| Hotline: 0983.970.780

Sức dân ở Bố Trạch

Thứ Năm 26/12/2013 , 09:57 (GMT+7)

Có thể nói, phong trào xây dựng NTM ở Bố Trạch được phát động rộng rãi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Ông Trần Quang Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình), cho hay: "Năm 2013, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Bố Trạch đã kiên cố hóa gần 76 km đường giao thông nông thôn (GTNT), gần 4 km kênh mương nội đồng, 110 cống các loại với tổng mức vốn đầu tư trên 67 tỷ đồng. Trong đó, nhờ làm tốt công tác quản lý nên tiết kiệm được số tiền khoảng 25 tỷ đồng”.

Nguồn lực trong dân rất mạnh

Có thể nói, phong trào xây dựng NTM ở Bố Trạch được phát động rộng rãi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Để có được điều này, theo ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch: “Chúng tôi đã chú trọng tới công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ và sâu hơn về nội dung, mục đích của Chương trình NTM.

Cụ thể, trong xây dựng NTM, chúng tôi đã làm cho dân hiểu được phần việc nào là trách nhiệm của nhân dân, phần việc nào là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền địa phương”. Hiểu và nắm được nên người dân hồ hởi tham gia với những việc làm cụ thể như hiến đất, hiến tường rào, nhà cửa, cây cối… với tinh thần tự giác cao.

Bà Lê Thị Hiền (thôn Làng, xã Tây Trạch) đứng trên con đường liên thôn được bê tông hóa rộng rãi chạy qua trước nhà hồ hởi kể: “Khi làm con đường này phải giải tỏa mặt bằng. Nhà tui phá luôn khu nhà bếp trị giá khoảng 20 triệu đồng và hiến luôn mấy chục mét vuông đất vườn nữa. Cả nhà tự nguyện chứ không đòi đền bù chi hết. Bây chừ thấy con đường, ai cũng mát lòng mát dạ”.


Người dân Bố Trạch chung sức làm đường GTNT

Điều “nghịch lý” nhưng đầy tự hào ở Bố Trạch đã xảy ra. Trên tinh thần người dân các thôn chủ động họp bàn và thống nhất đăng ký làm bê tông hóa đường GTNT với chính quyền xã; căn cứ vào đề xuất, xã báo lên huyện và có vốn đối ứng hỗ trợ cho các thôn với tỷ lệ hỗ trợ ở mức 40% trị giá đầu tư, còn lại 60% do người dân đóng góp và có một phần kinh phí của xã. Khi phong trào được phát động, người dân hồ hởi, phấn khởi nên quyết tâm làm cho được con đường.

Ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, cho hay: “Trong một năm, chúng tôi có 10 tuyến đường được đăng ký làm mới theo chuẩn NTM với tổng mức kinh phí khoảng 10 tỷ đồng và phải đáp ứng nguồn kinh phí không dưới 2 tỷ đồng. Đó mới chỉ là chuyện đường GTNT, còn nhiều công trình khác nhau nữa. Vậy là ngân sách đối ứng không thể nào đáp ứng được”.

Xã “gặp khó" trong vốn đối ứng, huyện cũng “vất vả” không kém. Ông Trần Quang Vũ bộc bạch: “Chúng tôi không để dân làm quá sức, không huy động quá sức dân. Nhưng trước sự đóng góp quá mạnh mẽ của dân trong việc kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi…, huyện cũng khó xoay xở kịp vốn đối ứng”.

Nhờ người dân đồng sức đồng lòng, qua gần 3 năm thực hiện Chương trình NTM, đã có gần 1.200 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích gần 72.000 m2, trị giá gần 6 tỷ đồng; có 605 hộ tự nguyện hiến tài sản như cổng, hàng rào, cây cối, sân... với trị giá gần 2 tỷ đồng.

Sáng tạo, hiệu quả

Theo ông Trần Quang Vũ, khi triển khai Chương trình NTM, huyện Bố Trạch đã bàn bạc kỹ lưỡng và đưa ra mẫu thiết kế công trình giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho các xã áp dụng, vì ở địa phương có nhiều xã đồng bằng hay bán sơn địa nên hoàn toàn giống nhau về chất đất hay địa hình.

Chính vì vậy, chỉ cần chung mẫu thiết kế, hoặc có thay đổi vài chi tiết nhỏ không đáng kể là triển khai thực hiện phù hợp với từng địa phương cụ thể. Mô hình này có ưu điểm thi công thuận tiện, tiết kiệm kinh phí, giảm được mọi khâu chi phí trung gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình.

Có thiết kế mẫu và các khâu giám sát do người dân đảm nhận nên công trình vừa tiết kiệm vừa có chất lượng cao. Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch, nhận xét: “Nhờ áp dụng mẫu thiết kế chung của huyện trong kiên cố hóa đường GTNT ở xã, thôn, chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 40% kinh phí ở khâu thuê đội ngũ thiết kế, giám sát thi công”.

Ông Dương Đình Lộc cũng cho biết: “Theo dự toán thì mỗi mét dài đường liên thôn có mức đầu tư hơn 1 triệu đồng. Nhưng để dân làm thì mức đầu tư chỉ còn khoảng 750 ngàn đồng, tiết kiệm được trên 290 ngàn đồng, tương đương 290 triệu đồng/km. Trong năm 2013, Tây Trạch làm được 6 km đường, tiết kiệm được gần 1,75 tỷ đồng”.

Không chỉ Tây Trạch, các xã Bắc Trạch, Đại Trạch, Trung Trạch, Hoàn Trạch... cũng thực hiện tốt phong trào xây dựng NTM với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đã hạ được giá thành và tiết kiệm được hàng tỷ đồng.

“Với năng lực của các địa phương, việc giám sát và thi công các tuyến đường thôn ngõ xóm hoàn toàn có thể thực hiện tốt. Trên cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt thiết kế mẫu một số hạng mục phụ trợ xây dựng trường học như nhà vệ sinh, cổng hàng rào, khuôn viên”, ông Trần Quang Vũ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất