| Hotline: 0983.970.780

Sự thật từ những lá đơn tố cáo

Thứ Ba 15/07/2014 , 08:25 (GMT+7)

Lần theo những nội dung tố cáo của bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến các cơ quan liên quan để xác minh và không khỏi ngạc nhiên trước cung cách quản lý tài chính khá lạ lùng của ông hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2. 

Báo NNVN phát hành ngày 23/6/2014, đăng bài “Gửi về Sở GD-ĐT Nghệ An: Sự thật từ những lá đơn tố cáo” phản ánh những tiêu cực trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường THPT Nam Đàn 2. Sau khi báo phát hành chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc tiếp tục tố giác những sai phạm về tài chính xảy ra tại ngôi trường này...

GIẬT MÌNH VỚI CÁC LOẠI THU – CHI TẠI TRƯỜNG

Lần theo những nội dung tố cáo của bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến các cơ quan liên quan để xác minh và không khỏi ngạc nhiên trước cung cách quản lý tài chính khá lạ lùng của ông hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2. Xin dẫn một vài ví dụ.

Theo quy định của Luật Ngân sách thì các khoản thu như học phí, tiền xã hội hóa giáo dục đều phải nộp về Kho bạc Nhà nước để thống nhất quản lý. Các đơn vị trường học, muốn sử dụng khoản tiền này bắt buộc phải có các hồ sơ thủ tục hợp lệ mới được giải ngân.

Thế nhưng, tại Trường THPT Nam Đàn II, ông Từ Viết Thái lại không làm như vậy. Theo điều tra của PV thì riêng hai khoản thu (học phí và tiền xã hội hóa ) của 2 năm học 2012-2013 và 2013 -2014 với tổng số tiền không dưới 2,2 tỷ đồng. Thế nhưng, Trường THPT Nam Đàn 2 bất chấp quy định của Nhà nước, chỉ nộp kho bạc vỏn vẹn 317 triệu đồng, còn lại trên dưới 1,9 tỷ đồng đã giữ lại trường để chi một cách khá tùy tiện.

Trong tay sẵn có đồng tiền này, ông Thái và một số người liên quan đã “tự tung, tự tác” dùng nó đi “đối ngoại” và “tiếp khách” một cách bừa bãi mà không hề quan tâm đến những lời đàm tiếu của đội ngũ GV. Sau những cuộc “tiếp khách” và “đối ngoại” ấy, ông hiệu trưởng đã chỉ đạo cho nhân viên kế toán, trưởng ban thanh tra, chủ tịch công đoàn và thủ quỹ... phải hợp pháp hóa chứng từ cho những khoản tiền mà ông Thái đã ứng từ quỹ bằng những nội dung chi mua sắm đồ dùng trong trường, xây bờ rào, làm sân, mua cây cảnh... nhằm hợp thức hóa các khoản chi tiêu nói trên.

Theo đơn thư phản ánh, điều nghịch lý là từ năm học 2005 -2006 đến năm học 2012- 2013, số lớp ở Trường THPT Nam Đàn 2 giảm từ 45 lớp xuống còn 34 lớp, dư thừa ra 121 bộ bàn ghế khiến nhà trường phải thanh lý cho GV, nhưng để khỏa lấp khoản tiền “tiếp khách” trong hai năm (khoảng 200 triệu đồng), họ vẫn vẽ ra một số chứng từ khống với nội dung là đóng bàn ghế cho học sinh để thanh toán trên 123 triệu đồng.

16-12-34_dscf3680
Chân dung ông Từ Viết Thái

Điều thứ 2 đang làm 18 nữ GV nghỉ sinh đẻ trong 2 năm học gần đây bức xúc là chế độ thai sản không được thanh toán một cách kịp thời gây khó khăn cho họ, đã thế khoản tiền dưỡng sức của các sản phụ cũng không được BHXH thanh toán, khiến họ bị cắt mất bình quân trên dưới 2 triệu đồng/sản phụ.

Làm chậm hồ sơ để thanh toán tiền BHXH, được coi là căn bệnh “kinh niên” tại trường này. Làm việc với PV, ông Từ Viết Thái cũng phải công khai thừa nhận trong khoảng thời gian cuối năm 2013, đầu năm 2014, Trường THPT Nam Đàn 2 còn có 2 GV đã nghỉ sinh đẻ được 5-6 tháng rồi nhưng đến nay hồ sơ hưởng chế độ thai sản vẫn chưa được gửi lên BHXH huyện Nam Đàn...

Trong số 18 GV đã được BHXH huyện Nam Đàn chi trả tiền thai sản trong năm 2013 và quý 1/2014, nhiều GV không khỏi bức xúc vì để có tiền chi tiêu trong thời gian nghỉ sinh họ đều phải ứng trước tiền thai sản từ thủ quỹ nhiều tháng trời...(!?)

Điều nghiêm trọng hơn là lãnh đạo Trường THPT Nam Đàn 2 đã bất chấp các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và Luật Ngân sách Nhà nước: Trong thời gian sản phụ nghỉ sinh, ngân sách Nhà nước sẽ ngừng việc chi trả lương và các khoản phụ cấp theo lương để người lao động hưởng từ nguồn quỹ BHXH.

Theo kết quả xác minh của PV, trong 2 năm qua, ông Từ Viết Thái đã “dung túng” cho ít nhất 4 GV hiện đang công tác tại đây hợp lý hóa hồ sơ sinh con thứ 3 bằng việc “chạy” giấy chứng nhận có một con trước đó bị “khuyết tật bẩm sinh” để “lách” hình thức kỷ luật cho cả người vi phạm và danh hiệu thi đua của trường...

Theo điều tra của chúng tôi, hai năm học vừa qua, Trường THPT Nam Đàn 2 vẫn đồng thời rút tiền từ 2 nguồn (kho bạc và BHXH). Để làm được điều đó, ông hiệu trưởng đã đồng thời ký duyệt 2 bảng thanh toán lương GV. Trong đó, có 1 bản nộp Kho bạc Nhà nước huyện Nam Đàn vẫn đủ danh sách của 18 GV nghỉ thai sản để rút hết hạn mức được duyệt chi thường xuyên và các khoản phụ cấp theo lương về quỹ, còn 1 bản danh sách phát lương hàng tháng tại trường thì gạt số GV nghỉ thai sản nói trên ra ngoài lấy tiền đó để chi tiêu trái mục đích.

Vì vậy, theo dư luận ở đây, việc nhà trường trì hoãn việc lập hồ sơ xin thanh toán tiền thai sản cho GV nhiều tháng trời là nhằm cố tình “qua mặt” kho bạc để rút tiền ngân sách về chi tiêu. Chỉ riêng 18 GV nghỉ thai sản, trong thời gian ông Từ Viết Thái làm hiệu trưởng đã rút sai quy định tại Kho bạc Nhà nước huyện Nam Đàn tổng số tiền trên 330 triệu đồng. Không biết khoản tiền nói trên đã được sử dụng vào mục đích gì và họ đã quyết toán ra sao với kho bạc?

ĐỐI PHÓ VỚI ĐOÀN THANH TRA

Sau khi Báo NNVN đăng tải bài “Gửi về Sở GD-ĐT Nghệ An: Sự thật từ những lá đơn tố cáo”, biết chắc là sẽ có đoàn thanh tra về làm việc.

Để đối phó, một mặt, ông Thái triệu tập hội trưởng các chi hội phụ huynh lớp 12 về trường để “bịt đầu mối” vụ chỉ đạo hội phụ huynh thu khoản tiền 70.000 đồng/em để phục vụ thi cử.

Đồng thời tìm cách gặp gỡ số phụ huynh có con em được gọi nhập học đợt 2 để yêu cầu họ viết giấy xác nhận là không đưa “tiền bồi dưỡng” và “ tiền xăng xe” để hiệu trưởng đi chạy điểm như báo viết nhằm biện bạch cho hành vi sai trái của mình.

Mặt khác, để đối phó với đoàn thanh tra, trong đó, có việc hợp thức hóa khoản tiền ông Lê Văn Quyền ứng 21 triệu đồng có nội dung đi xin hạ điểm, thành tiền ứng cá nhân; đồng thời tổ chức họp Hội đồng GV yêu cầu cán bộ, GV tuyệt đối không được tiết lộ các thông tin liên quan đến việc thu chi tài chính trái nguyên tắc diễn ra tại trường. Trước đó khoảng hơn 1 tháng đích thân hiệu trưởng đã yêu cầu thủ quỹ nộp cuốn sổ quỹ để xóa dấu vết các khoản tiền ứng...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.