| Hotline: 0983.970.780

Sudan- tiềm năng cây lúa và cơ hội hợp tác

Thứ Năm 08/03/2012 , 10:09 (GMT+7)

Ngành trồng lúa Sudan có thể bắt đầu bằng việc thâm canh một vụ lúa cao sản chất lượng cao trong mùa mưa bắt đầu vào tháng 6 hàng năm và có tưới nước bổ sung...

Trước khi chia tách làm hai, Sudan có 27 bang và là quốc gia rộng nhất châu Phi và đứng thứ 9 trên thế giới với diện tích tự nhiên khoảng 250 triệu ha. Thủ đô Khartoum ở 15 độ 36’ vĩ độ Bắc và 32 độ 32’ kinh độ Đông. Vĩ độ của Khartoum ngang với Đà Nẵng của Việt Nam.

Từ Khartoum đi về hướng Bắc lên biên giới Ai Cập chiếm 1/3 chiều dài đất nước và nằm gọn trong sa mạc Sahara. Nều đi về phía Nam thời tiết càng ít khắc nghiệt và lượng mưa càng tăng. Năm 2009 dân số Sudan là 39,2 triệu người với 70% dân cư sống ở nông thôn. 

Tác giả và nông dân thu hoạch lúa vùng đầm lầy sông Nile Trắng

Đến tháng 7/2011, 10 bang phía Nam được tách ra và hình thành một quốc gia mới với dân số 8,3 triệu người, tổng diện tích đất có thể trồng trọt vào khoảng 125 triệu ha, diện tích rừng chiếm 48 triệu ha. Tuy nhiên chỉ có 17 triệu ha đang được sử dụng cho trồng trọt, trong số này có 1,9 triệu ha là diện tích đất có tưới. Số còn lại bỏ hoang hóa.

Các cây trồng chủ yếu của Sudan là cao lương, kê, bông vải, mè, đậu phộng, lúa mì, mía đường. Cây đa niên có chà là, xoài, cà phê... Lượng mưa trung bình hàng năm thấp, với khoảng 416 mm/năm. Nguồn nước cho trồng trọt chủ yếu đến từ sông Nile. Sông Nile là sông dài nhất thế giới với 6.700 km chảy qua 10 quốc gia trong đó các đoạn chảy qua Sudan dài nhất.

Sông Nile Trắng nằm ở hướng Tây Nam bắt nguồn từ Rwanda. Sông Nile Xanh ở về hướng Đông Nam bắt nguồn từ Ethiopia. Sông Nile xanh có lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh và trong lịch sử được xây dụng nhiều đập chắn dòng phục vụ tưới tràn cho trồng trọt trên đồng bằng ven sông. Hai sông này đều chảy từ Nam lên Bắc và nhập lại làm một ở thủ đô Khartoum. Từ Khartoum theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “ngã ba sông”.

Trong thế kỷ 20, Sudan thiết lập được 4 đập trên sông Nile Xanh và sông Nile Trắng và các phụ lưu ở phía Nam Khartoum đảm bảo được 1,9 triệu ha đất có tưới. Sudan là nước thứ hai sau Ai Cập khai thác triệt để nguồn nước sông Nile. Sang đầu thề kỷ 21, họ thiết lập một đập thủy điện kết hợp cả phục vụ nông nghiệp là đập Merowi trên sông Nile chính phía Bắc Khartoum. Những phát hiện gần đây còn cho thấy Sudan có trữ lượng nước ngầm dưới sâu rất lớn.

Năm 2010 diện tích lúa thu hoạch được là 6.400 ha với năng suất bình quân 3,65 tấn/ha. Giống lúa địa phương được trồng một vụ trong năm chủ yếu ở vùng đầm lầy dọc sông Nile Trắng. Cùng hưởng chung nguồn nước sông Nile và những vùng đất phù sa tương tự, nhưng nước láng giềng Ai Cập có năng suất lúa cao nhất nhì thế giới với 9,4 tấn /ha. Hàng năm, Sudan tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn gạo và có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi SX trong nước chỉ thỏa mãn được khoảng 5% nhu cầu.

Địa bàn phù hợp nhất cho phát triển cây lúa là vùng đất phù sa có tưới ở giữa sông Nile Trắng và sông Nile Xanh. Nơi này có thời tiết ôn hòa hơn các bang phía Bắc. Chúng tôi đã đến thăm Kenana, một địa chỉ cách thủ đô Khartoum khoảng 300 km về hướng Tây Nam. Vĩ độ nơi này là 13 độ Bắc (ngang với tỉnh Phú Yên của Việt Nam), có lượng mưa trung bình 382 mm/năm và hai tháng mưa cao nhất là tháng 7 và 8. Ẩm độ không khí trung bình 51,8%, nhiệt độ cao trung bình 35,7 độ C, cao nhất là tháng 4 với 40,3 độ C. Trong khi đó nhiệt độ thấp trung bình là 20,2 độ C và thấp nhất trong tháng 1 với 14,6 độ C. Đất sét nặng có pH từ 7,5 đến 8,5 và chất hữu cơ 1,13%.

Ngành trồng lúa Sudan có thể bắt đầu bằng việc thâm canh một vụ lúa cao sản chất lượng cao trong mùa mưa bắt đầu vào tháng 6 hàng năm và có tưới nước bổ sung. Khi đã hình thành vùng trồng lúa với diện tích lớn thì có thể trồng thêm một vụ lúa ĐX gieo vào khoảng tháng 11- 12. Xu hướng cơ giới hóa SX lớn toàn bộ cây lúa cần được chú ý. Kỹ thuật xác lập cây trồng có thể là gieo khô, tưới nước cho mọc và tưới nước tiết kiệm luân phiên giữa ướt và khô.

Ở vùng đầm lầy ven sông và vùng trũng đọng nước trên cao nguyên có diện tích khoảng 2,9 triệu ha, có thể thiết lập hệ thống thủy lợi, chủ động tưới tiêu để trồng lúa bằng cách đánh bùn, sạ ướt hoặc cấy như tại châu Á. Ngoài ra Sudan còn có những địa phương phía Đông Nam, dọc biên giới Ethiopia như bang Al Quadarif, có lượng mưa đạt 800- 900 mm/năm, có thể trồng một vụ lúa đắp bờ giữ nước thâm canh. Tương lai không xa, ngành trồng lúa nước cao sản sẽ phát triển ra trên diện rộng tại đất nước này.

Ngày nay cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Sudan trong ngành lúa gạo là to lớn. Các viện, trường tại VN có thể nhận học viên, kỹ thuật viên, nông dân Sudan sang đào tạo, tham quan kỹ thuật trồng lúa. Những DN Việt Nam có thể đầu tư hoặc liên doanh trồng trọt, chế biến tiêu thụ lúa gạo. Làm dịch vụ hoặc liên doanh với Sudan ở các lãnh vực như san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, thiết lập hệ thống thủy lợi khai thác nước mặt và nước ngầm phục vụ trống lúa, XK hạt giống, phân bón, thuốc BVTV, các máy móc chuyên dùng cho lúa. Đặc biệt là các loại máy móc nhỏ (máy làm đất loại lớn Sudan đã nhập về rất nhiều), máy móc các loại phục vụ từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch, máy móc tồn trữ, xay xát và đánh bóng, tiếp thị và kinh doanh lúa gạo…

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất