| Hotline: 0983.970.780

Sức mạnh từ lòng dân

Thứ Tư 04/12/2013 , 10:21 (GMT+7)

Xã Thạnh Hòa không chỉ là điển hình của huyện Phụng Hiệp mà còn dẫn đầu tỉnh Hậu Giang về công tác xã hội hóa, phát huy sức mạnh cộng đồng trong xây dựng NTM.

Xã Thạnh Hòa không chỉ là điển hình của huyện Phụng Hiệp mà còn dẫn đầu tỉnh Hậu Giang về công tác xã hội hóa, phát huy sức mạnh cộng đồng trong xây dựng NTM.

Với những cách làm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh, tạo điều kiện phát triển sản xuất (SX) nên người dân rất đồng tình ủng hộ.

Phát triển giao thông

Thạnh Hòa là xã thuần nông của huyện Phụng Hiệp, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhân dân trong xã đã chịu nhiều mất mát hy sinh về của cải vật chất và tính mạng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy, ngay sau những ngày được giải phóng, người dân và chính quyền địa phương đã quyết tâm xây dựng lại làng quê, đặc biệt là từ khi có chủ trương xây dựng NTM, khí thế ấy càng được đẩy mạnh hơn.

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân nên xã ưu tiên thực hiện trước.

Mặc dù là một trong 11 xã điểm của tỉnh Hậu Giang nhưng chính quyền và người dân Thạnh Hòa không ỷ lại, trông chờ nguồn vốn đầu tư từ trên rót xuống mới bắt tay vào thực hiện mà làm theo cách xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.

Mỗi khi có chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, người dân không chỉ sẵn sàng hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động… mà còn đóng góp cả bằng tiền mặt. Các ấp trong xã như ấp 1, ấp 2, Tầm Vu 2…là những điển hình trong phong trào xây dựng giao thông, thủy lợi, phát triển nông thôn.


Tuyến đường Rạch Chanh - Ranh Làng được đầu tư xây dựng bằng một phần kinh phí xã hội hóa


Những tấm biển vinh danh nhà tài trợ ngày càng xuất hiện nhiều ở các công trình GTNT xã Thạnh Hòa

Ông Nguyễn Văn Khái, Trưởng Ban lãnh đạo ấp Tầm Vu 2, cho biết: “Trước đây, đường giao thông liên ấp của xã Thạnh Hòa phần lớn là đường đất hoặc đường bê tông nhưng đã xuống cấp, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Nên khi có chủ trương làm đường là người dân rất đồng tình ủng hộ. Họ sẵn sàng hiến đất, mở rộng trục đường chính cho đủ 5 m (3 m mặt đường + 2 m lề hai bên) theo tiêu chí NTM.

Ngoài ra, người dân còn hùn tiền để bơm cát làm nền hạ, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ đầu tư phần mặt cứng bên trên. Nhờ đó, mạng lưới giao thông ngày càng được mở rộng, giúp việc đi lại, lưu thông hàng hóa khá dễ dàng”.

Với cách làm thiết thực và hiệu quả nên chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt giao thông nông thôn (GTNT) của Thạnh Hòa đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, từ năm 2008 cho đến nay, toàn xã đã xây mới được 34 km lộ nhựa và bê tông; nâng cấp, sửa chữa gần 9 km lộ GTNT, xây dựng 13 cây cầu… với tổng kinh phí gần 20,3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trực tiếp hơn 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng 2 công trình đường ô tô là tuyến lộ nhựa từ trung tâm xã đến Tha La dài 5,2 km và tuyến Rạch Chanh - Ranh Làng, dài 3,2 km, với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Sung, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa, cho biết: “Địa bàn xã Thạnh Hòa tương đối rộng, lại có hệ thống sông rạch nhiều nên việc quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTNT là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giúp việc đi lại dễ dàng mà còn rút ngắn khoảng cách thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ cấp trên thì rất chậm và cũng không đủ kinh phí để làm.

Vì vậy, địa phương luôn chú trọng phát huy nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp từ quần chúng nhân dân, đặc biệt là nguồn xã hội hóa từ bên ngoài vào công cuộc xây dựng NTM. Thời gian qua, xã đã khá thành công trong việc huy động xã hội hóa để xây dựng GTNT. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động xã hội hóa từ các cá nhân, DN trong và ngoài tỉnh để thực hiện đạt tiêu chí giao thông cũng như các tiêu chí khác, để có thể hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2015 như kế hoạch”.

Đa dạng hình thức vận động

Không chỉ tuyên truyền vận động người dân tại địa phương mà mỗi đơn vị, đoàn thể ở Thạnh Hòa còn có cách vận động khác nhau, từ kêu gọi những người con của quê hương đi làm ăn xa thành đạt, đến các tổ chức từ thiện ở trong và ngoài nước.

Bà Lê Kim Tuyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Hòa, phấn khởi cho biết: “Cách vận động của Hội là thông qua mối quan hệ quen biết của từng người, sau những buổi cà phê rồi mời họ đến tận nơi nắm tình hình thực tế để có cách giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực. Lâu ngày thành chỗ quen biết, khi có khó khăn thì liên hệ họ sẽ tìm cách giúp đỡ”.

Với cách vận động như vậy, những năm qua bản thân bà Tuyến cũng như các thành viên trong Hội đã vận động các cá nhân, tổ chức, kiều bào và cả các tổ chức nhân đạo ở nước ngoài tài trợ làm hàng chục cây cầu nông thôn, 3 căn nhà tình thương, 86 cây nước ngầm (mỗi cây sẽ có 2 - 3 hộ dùng chung), tài trợ nhu yếu phẩm thường xuyên cho 30 địa chỉ nhân đạo, vận động tết vì người nghèo…

Đi dọc theo các con đường, những cây cầu NTM được đầu tư ở xã Thạnh Hòa, chúng tôi thấy có rất nhiều tấm bảng ghi công được gắn trang trọng ở đầu các công trình. Cụ thể như cầu Bà Triệu thuộc địa bàn ấp 1, có chiều dài 40 m, rộng 2,5 m, nối liền hai bờ sông Cái Tắc do Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng vào năm 2011, với kinh phí trên 300 triệu đồng. Hay cầu Chà Đạp, dài 25 m, rộng 2 m, thuộc địa bàn ấp 4, được xây dựng vào năm 2012 cũng hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa. Tổng số tiền hơn 200 triệu đồng để xây dựng cây cầu này do xã vận động Hội Doanh nghiệp trẻ TP Cần Thơ tài trợ.

Những cây cầu này đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, không còn cảnh qua sông phải lụy đò hoặc phải đi đường vòng rất xa.

Bà Nguyễn Thị Tâm, nhà ở cặp sông Cái Tắc phấn khởi nói: “Trước đây, người dân ở dọc theo hai bên bờ sông này gần nhà nhưng xa ngõ, mỗi lần muốn qua lại thì phải đi vòng xa cả vài cây số. Từ khi cây cầu được đưa vào sử dụng, việc đi lại rất thuận tiện, hàng xóm ở hai bên bờ sông cũng có điều kiện giao lưu, gần gũi nhau nhiều hơn”.

Theo ông Nguyễn Chí Sung, sở dĩ người dân và các Mạnh Thường Quân nhiệt tình tham gia, tài trợ cho các công trình ở xã là nhờ chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời minh bạch trong tất cả các khoản đầu tư xây dựng. Người dân được tham gia vào việc giám sát quá trình thi công, nắm được cụ thể mức phí đầu tư nên tất cả công trình đều đảm bảo tốt về chất lượng. Từ đó, tạo được niềm tin để họ nhiệt tình tham gia.

Năm 2011, xã thực hiện đầu tư 4 công trình GTNT bằng bê tông, có chiều dài 8,3 km, với tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 5 cây cầu mới bằng bê tông cũng được xây dựng, kinh phí xây dựng trên 1,4 tỷ đồng, người dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động lên đến 1,3 tỷ đồng. Tương tự, trong năm 2012 xã làm mới 12,8 km đường và 5 cây cầu, sửa chữa 1 cây, tổng kinh phí 9,1 tỷ đồng, nguồn vốn nhân dân đóng góp hơn 3,3 tỷ đồng.

Năm 2013, tuyến đường Rạch Chanh - Ranh Làng được triển khai xây dựng, là công trình trọng điểm để chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh Hậu Giang. Để hoàn thành con đường này, ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, nhân dân địa phương đóng góp, xã còn vận động gia đình ông Lê Văn Kháng, một người con của xã Thạnh Hòa làm ăn thành đạt ở Bà Rịa - Vũng Tàu tài trợ 1 tỷ đồng.

Cả trong thời chiến cũng như thời bình, người dân xã Thạnh Hòa luôn phát huy được tính tự chủ để đi lên với nhiều thành tích đáng nể. Với những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thạnh Hòa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1995. Và liên tục trong suốt 13 năm qua Thạnh Hòa luôn giữ vững danh hiệu xã văn hóa.

Năm 2011, xã được chọn là một trong 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Hậu Giang. Năm 2013, Thạnh Hòa là xã điển hình được chọn để báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Bộ GT-VT về phong trào phát triển GTNT giai đoạn 2008 - 2013.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất