| Hotline: 0983.970.780

Sức sống cá tra

Thứ Năm 21/06/2012 , 22:18 (GMT+7)

Nằm trong nhóm sản phẩm Quốc gia, có lẽ cá tra là sản phẩm nổi đình nổi đám nhất.

Nằm trong nhóm sản phẩm Quốc gia, có lẽ cá tra là sản phẩm nổi đình nổi đám nhất. Trên thị trường XK, dù liên tiếp đối phó nhiều vụ kiện cáo, vu khống, nhưng với sức trỗi dậy mạnh mẽ, cá tra đã tạo dấu ấn và đạt mức tăng trưởng không ngừng.

>> Lên rừng trồng nấm
>> Phát triển nấm, cơ hội vàng
>> 1 tỷ USD từ nấm?
>> Siết chặt SX cá tra giống
>> Đề nghị 3 giải pháp cứu cá tra
>> Đừng vội vàng bán cá tra
>> Hướng tới nuôi cá tra bền vững

Sông sạch, cá ngon

Sông Mekong nổi tiếng là dòng sông mẹ ngọt ngào tạo nên sự phong phú đa dạng với hàng ngàn loài cá, tạo nguồn sinh kế cho hàng chục triệu người dân sống trong lưu vực. Trong đó cá tra dầu (tên khoa học là Pangasinodon Gigas) đứng hàng đầu trong "dòng họ" cá tra, một trong những loài cá nước ngọt to lớn nhất thế giới. Một con có thể dài tới 3 m và nặng đến 250 kg. Loài cá này như một biểu trưng cho sự nguyên trạng về sinh thái trong lành của sông Mekong.


Thu hoạch cá tra đưa về nhà máy chế biến

Sông Mekong chảy vào vùng ĐBSCL chia thành hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, độ dốc của triền sông thoai thoải thấp dần đổ ra biển Đông. Nhờ có nguồn nước ngọt quanh năm dồi dào, các ao nuôi được cung cấp và thoát nước thuận lợi là điều kiện thiên nhiên ưu đãi bậc nhất để ĐBSCL hình thành nên nghề nuôi thủy sản tự lâu đời. Đặc biệt trong số các loài cá nuôi ở vùng này, cá basa và cá tra chiếm ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế.

Những cư dân theo nghề cá có thâm niên lý giải: Cá tra có khả năng thích nghi với nhiều mô hình nuôi. Trước đây, cá basa chủ yếu nuôi trong lồng bè khu vực đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sản phẩm cá ba sa khởi đầu trong "dòng họ" cá tra mở đường cho XK. Đó là dấu mốc lần đầu tiên-năm 1993 cá nuôi trong lồng bè trên sông đạt sản lượng khoảng 17.400 tấn, trong đó cá ba sa chiếm 3/4 sản lượng.

Sau này cá tra nuôi trong ao, nuôi đăng quầng ở bãi bồi ven sông hay nuôi trong bè đều dễ thích ứng, lớn nhanh. Cùng với thành tựu SX giống cá nhân tạo và kỹ thuật nuôi thâm canh của các nhà khoa học, vùng nuôi cá tra mau chóng được mở rộng, trở thành sản phẩm chủ lực với những bước tiến thần kỳ.

Những năm sau này lượng cá basa nuôi nuôi bè thu hẹp, đến năm 2011 chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi đó xu hướng chuyển sang nuôi cá tra trong ao tăng lên, nuôi thả với mật độ 20-40 con/m2, năng suất đạt 200-400 tấn/ha. Hệ thống nuôi này đóng góp 99% sản lượng cá tra nuôi ở ĐBSCL. Trong đó 4/8 tỉnh, thành có vùng nuôi cá đóng vai trò chủ lực như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long phát triển mạnh nghề nuôi cá tra, đóng góp 77% tổng sản lượng cá tra nuôi cả nước.

Quả thật khó có loài cá nước ngọt nào nuôi với quy mô công nghiệp năng suất cao có thể sánh kịp cá tra. Chỉ trong một thời gian ngắn sản phẩm cá tra chứng minh khả năng vượt trội về phẩm chất ngon, sạch, được khách hàng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, tin dùng. Cá tra là sản phẩm quốc gia còn giàu tiềm lực phát triển trong tương lai.

Hiệp hội Chế biến & XK thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đúc kết, chỉ trong 12 năm (2001-2012) vùng nuôi cá tra mở rộng đạt gần 6.000 ha, tăng gấp 5 lần. Sản lượng cá nguyên liệu từ 37.500 tấn năm tăng lên 1.350.000 tấn, tăng gấp 36 lần. Sản lượng cá chế biến thành phẩm XK từ 17.000 tấn/năm tăng lên 660.000 tấn/năm, tăng gấp 40 lần. Giá trị kim ngạch XK tăng từ 40 triệu USD lên 1,865 tỷ USD, tăng gấp 45 lần. Thị trường XK ban đầu từ một số nước ở Châu Á nay mở rộng khắp 136 nước và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục.

Hướng tới tương lai

Ngày nay ở ĐBSCL ngành hàng cá tra đã hình thành một ngành công nghiệp nuôi và chế biến cùng với chuỗi SX, cung ứng dịch vụ phụ trợ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người nông dân, công nhân trong vùng. Tuy nhiên cá tra VN vẫn chưa tận dụng hết lợi thế “độc nhất” để vươn lên trở thành một ngành hàng có thế mạnh chủ lực.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Với một vùng nuôi chưa tới 6.000 ha mặt nước, cá tra VN đã đạt hơn 1,3 triệu tấn là một kỳ tích. Hơn nữa tiềm năng còn lớn, vùng nuôi ven sông có thể mở rộng. Thế nhưng vấn đề đặt ra nếu tiếp tục mở rộng SX cần phải tính đến mức tăng theo nhu cầu thị trường. Thực tế mấy năm qua cho thấy sự bất cập là, nếu nuôi nhiều thường tiêu thụ chậm, dân nuôi cá và các nhà máy luôn trong tình trạng cung -cầu không gặp nhau. Đây chính là trở ngại làm chậm sự phát triển ngành hàng này.


Chế biến sản phẩm cá tra XK

Do đó mô hình liên kết giữa nông dân và DN vừa định hình đã được Bộ NN-PTNT ủng hộ. DN đóng vai trò chính và tốt nhất đưa ngành nuôi trồng, chế biến, XK cá tra là ngành “có điều kiện” nhằm tiến tới thành lập những vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có đầu tư và quản lý bài bản. Trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng cá theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ giá thành, khuyến khích mô hình trang trại để dễ kiểm soát “đầu vào, đầu ra”, tránh nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu & phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), liên kết trong SX quy mô lớn và tiêu thụ sản phẩm đều có nhiều lợi ích hơn SX quy mô nhỏ lẻ. Đây là hướng đi tất yếu trong hiện tại và lâu dài cho phát triển bền vững chuỗi ngành hàng. Tuy nhiên liên kết này chỉ thành công khi có được dự báo thị trường tốt, quy hoạch SX, quản lý vĩ mô tốt về con giống và nguyên liệu đầu vào nhằm cân đối cung cầu thị trường về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Hiện nay các nước EU là thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn nhất trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu khoảng 50%, trong đó nhập khẩu lớn nhất là cá tra của VN. Do đó, trong các hoạt động theo đuổi phát triển ngành hàng cá tra, suốt 3 năm qua các chuyên gia nghiên cứu từ các nước EU đã sang tìm hiểu, phối hợp cùng với Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho chủ trang trại nuôi cá tra sạch trong khuôn khổ dự án “Phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuẩn thương mại” (SEAT). Theo đó, gần 100 chủ trang trại nuôi cá tra qui mô lớn ở ĐBSCL nhiệt tình theo đuổi mục tiêu nuôi cá sạch, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở VN.

Theo VASEP, hiện có hơn 130 DN XK cá tra. Trong đó 60 DN có nhà máy chế biến cá tra trực tiếp XK chiếm trên 90% doanh số; còn lại 72 DN thương mại chiếm dưới 10% doanh số. Riêng các DN có nhà máy chế biến và đầu tư vùng nuôi cá đáp ứng khoảng 50% sản lượng.

Các chủ trang trại đặt niềm tin vào thị trường nhập khẩu cá tra từ các nước Châu Âu (EU), Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông… và đang thực hành SX sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Mới đây tại một vùng nuôi cá tra ven sông Hậu của một DN tại Cần Thơ, khách hàng Pháp đến đặt hàng SX cá sạch và cử nhân viên giám sát chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến.

Tại An Giang, từ năm 2004 đến nay vẫn duy trì mô hình SX cá tra sạch XK 1.000 tấn/năm theo yêu cầu đặt hàng sang Đức. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang nói: Trong mấy năm qua dân nuôi cá tra ở An Giang đã chọn mua giống sạch bệnh, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000CM, SQF 2000 CM, Global GAP. An Giang đã có 3 DN được chứng nhận các tiêu chuẩn này và hình thành 5 vùng nuôi cá tập trung.

Các chuyên gia kinh tế dự án SEAT khẳng định, các nước EU là thị trường chính của sản phẩm thủy sản từ các nước châu Á. Trong đó, cá tra VN SX đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn sẽ có vị trí vững vàng đúng với giá trị ngon lành của nó.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.