| Hotline: 0983.970.780

Sự tàn suy của cả một làng nghề đặc sản

Thứ Ba 13/07/2010 , 07:00 (GMT+7)

Đã từng đến, từng viết bài về làng ba ba Đại Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương) cách đây dăm năm nên tôi không thể tưởng tượng ra cảnh đìu hiu, chợ chiều của nó lại đến nhanh như vậy.

Đã từng đến, từng viết bài về làng ba ba Đại Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương) cách đây dăm năm nên tôi không thể tưởng tượng ra cảnh đìu hiu, chợ chiều của nó lại đến nhanh như vậy. Anh Phạm Huy Tưởng - Bí thư xã Đại Đồng kể, thời hưng thịnh nhất nghề nuôi trồng thuỷ sản ở xã là từ 2000-2005, lúc đó có xã 124 ha thuỷ sản thì khoảng 40 ha nuôi ba ba.

>> Chúng tôi đã từng thất bại

Ảnh minh họa

Nông dân tự tìm hiểu, tự nghiên cứu tài liệu, tự mua giống và bị cái hấp lực giá bán một cân ba ba bằng cả tạ thóc làm cho mờ cả mắt. Người ta tận dụng mọi ao hồ, thùng rãnh để nuôi ba ba thậm chí còn bốc cây, đào vườn lên làm ao. Chỉ vài chục m2 là có thể cải tạo thành nơi nuôi ba ba, rất manh mún, tự phát. Đến năm 2002-2003, chính quyền xã thấy việc cứ để dân phát triển nuôi ba ba một cách tự phát thế là không ổn liền biến nó thành chủ trương, đưa vào nghị quyết, coi đó là kinh tế mũi nhọn. Mọi thứ làm có chỉ đạo hơn, nông dân được tập huấn kỹ hơn nên năng suất, chất lượng nuôi có khá hơn.

Thời cao điểm có 500 hộ nuôi, đóng góp chừng 20-25% tổng thu nhập của xã. Giờ giá cả thất thường, nuôi không tập trung, cộng thêm chưa vấp dịch bao giờ nên đến khi dính dịch bệnh, nông dân không có kinh nghiệm xử lý, quy mô nuôi chăn nuôi co lại còn chừng 1/3. Giờ trong thôn 10 hộ nuôi ba ba trước đây giỏi chỉ còn giữ được 1-2 hộ còn lại là tình trạng bỏ không, thả cá hoặc đã lấp ao.

Anh Nguyễn Văn Tuý với kinh nghiệm nuôi ba ba 20 năm, diện tích nuôi tới 2.000m2 mà vẫn còn không ngờ tới mình bị một kinh nghiệm đau đớn thế. Số là, mấy năm trước nhập 600 con ba ba, mất trên 60 triệu tiền giống. Thả đầu năm, tầm tháng 4, tháng 5 ba ba dừng ăn. Chừng nửa tháng sau, chúng bơi ngoi sát bờ, cầm rổ xúc lên chỉ một lúc là chết với cùng một triệu chứng bụng vàng. Anh không biết tại sao, chỉ nghĩ do nước bẩn nên ra mua thuốc khử trùng cá ba sa về té xuống ao nuôi để làm sạch nước và dừng cho ăn một thời gian, ba ba vẫn chết, còn sót con nào lại rất gầy. Mới đầu còn gan, sau anh đành bán tháo giá rẻ bằng ½ giá thông thường, gỡ lại được một ít.

 So với anh Tuý, ông Nguyễn Đức Thuận còn thất bại nặng hơn. Nhà ông có 1,5 sào nuôi ba ba, thả tới 300 con ba ba. Liên tục từ năm 2004-2005 đều bị dính dịch, mỗi năm mất tới 30 triệu. Chán ba ba trơn, ông chuyển sang nuôi ba ba gai cũng không thành công lắm nên đành bỏ hoang ao giữ lại trong vườn nhà còn một bể 70m2 thả 30 con ba ba bố mẹ thế mà thỉnh thoảng vẫn bị chết. “Một con ba ba giống ra đi mất từ 3-4 triệu đồng. Kinh nghiệm thứ nhất là phải cho ăn ít đi thì môi trường ít ô nhiễm. Kinh nghiệm thứ hai là ba ba phải cùng thả từ nhỏ cho quen chuồng, quen tính hoặc thả mới đồng loạt chứ không có thả cấy dặm bởi đặc tính của chúng hay đánh nhau khi thấy đối tượng lạ. Chúng đánh nhau hăng đến mức có con phải lao lên bờ, chết với thương tích đầy mình. Kinh nghiệm thứ ba là không xây bệ xi măng trong ao nuôi bởi ba ba bò lên ăn, xước bụng gây lở loét.

Nên cho ăn bằng vó, thả thức ăn xuống rồi kiểm tra xem lượng thừa thiếu thế nào. Cũng không nên lội xuống ao vì khi lội xuống sẽ lẫn ổ, ba ba chạy sang ổ của nhau là cắn nhau ngay. Nuôi mật độ vừa phải, cho ăn vừa phải chứ trước đây tôi thả 300 con trong một cái ao rộng 480 m2 là dày quá, mỗi ngày lại cho ăn khoảng 1 tạ ốc bươu vàng hay 20 kg cá mè, nước nhanh ô nhiễm, sinh dịch bệnh. Cứ mỗi lần ba ba chết, những con to chừng 4-5 kg toàn phải giấu vợ con âm thầm đi chôn vì sợ họ xót ruột . Cuối cùng quan trọng nhất khi nuôi phải có đồng vốn dài hơi vì đầu tư cho nuôi ba ba bố mẹ, có những con đẻ đến năm thứ tư mà trứng vẫn không đậu vì không có đực, vẫn phải chấp nhận, chờ đợi”.

Anh Nguyễn Văn Thư có diện tích 2,5 sào ao bảo với tôi rằng nếu suôn sẻ không có gì nuôi lãi bằng con ba ba. Thế nhưng anh cũng đã từng vấp liểng xiểng trong nghề: “Năm 2004, 2005 tôi thả 80 triệu tiền giống. Một sáng ra ao, nhìn màu nước và mùi hôi bốc lên là biết cháy nhà rồi, lửa đã bốc đến chân, muộn rồi. Sau này nghiệm ra, có lẽ mình cho ăn thừa thãi  quá mà ba ba đâm sinh bệnh.

Trước tôi toàn cho ăn từ 7-10% thức ăn/trọng lượng ba ba, những hôm chúng khoẻ thì ăn hết, khi thời tiết thay đổi, ăn ít lại thừa. Giờ chỉ cho ăn 4-5%/trọng lượng ba ba thôi. Không chỉ có thế, mới rồi tát ao mới biết mất chừng 18-19 con ba ba gai, thiệt hại chừng 60 triệu. Lý do bởi chúng trèo tường rào ra ngoài. Tường bao quanh ao nuôi tôi đã thiết kế lúc nước to nhất vẫn còn cao 1m còn bình thường cao tới 1,5m tưởng chỉ có ngồi rung đùi không phải lo cái gì. Ai ngờ do tường để mộc, không trát nên ba ba bò leo lên bám theo mạch vữa trốn thoát ra ngoài. Giống ba ba gai hay bò lung tung lắm, nhất là những hôm mưa rào hay thời tiết đổi mùa”. 

Những người sành sỏi của làng nuôi ba ba Đại Đồng khuyên số lượng nuôi thấp nhất cũng phải chừng 100 con bởi nuôi ít quá vừa mất công mà mỏng lãi. Họ cũng có cách đề phòng mất cắp bằng làm sàn tre chìm cách mặt nước chừng một gang tay với kích cỡ lỗ thoáng khoảng 20 nhân 30cm không lọt người để trộm không lặn xuống bắt ba ba được đồng thời để ba ba lên xuống, ăn được, thở được, đẻ được. Cách đề phòng trộm thứ hai là vứt cành cây xuống làm chà. Những đống cành cây được xếp đống khoảng mấy m3, ba ba chui vào đó làm ổ, còn kẻ trộm nếu xuống phải dỡ cả buổi cũng chưa bắt được. Cách thứ ba là chăng những dây đồng mảnh nối với máy báo động, kẻ trộm thò chân vào là đứt dây, còi báo động hú ngay. Có nhà còn làm đến năm cửa ải: báo động, chó, cũi, đèn thắp sáng và ngỗng. Chó và ngỗng là hai vệ sĩ phối hợp rất ăn ý, bù trừ khiếm khuyết của nhau. Chó rất thính nhưng sau nửa đêm thường ngủ say còn ngỗng rất tỉnh, chó dễ đánh bả còn ngỗng thì không.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm