| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới bên dòng sông Chảy

Thứ Sáu 29/07/2016 , 13:15 (GMT+7)

Một nhiệm kỳ thay tới 4 chủ tịch xã. Đó là câu chuyện hi hữu ở xã Xuân Thượng (Bảo Yên, Lào Cai). Tuy nhiên việc thay đổi đó đã mang lại hơi thở mới.

1. Men theo tuyến quốc lộ 70 chúng tôi về thăm xã Xuân Thượng vào một ngày đầy nắng và gió. Mặc dù đang bận rộn với công việc nhưng ông Nguyễn Văn Dũng vẫn dừng mọi công việc để tiếp chuyện chúng tôi.

Trên khuôn mặt ông Chủ tịch xã tôi thấy rạng lên một nụ cười đầy tự tin sau 5 tháng được huyện điều động về xã công tác. Chỉ có 5 tháng nhưng đời sống của nhân dân xã Xuân Thượng đã và đang thay da, đổi thịt.

22-49-31_2-1
Họp Ban chỉ đạo xây dựng NTM ở Xuân Thượng

 

Đặt chân tới Xuân Thượng, chúng tôi đã được nghe người dân nơi đây kể lại, Xuân Thượng khó khăn vất vả lắm. Cuộc sống của người dân chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai. Cái tay của đồng bào nơi đây vốn chỉ quen tra hạt ngô, không biết làm thế nào cho đúng, cho đủ ấm cái bụng...

Trẻ con đói, khổ, không có chữ, nhiều người già đêm đêm trầm ngâm bên bếp lửa nghĩ kế sinh nhai. Khổ là vậy, nhưng người dân vẫn quyết tâm thay đổi phong tục tập quán canh tác, bảo ban nhau làm ăn, tập cấy lúa nước, tập làm rừng, chăn nuôi, làm trang trại... Đặc biệt dưới sự chèo lái của Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể xã... giờ đây Xuân Thượng đã bớt nghèo rồi.

Nhấp chén nước chè, anh Lý Văn Rộng thôn Bảy Vành hồ hởi, nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) mà bà con nơi đây có đường, nhà văn hóa, trẻ con được đến trường, người ốm thì ra trạm xá, cả xã có điện lưới quốc gia thắp sáng, nghèo đói cũng lùi bớt nhiều.

Là một trong những xã thuộc diện khó khăn nhất huyện Bảo Yên, toàn xã có 97% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn nên nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, còn tâm lý trông chờ sự ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Vì vậy trong quá trình triển khai xây dựng NTM, so với các địa phương khác, Xuân Thượng có “xuất phát điểm” thấp hơn nhiều. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến một nhiệm kỳ xã thay tới 4 Chủ tịch xã.

Đứng trước khó khăn trên, UBND huyện đã luân chuyển ông Nguyễn Văn Dũng đang làm Chủ tịch UBND xã Bảo Hà về làm Chủ tịch xã Xuân Thượng. Từ khi thay thế, tân chủ tịch cùng với cách làm sáng tạo đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nên Xuân Thượng tự tin về đích đúng lộ trình...

2. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, Xuân Thượng còn đầy rẫy khó khăn, với 367 hộ nghèo chiếm 37,33%, số hộ cận nghèo 165 hộ, tỷ lệ 17,59%. Toàn xã phấn đấu mỗi năm giảm từ 3 - 5% hộ nghèo.

Có “xuất phát điểm” thấp nhất huyện nên Xuân Thượng được coi là “mục tiêu quan trọng” trong chương trình xây dựng NTM của huyện Bảo Yên. Nếu Xuân Thượng về đích đúng lộ trình thì sẽ tạo được “cú hích” cho các địa phương khác. Xác định như vậy, xã đã huy động hết mọi khả năng có thể để hoàn thành mục tiêu đề ra.

22-49-31_04-05072016
Ảnh: Xuân Hiền

 

Chủ trương của xã là nâng dần mức sống hộ nghèo ngang bằng với mức sống khu dân cư. Do đó, xã tổ chức nhiều mô hình tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đó là lời tâm sự của Chủ tịch xã Xuân Thượng khi chia tay chúng tôi.

Ðể giúp bà con từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững, Ðảng bộ, chính quyền xã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao đời sống của nhân dân là ưu tiên hàng đầu.

Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác và thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Hiện nay, các khâu làm đất, gặt, tưới tiêu… được làm bằng máy móc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang hoạt động công nghiệp, dịch vụ.

Nhờ cơ giới hóa nông nghiệp, bộ mặt nông thôn ở xã Xuân Thượng có sự thay đổi đáng kể. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt quy ra thóc 2.567 tấn, tăng so với cùng kỳ 196 tấn. Năng suất lúa trên 60 tạ/ha/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND xã đã triển khai mô hình “vườn rau ăn đủ’’ với 45 hộ tham gia trồng các giống rau màu như rau dền, mướp... Công tác trồng rừng ở Xuân Thượng đạt 148,3ha...

Xã xây dựng mô hình gà ri lai với 15 hộ tham gia ở hai bản Bốn Vành, Bảy Vành. Toàn xã có trên 2.100 con lợn, 14.819 gia cầm, 904 trâu và 987 dê; xây dựng được trang trại chăn theo mô hình VACR cho thu nhập trung bình từ trên 50 triệu đồng/hộ. Thu nhập của người dân đạt trên 26 triệu đồng/người/năm.

Số hộ có mức sống khá, giàu năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Toàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát; gần 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 16/22 thôn bản đạt danh hiệu làng văn hóa. Hàng năm, triển khai các hoạt động vì người nghèo, hũ gạo tình thương, giúp nhau khi xảy ra hỏa hoạn...

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh, giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán của người dân, bài trừ các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cùng với đó, hệ thống điện, đường, trạm, giao thông thủy lợi nội đồng cũng được đầu tư nâng cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Xuân Thượng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hai tuyến đường bê tông thuộc thôn Bốn Vành, Bảy Vành với tổng trị giá 1,29 tỷ đồng từ tiền ngân sách và nhân dân đóng góp. Mở thêm tuyến mới đi qua 3 bản (Chín Vành, Tám Vành, Sáu Vành ), sửa chữa và nâng cấp tuyến đường vào khu sản xuất ở bản Bảy Vành (khe lạnh) với chiều dài 1,7km.

Các thôn bản đã huy động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng rãnh tiêu thoát nước trong khu dân cư, góp phần cải thiện môi trường sống, phấn đấu sớm đạt tiêu chí môi trường.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.