| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới vùng Bảy Núi

Chủ Nhật 23/10/2016 , 07:30 (GMT+7)

Những ngày này, chúng tôi về vùng Bảy Núi (gồm 3 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn & Thoại Sơn – An Giang) nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

16-36-36_dscn2933
Người Khmer xã Núi Voi (Tịnh Biên) tích cực lao động sản xuất lúa vụ thu đông
 

Giờ đây, nhiều phum sóc đang khởi sắc từng ngày, ai cũng cảm nhận một vùng đất đang thay da đổi thịt, cuộc sống của người dân đã từng bước đổi thay, vững bước trên con đường đổi mới.

Đó là thành quả nhiều năm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, với nhiều chương trình, chính sách, dự án thực hiện ở An Giang đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Từ đó, giúp đồng bào DTTS từng bước cải thiện trường học, trạm y tế được xây mới, khang trang, hệ thống giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê – tông hóa, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho người dân.

16-36-36_dscn2936
Diện mạo nông thôn xã An Cư vùng biên huyện Tịnh Biên (An Giang) đang khởi sắc
 

Đến nay, An Giang còn 7.295 hộ DTTS nghèo chiếm 27,46% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều) 1.067 hộ cận nghèo, chiếm 4,02% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Để hỗ trợ chăm lo phát triển sinh kế đồng bào DTTS, An Giang thực hiện lồng ghép chương trình mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội với các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, nước sinh hoạt…, vùng đồng bào DTTS.

“Từ đầu năm đến nay, An Giang đã hỗ trợ đất ở cho 738 hộ (33 triệu đồng/hộ (24,345 tỷ), hỗ trợ 228 hộ vay vốn chuộc đất sản xuất (30 triệu đồng/hộ (6,840 tỷ), đào tạo nghề 258 người (4,5 triệu đồng/người (1,161 tỷ), hỗ trợ 633 hộ tạo việc làm và phát triển sản xuất (mỗi hộ vay 8 triệu đồng (5,064 tỷ)…” – ông Trần Quốc Thanh – Trưởng Ban dân tộc tỉnh An Giang nói.

Hòa vào sự phát triển chung của quê hương, đồng bào Khmer vùng Bảy Núi luôn tích cực trong phong trào xây dựng phum, sóc ngày một khang trang, đổi mới. Bằng các chương trình, dự án của Chính phủ và của tỉnh đầu tư phát triển miền núi, vùng đồng bào DTTS, trên địa bàn vùng biên huyện Tịnh Biên (An Giang) có nhiều cụm, tuyến dân cư được chỉnh trang và hình thành mới.

Tại xã Núi Voi (Tịnh Biên), đồng bào Khmer cũng khá tích cực trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cùng chính quyền địa phương. Các vị sư sãi, à cha chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào Khmer.

Ngoài những tuyến đường, người dân Khmer trên địa bàn xã Núi Voi còn góp công, góp tiền xây dựng hồ chứa nước tại chùa Mỹ Á. Đây là kết quả từ cuộc vận động của chính quyền địa phương và sư cả của chùa. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của bà con Khmer trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Núi Voi Nguyễn Duy Phong cho biết: “Khi tất cả các công việc đều được dân chủ, người dân hiểu được lợi ích của cộng đồng luôn gắn với lợi ích của gia đình họ thì  dù có khó khăn đến đâu chúng ta vẫn có thể hoàn thành công việc. Thành quả hôm nay là sự đồng lòng giữa chính quyền địa phương và người dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của các vị sư sãi, à cha trong việc tuyên truyền kêu gọi người Khmer trên địa bàn xã tích cực xây dựng phum, sóc”.

16-36-36_dscn2949
Gia đình anh Si Sô Váth ở ấp An Thạnh (xã An Hảo – Tịnh Biên) thoát nghèo bền vững từ mô hình sản xuất 1 vụ hoa màu và 2 vụ lúa cao sản kết hợp chăn nuôi bò
 

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã thực hiện họp dân, bàn bạc và xây dựng 2 tuyến đường tại sóc Tà Núp và sóc Hồ Ngao, với kinh phí xây dựng trên 1 tỷ đồng phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của bà con. Ai cũng thấy phấn khởi bởi phum, sóc giờ đây khang trang hơn, tạo nên nét mới cho vùng quê xứ núi.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên – Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết: Thông qua các chương trình, dự án về an sinh xã hội và chính sách vùng dân tộc, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm còn 4%, năm 2015 đã hỗ trợ đất ở và tái định cư cho gần 200 trường hợp, với tổng số trên 2,2 tỷ đồng, giúp vốn giải quyết việc làm và phát triển sản xuất cho 62 hộ, với nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng. “Các ngành nghề truyền thống của đồng bào DTTS được khôi phục và phát triển, thu hút nhiều người cùng tham gia bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc”.

Ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) mấy năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc đã làm thay đổi hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho người dân làm ăn để thoát nghèo. Gia đình chị Néang Sóc Mên ở ấp Núi Đá (xã Ô Lâm) là một trong những hộ làm ăn hiệu quả, nhờ được hỗ trợ dụng cụ để khôi phục nghề truyền thống nấu đường thốt nốt nên cuộc sống gia đình chị Néang Sóc Mên ngày càng sung túc hơn.

16-36-36_dscn2939
Người Khmer vùng Bảy Núi “cây Thốt nốt” là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Cây thốt nốt giúp cho nhiều gia đình Khmer đã thoát nghèo, khá lên và giải quyết công ăn việc làm bằng cách khai thác và chế biến đường thốt nốt - đặc sản của người Khmer An Giang
 

16-36-36_dscn2942
Chị Néang Sóc Mên ở ấp Núi Đá (xã Ô Lâm – Tri Tôn) cuộc sống ngày càng sung túc hơn từ nghề truyền thống nấu đường thốt nốt
 

Chị kể: “Lúc trước, cuộc sống rất bấp bênh, không có vốn nên công việc nấu đường gặp khó khăn. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn mua nồi, dụng cụ nấu nên giờ mở rộng quy mô. Ngoài gần chục cây thốt nốt của gia đình, mình còn thuê thêm 20 cây thốt nốt của bà con trong sóc để lấy nước nấu đường mỗi ngày”.

Còn anh Chau Thone ấp Phước Thọ (xã Ô Lâm) cho biết: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ cho vay và đào tạo nghề nên tôi có công việc ổn định. Đường vào ấp tôi giờ được bê tông hết nên tôi học nghề sửa xe gắn máy, xe đạp. Tôi cũng vay vốn để mở một cơ sở xay lúa nhỏ tại nhà. Chỉ cần bà con trong ấp điện thoại, tôi chạy xe đến nhà chở lúa về xay, xay xong, chở gạo, cám, trấu…giao tận nhà, rồi mới lấy tiền công. Nhà nước đầu tư làm đường nhựa, đường bê tông nên giờ nhà tôi làm ăn thuận tiện lắm. Tôi cũng trả hết nợ vay rồi nên giờ an tâm lo cho hai đứa con học hành tới nơi, tới chốn với người ta”.

Khi cuộc sống của bà con người Khmer vùng Bảy Núi đã được ổn định và ngày càng khấm khá thì các phum sóc, nhà chùa lại hàng ngày vang lên tiếng trống Sa dăm, tiếng nhạc ngũ âm, hòa lẫn tiếng ca và điệu múa Lâm thôn, A dây, Dù kê. Các lễ hội truyền thống đặc sắc của người Khmer vùng Bảy Núi càng làm náo nức lòng người, từ đó làm nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer An Giang.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án VFBC

Dự án đã huy động và ghi nhận đầu tư hơn 33 triệu USD từ các doanh nghiệp thân thiện bảo tồn, giúp hơn 61.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Bình luận mới nhất