| Hotline: 0983.970.780

Sức bật Quỳ Hợp

Thứ Năm 20/03/2014 , 09:26 (GMT+7)

Ít ai ngờ rằng, vùng đất Phủ Quỳ bạt ngàn mỏ khai khoáng lại có bước đột phá mạnh mẽ đến thế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vài năm trở lại đây, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chỉ đạo người dân áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi triển vọng vào SX. Bây giờ, ít ai ngờ rằng, vùng đất Phủ Quỳ bạt ngàn mỏ khai khoáng lại có bước đột phá mạnh mẽ đến thế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thay áo mới

Ông Cao Thanh Long, Bí thư Huyện uỷ Quỳ Hợp, cho biết: “Trước đây, nói đến Quỳ Hợp, nhiều người nghĩ ngay đến công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Nhưng đây là giai đoạn mà nền kinh tế toàn cầu đang bị chững lại, vì thế tập trung vào mặt trận nông nghiệp là bước tiến vững chắc nhất để phát triển KTXH, xoá đói giảm nghèo bền vững”.

Song song với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào SX, huyện cũng đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới như LC25, PHB71, GS9, Thiên Nguyên ưu 9 trồng khảo nghiệm tại các xã: Châu Quang, Nghĩa Xuân, Châu Thái, Đồng Hợp và Châu Lý để thay thế cho Nhị ưu 838 đang chững lại.

Giống lúa lai 3 PHB71 hợp đất nên phát triển nhanh, chiều cao trên 100 cm, thời gian sinh trưởng từ 110 - 125 ngày, có khả năng chống gãy đổ tốt. Chưa hết, lúa PHB71 còn có ưu điểm là đẻ nhánh khoẻ, bông, hạt dài, chắc, tỷ lệ hạt lép thấp, gạo thơm ngon, năng suất cao.

Mô hình trồng lúa lai bón phân dúi mới được đưa vào áp dụng nhưng đã cho thấy hiệu quả hơn hẳn những phương thức cũ nên có sức lan toả rất nhanh, được bà con đón nhận và triển khai rộng khắp. Phân được làm hỗn hợp từ đạm urê, kali, lân, chỉ cần bón duy nhất một lần/vụ là cây lúa đã có đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển, giúp năng suất lúa nước của các hộ dân tăng từ 10 - 20 % so với trước kia.

Không những “làm cách mạng” trên các loại cây trồng, huyện Quỳ Hợp còn định hướng sẵn cho người dân trong việc lựa chọn con giống phù hợp, đảm bảo thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trò chuyện với PV, ông Lô Văn Hoạt ở bản Chảo (xã Châu Thái) không giấu được niềm vui: “Nhà tôi được cấp 6 con dê giống, đây là loại con vật dễ nuôi, thức ăn sẵn có nên đàn dê phát triển rất nhanh. Sau 2 năm, đã có tổng cộng 13 con”.

Ở Châu Thái, trường hợp như gia đình ông Hoạt không hiếm gặp, phần lớn những hộ nằm trong diện khó khăn, sau khi được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên từ các Chương trình như 134, 135, 30a đều đã thoát nghèo; cái ăn, cái mặc không còn ám ảnh họ như trước kia.

Bộ mặt Châu Thái hôm nay được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi mới, những con đường đất cũ gập gềnh, chi chít ổ gà, ổ voi đã được bê tông hoá, thuận lợi cho việc đi lại cũng như buôn bán SX; nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm có nhiều chuyển biến, dần đáp ứng tiêu chí mà chương trình đặt ra.

Nông nghiệp phát triển là tiền đề giúp Quỳ Hợp đẩy lùi đói nghèo, đồng thời giúp người dân tránh xa những tệ nạn xã hội, từ đó tạo dựng những đề án phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng NTM trong toàn dân.

Nông nghiệp làm đòn bẩy

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Quỳ Hợp đang khởi sắc, các chỉ số kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22%.

Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Quỳ Hợp, cho biết:

"Trong năm 2013, Quỳ Hợp đã triển khai lồng ghép trên 30 mô hình SX gắn với Chương trình NTM, trong đó ưu tiên phần lớn cho những vùng sâu vùng xa để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế. Nguồn vốn của chương trình là 860 triệu đồng và UBND huyện trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng. Trong năm 2014, bên cạnh công tác dồn điền đổi thửa, huyện sẽ ưu tiên xây dựng các mô hinh kinh tế có triển vọng, từ đó làm bàn đạp thuận lợi xây dựng NTM".

Về Chương trình MTQG xây dựng NTM, sau hơn 3 năm triển khai, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, đơn vị xuất sắc với cách làm hay, sáng tạo, góp phần đưa kinh tế của huyện đi lên.

Kinh phí do nhân dân Quỳ Hợp đóng góp đến thời điểm này là 60 tỷ đồng, tạo điều kiện không nhỏ giúp huyện hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng 37,423 km đường GTNT; tu sửa nâng cấp xong đập thuỷ lợi bản Bom, đập thuỷ lợi Bai Phúng (xã Châu Thái); có 4 xã đạt từ 9-13 tiêu chí…

Trong xây dựng NTM, Châu Quang được cho là điểm sáng, dù mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí nhưng địa phương này đã xây dựng được nền móng phát triển khá vững chắc. Bằng chiến lược dài hơi cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ, sau hơn 2 năm triển khai, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Quang cho thấy họ đang đi đúng hướng.

Cụ thể hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch đất đai, cấp đầy đủ sổ đỏ cho các hộ gia đình. 100% hộ gia đình hăng hái tham gia hiến đất làm đường, trong đó có nhiều trường hợp hiến từ 250 - 300 m2 đất ruộng; hệ thống bê tông hoá đường nông thôn và hệ thống hoá kênh mương được đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nông dân về nông nghiệp có sự thay đổi nhờ bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích trồng lúa năm 2013 tăng 7% so với cùng kì (640 ha).

Ông Sầm Ngọc Dự, Bí thư Đảng uỷ xã cho hay, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Quang luôn cố gắng hết sức mình, phát huy tất cả những thế mạnh sẵn có để từng bước hoàn thành tiêu chí mà Chương trình NTM đã đặt ra.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm