| Hotline: 0983.970.780

Sức hút của cây mắc ca

Thứ Hai 20/06/2016 , 13:12 (GMT+7)

Đoàn của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đi khảo sát cây mắc ca ở Tây Bắc với mong muốn tìm bài học chung cho phát triển vùng...

Bà Hà Trang, người phụ nữ làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ, thành đạt, ở phường Chiềng Sinh, TP Sơn La. Bà có 5 người con đều học hành đến nơi đến chốn.

Con trai, người là đồn phó biên phòng, người kiến trúc sư, người công tác ở Sở Văn hóa; con gái, cô làm dược sỹ, cô chủ doanh nghiệp. Nuôi con ăn học được như bây giờ, nguồn chính từ trang trại, bà nói. Trang trại của bà rộng đến 5ha, trồng đủ loại cây, nào cà phê chè Catimor, na, xoài, chuối, mít..., còn thu nhập chính của trang trại thì là 120 cây mắc ca trên diện tích 2.700m2.

Vườn mắc ca đó đã được mười mấy năm tuổi, bà không nhớ chính xác trồng năm nào, hình như 2003, chỉ nhớ giống của bác Nguyễn Công Tạn cho.

Ngày đó bác Tạn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đi đâu cũng đau đáu đưa giống cây con mới về cho nông dân. Mấy vạn cây giống mắc ca được bác và cộng sự kỳ công tuyển chọn, khéo lắm mới đưa được từ nước ngoài về, phân mỗi tỉnh một ít, trồng thử nghiệm. Trong mấy nghìn cây giống cho Sơn La, bà Hà Trang được 150 cây.

Hoàn toàn lạ lẫm với cây mới này, lại không ai bày dạy cho, bà chỉ biết đưa lên đồi trồng đại như trồng cây rừng kiểu che phủ đất trống đồi trọc. Sơn La là “thủ phủ” sương muối, có năm sương muối nặng quá, cà phê, chuối, na, xoài chết cháy hàng loạt, vườn mắc ca thì không thấy bị ảnh hưởng gì.

17-37-17_dsc_0064
Vườn mắc ca tại Sơn La

 

150 cây mắc ca trồng lên bỏ lửng như con rơi con vãi, thế mà vẫn còn 120 cây sống sót, cao lớn như cây rừng, để đến bây giờ thu nhập từ nó là niềm mơ ước của bất kỳ hộ nông dân nào. Riêng năm 2015, bà thu 4 tấn quả tươi, bán làm giống được 800 triệu đồng. Đó cũng là mức thu trung bình hàng năm của 3 năm liên tiếp trước đó với vườn mắc ca “rơi vãi” này.

Bà Trang thừa nhận nhờ bán làm giống mới có mức thu cao như thế. Nhưng bà cũng vui vẻ cho biết cho dù nếu sau này giá mắc ca có giảm, kể cả chỉ còn 50 - 60 ngàn/kg chăng nữa, bà vẫn cứ có thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ.

Giờ bà Hà Trang đã có cuộc sống khá viên mãn. Bà đưa chúng tôi đi dưới tán cây mắc ca rậm rì, lòng rưng rưng nhớ về một người mà bà luôn xem là ân nhân, đã khuất. Bà kể, trước khi bác Nguyễn Công Tạn mất không lâu, bác lên Sơn La, đã ghé thăm vườn mắc ca gia đình bà. Nhìn từng cây mà mình đưa về khi xưa, nay đem lại thu nhập cao cho một hộ dân, nguyên Phó Thủ tướng rất vui mừng: “Tôi như sinh đứa con giờ mới được nhìn thấy nó, khi đã trưởng thành rồi”.

*

Đoàn của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đi khảo sát cây mắc ca ở Tây Bắc với mong muốn tìm bài học chung cho phát triển vùng. Lãnh đạo Hiệp hội là những nhà doanh nghiệp lớn, danh tiếng. Chủ tịch Hiệp hội, ông Dương Công Minh, là Chủ tịch Cty CP Him Lam (Tập đoàn Him Lam), cũng là Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Họ đang thực sự hướng những đồng vốn của mình vào nông nghiệp, một lĩnh vực làm thì khó, rủi ro thì cao.

17-57-45_son-l-4
Ông Dương Công Minh (giữa), Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trao đổi cùng các hội viên

 

Ông Dương Công Minh từng tuyên bố bỏ bớt thời gian chơi golf để đi trồng mắc ca. Ông nói và làm, thực sự xuống với nông dân. Ngay lập tức, Tập đoàn Him Lam đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng vườn ươm giống mắc ca quy mô 10ha tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Vườn ươm hiện đại bậc nhất này đủ khả năng cung cấp 1 triệu cây giống mắc ca mỗi năm, đủ sức trồng 3.000ha, nhưng hơn thế, mục tiêu của doanh nghiệp là phi lợi nhuận: Giai đoạn đầu bán giống chỉ với giá 50 nghìn đồng/cây, rẻ hơn giá thị trường 30 nghìn đồng. Khi đã thu hồi được một phần vốn, lại tiếp tục hạ giá bán, tiến tới cho không giống để nhân dân trồng, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Mới đây, ngày 5/6/2016, tại Đà Lạt, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Cty CP Him Lam - cổ đông sáng lập chủ chốt của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cam kết dành trên 11.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể Him Lam đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến. Phía Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ cung cấp gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng và chế biến mắc ca.

Họ đã thực sự về với nông dân

Đi Sơn La, từ TP.HCM, ông Dương Công Minh không chọn cách “VIP” bay ra Hà Nội xe đưa xe đón đi lên mà bay thẳng ra Điện Biên trước một ngày, tranh thủ xem cây mắc ca vùng Điện Biên rồi rủ thêm mấy hội viên trồng mắc ca giỏi trên đó cùng xuống Sơn La tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm. Nhân gặp gỡ cánh báo chí, ông trải lòng, Hiệp hội Mắc ca lập ra để làm thật bài bản, đúng hướng, trúng mục tiêu, người trồng có lợi, doanh nghiệp có lợi, phát triển mới vững bền.

17-37-17_dsc_0065
Ảnh: Trần Cao

 

Thời gian qua nhiều tờ báo đưa cây mắc ca lên mây, tung hô là “cây tỷ đô”; ngược lại không ít tờ báo dìm cây mắc ca xuống hố, bảo làm hại nông dân. Trong khi chúng tôi chỉ muốn bay là là thôi, ông Minh cười, không trên mây cũng không rớt dưới đất. Với một cây trồng mới, không phải hô hào, chúng ta tuyên truyền làm sao nông dân nắm bắt được kỹ thuật mới tránh khỏi thất bại.

Mắc ca, loại cây trồng không khó tính nhưng cũng chẳng hề dễ tính. Thời kỳ cây phân hóa mầm hoa (khoảng tháng 2 - 3 dương lịch), yêu cầu biên nhiệt chỉ xung quanh 18oC cây mới sai quả, càng xa ngưỡng nhiệt đó cây càng ít quả, thậm chí không có quả. Cho nên không phải tỉnh nào cũng trồng được mắc ca mà người ta chỉ quy hoạch cho riêng Tây Nguyên và một số tỉnh Tây Bắc.

Ngay trong một tỉnh trong diện được quy hoạch, cũng chỉ một số huyện là trồng được. Mắc ca cũng như nhiều loại cây trồng ăn quả lâu năm, chỉ nên trồng bằng giống ghép rõ nguồn gốc để đạt năng suất, chất lượng, đồng đều.

Thế nhưng thời gian qua, đặc biệt ở Tây Nguyên, nhiều nơi trồng mắc ca theo phong trào, đã không đúng kỹ thuật lại còn dùng giống thực sinh (gieo hạt) không rõ xuất xứ, thất bại là khó tránh khỏi.

"Chúng tôi rất cần báo chí chỉ đúng những điểm yếu đó", ông Dương Công Minh nói. Hiệp hội Mắc ca được lập ra cũng vậy, toàn thể hội viên phải làm đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, nếu không anh nọ “đá” chân anh kia sẽ không bao giờ phát triển được.

*

Chính hè thời tiết Sơn La vẫn dễ chịu. Cơn mưa rừng chiều trời càng thêm dịu mát. Sơn La đang mùa mận chín. Chúng tôi đến Sơn La đúng thời điểm tỉnh tổ chức Ngày hội hái quả. Tối ăn cơm cùng Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng. Ông Hùng nói vui, Sơn La chúng tôi tổ chức ngày hội hái quả thì Hà Nội các anh cũng phải tổ chức ngày hội ăn quả để tiêu thụ cho đồng bào chứ.

Ông lãnh đạo tỉnh miền núi nói thấy có lý!

07-47-44_rung-1
Tác giả (trái) cùng đoàn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

 

Ông Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh, đồng thời ông cũng làm nông dân, yêu và trăn trở cùng nghề nông. Gia đình ông trồng 4ha mắc ca xen cà phê ngay dưới chân đèo Pa Đin, huyện Thuận Châu. Ông Hùng nói đã đi tham quan mắc ca hầu hết các vùng, từ Điện Biên cho đến Lâm Đồng, Đăk Lăk, và ông đúc kết với tôi rằng mắc ca trồng xen với cà phê là hay nhất, vừa làm cây che bóng vừa cho thu nhập thêm chẳng kém cà phê. Sơn La đang có gần 12.000ha cà phê, chủ yếu cà phê chè, trồng toàn nơi có thời tiết mát mẻ.

Thật vậy chỉ cần trồng xen mắc ca trong một nửa diện tích cà phê của tỉnh thôi đã đủ sản lượng cho một nhà máy chế biến lớn. Nên chính sách của Sơn La, ưu tiên trồng xen mắc ca với vườn cà phê, tỉnh hỗ trợ một nửa giá giống theo từng dự án: doanh nghiệp 50 ha/dự án, HTX 30 ha/dự án.

Khi nghe Chủ nhiệm HTX Mắc ca TP Sơn La Đặng Ngọc Sơn than thở, chính sách tỉnh có rồi, đất đai có rồi, hợp tác xã như chúng tôi chỉ lo vốn nữa thôi, thì Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và là Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, ông Nguyễn Đức Hưởng, đáp lời: Vốn không lo, chúng tôi chỉ lo người trồng vội vàng không nắm vững kỹ thuật!

Sẽ “số hóa” từng cây mắc ca đầu dòng

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, Hội đồng Khoa học của Hiệp hội sẽ khảo sát, lập hồ sơ vườn cây của những hội viên trồng mắc ca thành công. 

Bước tiếp theo là thống kê các cây mắc ca sai quả để làm “giống gốc” sản xuất giống sau này. Những cây mắc ca đó được đánh số, ghi rõ lí lịch giống: Tên giống, nguồn gốc, năm trồng, sản lượng, chất lượng… lưu vào hệ thống máy tính để hội viên và những người quan tâm tiện tra cứu.

Hiệp hội cũng chuẩn bị phối hợp cùng trung tâm khuyến nông một số tỉnh mở các lớp tập huấn trồng mắc ca để hội viên cũng như nông dân xác định được vùng trồng, cách chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, thiết kế vườn cây, thu hoạch, bảo quản đúng kỹ thuật. Dự kiến trong tháng 7 mở 3 lớp tập huấn ở 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu. Tiếp theo sẽ mở các lớp tập huấn tại Tây Nguyên.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.

Bình luận mới nhất