| Hotline: 0983.970.780

Sức dân ở Hồng Minh

Thứ Ba 29/03/2011 , 11:19 (GMT+7)

Nhờ được dân đồng thuận, nên chương trình xây dựng mô hình NTM ở Hồng Minh có những bước tiến khá nhanh so với những địa phương khác.

Khác với những xã khác của huyện Hưng Hà (Thái Bình), xã Hồng Minh có tình trạng ruộng đất rất manh mún. Trong khi bình quân số mảnh ruộng của mỗi hộ trong toàn huyện là 3,8 thì ở Hồng Minh, con số đó là 5,9.

Thế nên khi được UBND tỉnh Thái Bình và UBND huyện chọn làm xã xây dựng mô hình NTM, Đảng ủy xã Hồng Minh đã xác định: Muốn nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân theo một trong những tiêu chí quan trọng nhất của mô hình NTM, thì phải khắc phục được tình trạng manh mún về ruộng đất. Thế là cuộc vận động dồn điền đổi thửa triệt để được phát động. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trọng Lộ cho biết:

- Dồn điền đổi thửa là một việc vô cùng khó, vì nó đụng chạm đến không chỉ Luật Đất đai mà còn đến quyền lợi sát sườn, và nhất là tâm lý muốn ổn định, không muốn xáo trộn của người dân. Khó, nhưng vẫn phải làm, làm vì quyền lợi của dân, cho nên việc vận động, thuyết phục được chúng tôi coi là quan trọng nhất. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên kết quả không ngờ là đã tạo được sự đồng thuận rất cao của nhân dân. Chủ trương của Đảng ủy là với những hộ có từ 1 đến 3 khẩu thì dồn lại chỉ còn 1 thửa. Hộ từ 3 khẩu trở lên từ 1 đến 2 thửa.

Kết quả là cho đến nay, bình quân số thửa của mỗi hộ ở Hồng Minh chỉ còn 1,8. Bộ mặt đồng ruộng đã có sự thay đổi cơ bản. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, Hồng Minh còn làm được một việc rất có ý nghĩa. Với những chị em đi lấy chồng từ thôn nọ sang thôn kia trong xã, nếu ruộng của họ vẫn còn ở thôn cũ thì cắt chuyển về thôn mới nơi họ lấy chồng. Cắt chuyển, nhưng vẫn phải đảm bảo cho ruộng đất của các thôn liền khối, không đẩy những phần ruộng “cắt chuyển” ấy đến những chỗ xa xôi hay đất xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của chị em.

Tổng cộng có 158 suất ruộng đã được chuyển dịch nội bộ như vậy, khiến bà con rất phấn khởi. Cùng với việc dồn điền đổi thửa và dịch chuyển đất đai nội bộ, đất công của xã (5%) cũng được quy hoạch lại cho gọn vùng để phục vụ lợi ích chung. Theo quy hoạch, xã sẽ dành 2 ha đất công để làm bãi rác, giải quyết cơ bản nạn ô nhiễm môi trường.

Xã có 11 thôn, trước đây có 11 nghĩa địa, nay dồn lại chỉ còn 4 nghĩa địa. Chủ tịch xã Phạm Hồng Khanh cho biết, những nghĩa địa cũ đã bắt đầu đóng cửa. Tại nghĩa địa mới sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn, có khu hung táng, khu cát táng riêng. Tại khu cát táng, diện tích đất cũng như chiều cao, quy mô mỗi mộ được quy định cụ thể, tránh tình trạng các gia đình đua nhau xây lăng mộ lớn hay chiếm đất trước chờ người thân qua đời, gay tình trạng vừa lộn xộn vừa lãng phí…

Muốn xây dựng mô hình NTM thì phải quy hoạch lại đồng ruộng một cách cơ bản, hoàn hảo để có thể đưa máy móc vào, khiến năng suất lao động tăng cao: Nào kênh mương, nào trạm bơm, nào mở rộng đường nội đồng…Tất cả đều phải cải tạo, nâng cấp, tất cả đều cần diện tích đất. Nhưng đất đâu? Để giải bài toán đầy khó khăn này, một đợt vận động lại được xã phát động, và kết quả thật mỹ mãn: 20,5 ha đất nông nghiệp, trị giá khoảng 20 tỷ đồng, đã được người dân tình nguyện hiến để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất (bình quân cứ mỗi sào đất, bà con tình nguyện hiến 15 m2). Với diện tích đó, đường nội đồng được mở rộng, mương máng, trạm bơm…được xây dựng với tổng khối lượng đào đắp lên tới 102.000 m3.

Chủ tịch xã Phạm Hồng Khanh không nén nổi niềm vui khi tiết lộ với chúng tôi:

- Với khối lượng đó, nếu thuê đào đắp sẽ mất khoảng 5 tỷ đồng. Thu tiền đóng góp của dân thì rất khó khăn, và sẽ phải thu làm nhiều vụ. Vì vậy, chúng tôi thực hiện bằng cách đề nghị dân góp công. Ai đi làm được thì không phải đóng góp, ai không có sức mới góp tiền. Việc góp công này giao cho các thôn họp toàn dân lại bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, giá trị một ngày công bao nhiêu do dân quyết. Thế là thôn nào thôn ấy nô nức, cờ dong trống mở đi làm, rất ít người phải đóng tiền. Có thôn còn mổ cả lợn để bồi dưỡng cho những bà con đi làm. Tổng khối lượng 102.000 m3 ấy, dự định làm trong 2 năm 2010-2011, nhưng chỉ trong năm 2010 đã hoàn thành.

Cùng với việc hiến đất canh tác để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, 28 hộ dân trong xã còn tình nguyện hiến 1.270 m2 thổ cư để chỉnh trang khu dân cư, mở rộng đường làng. Sự hy sinh đó của bà con thật đáng quý, đáng trân trọng, bởi tất cả các hộ hiến đất đều là hộ có đất ở mặt đường, giá trị mỗi m2 đất rất cao (giá thị trường khoảng trên 1 triệu đồng). Và để hiến được đất, họ còn phải hy sinh rất nhiều công trình như tường vây, cổng, bể nước ăn, khu vệ sinh…Sau khi phá đi để hiến đất, lại phải bỏ tiền xây lại những công trình đó, có nhà đã tốn đến cả chục triệu đồng.

Tổng cộng, bà con đã hy sinh gần 700 m2 tường vây, 12 cổng, 9 bể nước ăn, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng, và cũng chừng ấy tiền nữa để xây lại .Nhìn đoạn đường đã được mở rộng do dân hiến đất, thấy không kém gì một đoạn phố, nhà cửa cũng được quy hoạch lại gọn ghẽ hơn. Lãnh đạo xã cho biết, từ tấm gương của 28 hộ trên, một cuộc vận động dân hiến đất để chỉnh trang làng xóm trong toàn xã cũng đang được phát động. Chỉ cần dân hiến đất, là xã sẵn sàng đầu tư làm đường.

Nhờ được dân đồng thuận, nên chương trình xây dựng mô hình NTM ở Hồng Minh có những bước tiến khá nhanh so với những địa phương khác. Tổng dự án đã được duyệt cho mô hình là 48,7 tỷ đồng, mới chỉ hai năm đã thực hiện được 19,3 tỷ. Nếu tính cả giá trị của 20,5 ha đất canh tác, 1.270 m2 thổ cư do dân hiến, trên 30 ngàn ngày công đào đắp 102.000 m3 đất, thì giá trị của các dự án đã thực hiện lên tới trên 45 tỷ đồng, đó quả là một con số có ý nghĩa, khi người dân hiểu được rằng xây dựng NTM là xây dựng cho chính họ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm