| Hotline: 0983.970.780

Sức sống Cù Lao Chàm

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009), du khách trong và ngoài nước đến với Cù Lao Chàm ngày càng nhiều.

Từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009), du khách trong và ngoài nước đến với Cù Lao Chàm (thuộc xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) ngày càng nhiều. Cánh cửa du lịch mở ra cho người dân ở đây cơ hội đổi đời.

Ngư dân làm du lịch

Để vượt qua hơn 10 hải lý từ TP Hội An đi Cù Lao Chàm có 2 lựa chọn: tàu du lịch cao tốc và tàu chợ. Tôi chọn tàu chợ. Vừa rẻ, vừa có thời gian thưởng ngoạn biển trời một ngày nắng đẹp. Ngồi tàu chợ, phải bồng bềnh trên sóng nước đúng 2 giờ đồng hồ mới đến Cù Lao Chàm, trong khi đi tàu cao tốc chưa đầy nửa giờ. Nhưng tôi không hối hận vì lựa chọn này, bởi có ngồi tàu chợ mới được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán tấp nập của người dân 2 bờ.

Muôn chủng loại hàng hóa của dân buôn chất kín khoang tàu vận chuyển sang Cù Lao Chàm. Tàu chợ từ Hội An đi Cù Lao Chàm mỗi ngày có một chuyến, và chuyến nào cũng ăm ắp hàng hóa. Hỏi ra mới biết, dân Cù Lao Chàm bây giờ không chỉ biết bám víu vào biển như trước đây, mà trong 3 năm nay, số đông ngư dân ở vùng biển đảo này đã chuyển sang làm du lịch.

Vừa bước chân lên cầu cảng, một người phụ nữ vẫn còn nguyên nét “biển giã” trên gương mặt nhanh chóng tiếp cận tôi với những lời chào đón, rồi dúi vào tay tôi tấm danh thiếp được in bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt có nội dung: Dịch vụ du lịch THƯƠNG EM (Cù Lao Chàm). Chuyên phục vụ: Tham quan tổ yến; tắm biển, xem san hô; câu cá trên biển bằng thuyền, phục vụ cả ban đêm; phục vụ ăn uống theo nhu cầu của khách... địa chỉ và số điện thoại.

Thả bước vào quán cà phê nằm phía sau cầu cảng, tôi gọi một ly cà phê đen. Cô bán hàng cà phê có gương mặt khả ái tiếp tôi với nụ cười rạng rỡ. Tôi bắt chuyện: “Cô bán cà phê này lâu chưa?”. “Cũng mới thôi anh ạ. Trước đây ông xã em đi biển, cực khổ lắm nhưng làm ăn không ra sao vì cá mắm ngày càng ít. Hai vợ chồng em bàn nhau bán chiếc ghe 12 CV, lấy tiền vào Hội An đặt làm cái khung nhà mây tre lá này hết 40 triệu, về dựng lên hết 10 triệu đồng nữa. Sáng, bọn em bán cà phê, trưa, tối bán đồ hải sản cho khách du lịch. Đoàn khách nào đặt cơm tụi em cũng nấu luôn. Từ khi chuyển làm nghề này, ông xã em không phải đêm hôm lặn lội ngoài biển nữa mà làm ăn có dư”.

Im lặng một lát, cô tận tình cho biết thêm: “Nếu anh nghỉ qua đêm, quanh đây có nhiều hộ làm dịch vụ lưu trú lắm, giá cũng rẻ, 1 phòng 100.000đ/đêm. Anh ở 1 mình cũng 100.000đ, hai người ở 1 phòng vẫn giá đó. Ban ngày, nếu anh muốn đi thăm thú những điểm du lịch quanh 8 hòn đảo thuộc Cù Lao Chàm hoặc muốn ra biển câu cá, tắm biển, lặn ngắm san hô thì anh có thể thuê những chiếc ghe chuyên làm dịch vụ đó”.

Người đàn ông trung niên ngồi bàn cà phê cạnh tôi góp chuyện: “Anh đi có một mình thuê ghe đi thì phí, nếu anh có nhu cầu tui đưa anh đi bằng thuyền thúng. Đi 30 phút tui chỉ lấy 30.000đ”. Rồi anh giới thiệu tên mình là Trần Ngọc Thanh ở thôn Bãi Ông.

Thật thú vị, với những gì tai nghe, mắt thấy trong buổi đầu đến với Cù Lao Chàm, tôi hiểu, có luồng sinh khí mới đang lồng lộng ở vùng biển đảo này. Những di tích văn hóa, lịch sử có niên đại hàng trăm năm, cộng với hệ động thực vật vô cùng phong phú với hơn 200 loài cá, 82 loài động vật biển thân mềm, du khách có thể lặn ngắm chúng hàng giờ chính là hấp lực của Cù Lao Chàm đối với du khách khăp nơi.

Cánh cửa rộng mở

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), cho biết: “Cù Lao Chàm có 602 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Trước đây, hơn 80% dân số ở đây làm ngư nghiệp, chủ yếu làm những nghề đánh bắt gần bờ. Trong 3 năm gần đây, do thu nhập từ nghề biển bếp bênh vì nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt, trong khi đó nhu cầu về du lịch ngày càng cao nên nhiều hộ đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Phong trào làm du lịch của người dân ở đây được khởi nguồn từ Dự án hỗ trợ sinh kế của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (thuộc Sở NN-PTNT Quảng Nam)”.

Cũng theo ông An, kế sinh nhai của cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm phần lớn phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ven bờ với các nghề: câu tay cá hố, mành đèn, mành mực, lặn, lưới kình, lưới mực, lưới thanh ba, lưới dí, lưới cao, lưới thu...

Một số nghề nói trên thường xuyên đánh bắt trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển làm ảnh hưởng đến nhiều giống thủy sản cần bảo tồn, làm xáo trộn hệ sinh thái biển. Để làm giảm áp lực khai thác thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao.

“Thực hiện công tác bảo tồn biển ắt sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của bà con ngư dân. Do đó, để vẹn đôi bề, chúng tôi đã thực hiện việc hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển khai thác thủy sản sang làm những nghề khác phục vụ du lịch”, ông Phạm Thành Hồng Lĩnh, Phó trưởng BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết thêm.

Hóa ra những gì tôi nghe và thấy ở Cù Lao Chàm không phải từ sự tự phát của người dân mà có định hướng của ngành chức năng hẳn hoi. Cũng theo ông Lĩnh, những đối tượng được chọn vào dự án hỗ trợ sinh kế là những hộ ngư dân đang làm những nghề khai thác mà ngư trường là những vùng cấm trong khu bảo tồn biển, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Nghề lặn là đối tượng được ưu tiên 1, vì nghề này hủy hoại san hô. Những hộ làm dịch vụ lưu trú được hỗ trợ thiết bị nhà vệ sinh, nệm, tủ, giường, đèn điện, quạt tích điện (vì ban đêm ở Cù Lao Chàm chỉ có điện từ 7 giờ đến 11 giờ). Những hộ có tàu khai thác làm những nghề ảnh hưởng đến bảo tồn biển, để chuyển nghề, họ được hỗ trợ từ 40 triệu đến 50 triệu đồng để cải hoán từ tàu đánh bắt thủy sản sang tàu phục vụ du lịch. Song song, còn rất nhiều hộ khác được hỗ trợ kinh phí để làm những nghề mới như: sản xuất nước mắm, xây dựng lò bánh tráng, chế biến thủy sản khô...

“Trong 3 năm qua, lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm luôn đạt 70.000-80.000 người/năm. Riêng năm 2012, từ đầu mùa đến nay đã có đến 50.000 người ra đảo. Dự kiến đến hết mùa du lịch (cuối tháng 9) sẽ có thêm 50.000 người nữa. Có địa thế như vịnh chắn gió nên đến mùa mưa bão hàng năm, thường xuyên có năm bảy chục tàu buôn quốc tế ghé vào Cù Lao Chàm tránh gió. Lúc này cư dân trên đảo chuyển sang nghề cung ứng nhu yếu phẩm cho các tàu buôn ấy”, ông Trần Văn Nhân, Phó chánh Văn phòng UBND thành phố Hội An.

“Tất cả các mô hình nói trên đều phát triển mạnh, nhất là dịch vụ lưu trú kéo theo nhiều dịch vụ khác. Đó là chưa nói tới sự tự phát bỏ nghề đánh bắt theo làm du lịch của nhiều hộ khác. Khi khách du lịch tăng, hàng quán phục vụ ăn uống cũng tăng theo nên dần dần kéo nhiều lao động nghề biển sang làm du lịch. Do đó, hiện nay áp lực khai thác trên vùng biển bảo tồn đã được giảm đáng kể”, ông Lĩnh cho hay.

Đến thăm hộ anh Trần Đức ở thôn Bãi Ông. Nhà anh Đức có 4 phòng phục vụ khách lưu trú. Vợ anh Đức tâm sự: “Trước đây chồng tui làm nghề lặn, mỗi ngày kiếm được 2-3 trăm ngàn. Thời gian gần đây nghề lặn không còn kiếm được tiền như trước, thu nhập bữa có bữa không. Ba năm nay làm dịch vụ này, cuộc sống gia đình tui khá giả hơn. Trong 3 tháng qua gia đình tui đó đón được hơn 100 lượt khách, mỗi đêm khách ở kiếm được 400 ngàn. Có nhiều lượt khách ở liên tiếp 3-4 bữa”.

Hôm Đại sứ quá Đan Mạch ghé thăm Cù Lao Chàm (ngày 9/8), ông đại sứ Jonh Nielsen tỏ ý muốn tìm hiểu sự đổi thay về cuộc sống của những hộ được hỗ trợ cải hoán tàu đánh cá sang tàu phục vụ du lịch. Anh Hồ Thương ở thôn Bãi Làng tâm sự với ông đại sứ: “Khi còn làm nghề khai thác thủy sản, lúc nào trúng cá thì có thu nhập được 4-5 triệu/tháng. Những cũng có lúc đi hết dầu mà về ghe không. Từ khi chuyển sang làm du lịch, tui được nhàn nhã hơn mà lại có thu nhập đều và cao, nhất là được tiếp xúc với nhiều người giúp tui mở mang đầu óc nhiều lắm”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất