kôn xâm thực sau những mùa mưa lũ. Nhà nào có ruộng dọc bờ sông ai cũng muốn bán để mua ruộng nơi khác để canh tác ổn định hơn. Ai bán ruộng, ông mua tất. Người làng ai cũng cho ông là người “dại của”. Vợ ông, bà Lê Thị Đệ, vì xót tiền cũng có ý phàn nàn vì ông đổ của đi mua những thửa ruộng canh tác không hiệu quả. Ông tỉnh rụi, nói: “Lấy phước mà đong, hơi đâu bà lo cho mệt. Tiền của cất kỹ trong lẫm mà trời không thương cũng không giữ được. Huống hồ cuộc sống bể dâu, nay ruộng lở theo sông, biết đâu sau này sông bồi đắp thành ruộng”.

10-46-11_2-7
Đất đai Thuận Nghĩa nhờ phù sa sông Kôn bồi đắp nên rất màu mỡ

Quả nhiên, chỉ sau 10 năm, một trận lụt lớn đã khiến dòng sông Kôn chuyển dòng về phía nam, phù sa bồi lên phía thôn Thuận Nghĩa thành một vùng đất phù sa mầu mỡ rộng lớn đến vài trăm mẫu, phần lớn nằm trong quyền sở hữu của nhà họ Quách. Sau này ông đặt cho nó cái tên là vùng Xóm Soi.

Khi ấy, người làng mới “tá hỏa” vì ông Quách Hội Đồng sở hữu vùng đất “vàng” mênh mông. Nhiều người cho rằng ông ở hiền gặp lành, cũng có người bảo ông đọc nhiều sách thiên văn, địa lý, dự báo được cuộc xoay chuyển của thiên nhiên nên đã thắng “canh bạc” với đất trời.
 

Lập đỉnh giàu có

Nhờ đọc được bộ sách “Đào công trí phú”, ông Đồng học được bí quyết nuôi tằm. Tằm nuôi ở nhà họ Quách không bao giờ bị hư, kén không bao giờ bị lép, vì vậy cơ nghiệp của dòng họ Quách ngày càng phát đạt. Kén bán không hết, ông Đồng cho lập lò ươm tơ ở đầu làng. Tơ nhà họ Quách ươm cũng khéo, nổi tiếng khắp nơi nên tiêu thụ rất mạnh. Không bao lâu sau, nghề tằm đã làm nên cái đỉnh giàu có cho nhà họ Quách. Năm nào tơ tằm cũng mang về khoản lãi rất lớn, ông dồn hết để mua ruộng.

Sự giàu có của dòng họ Quách vào thời điểm này đã lên đến cực điểm. Đầu thế kỷ 20, dòng họ này xây dựng 4 trang viên trên đất làng Thuận Nghĩa, trong đó có một trang viên rộng hai mẫu Tây (2 ha), ba trang viên còn lại mỗi trang viên rộng một mẫu Tây. Trận lũ lịch sử xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904) đã nhấn chìm cả 4 trang viên.

10-46-11_3-4
1 trong 4 căn nhà cổ của dòng họ Quách tại Thuận Nghĩa

Đến năm 1907, dòng họ Quách bắt đầu tái dựng lại 4 trang viên nói trên. Mọi việc xây dựng giao hết cho ông Quách Nghĩa Viễn, con của ông Quách Hội Đồng, hậu duệ đời thứ 7. Giống như cha, ông Viễn một không chỉ giỏi về tướng số mà còn rất giỏi về xây dựng nên cả 4 trang viên được tái dựng như nguyên bản, hiện vẫn được các hậu duệ đời sau của dòng họ Quách gìn giữ, bảo tồn.

Theo hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Quách, cụ Quách Văn Bôm, người đang trông coi trang viên từ đường lớn Quách Tịnh Nương tại làng Thuận Nghĩa, lúc bấy giờ những diện tích ruộng màu mỡ và đất soi tốt nhất ở Thuận Nghĩa đều thuộc về tài sản của dòng họ Quách. “Ngoài ra, còn nhiều điền thổ ở các địa phương khác như Vĩnh Thạnh, Phú Phong, Xuân Hòa, Lai Nghi, Thủ Thiện, Bỉnh Đức… cũng được dòng họ Quách tạo mãi. Tài sản của nhà họ Quách tăng gấp 5-7 lần so thời các bậc tiên tổ”, cụ Bôm cho biết.

Sinh thời, Thi sĩ Quách Tấn, 1 trong 4 nhân vật (Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan) lập nên nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu” nổi đình nổi đám một thời, là người kêu Quách Hội Đồng bằng ông cố, có nhắc: “Họ Quách trở nên giàu có lớn là nhờ tài của ông cố tôi. Ông rất siêng năng lao động và có óc sáng kiến. Mọi việc trước khi đưa ra thi hành ông đều trù liệu cặn kẽ. Một khi đã thấy rõ sự lợi hại rồi thì quyết định ngay việc xúc tiến hay đình chỉ, không bao giờ ông ấy làm việc gì trong trạng thái do dự, nhờ đó hầu hết là thành công”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất