| Hotline: 0983.970.780

Sung túc trên đỉnh đèo lau lách

Thứ Tư 16/02/2011 , 09:43 (GMT+7)

Nằm gọn trên đỉnh đèo Phượng Hoàng là xã Ea Trang, huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk đẹp như một bức tranh...

Nằm gọn trên đỉnh đèo Phượng Hoàng là xã Ea Trang, huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk đẹp như một bức tranh với những quả đồi trùng trùng điệp điệp, những cánh rừng xanh ngút ngàn nối tiếp nhau trải dài bất tận. Cuộc sống của của đồng bào Ê đê, M’nông đang thay đổi từng ngày từ những màu xanh ấy… 

Một sáng đầu năm, từ Nha Trang chúng tôi theo Quốc lộ 26 vượt Trường Sơn lên Tây Nguyên đại ngàn. Sau hơn hai tiếng xuất phát, chúng tôi đã lên tới đỉnh đèo Phượng Hoàng, dọc hai bên đường đèo những quả đồi nối liếp tiếp nhau đã được phủ xanh ngút ngàn bởi những rừng keo, dưới những tán rừng những ngôi nhà sàn, nhà ngói, nhà tầng san sát nhau nói lên cuộc sống ấm no sung túc của một vùng quê vùng sâu vùng xa cách TP Buôn Mê Thuột hàng trăm km.

Bây giờ Tây Nguyên đang trong cao điểm mùa khô, người dân Ea Trang cũng đang khẩn trương phát ranh, dọn cỏ để chống cháy cho những cánh rừng trồng. Mặt trời đã khuất sau quả đồi trước nhà, anh Ma Nghi ở buôn M’O, xã Ea Trang mới vác rựa đi phát cỏ tranh chống cháy cho cánh rừng keo 3,7ha về, gặp chúng tôi trên đường, Ma Nghi phấn khởi bảo: Năm nay nhà mình ăn Tết to lắm nhờ bán được 1,3ha keo trồng từ năm 2003, thu được trên bảy chục triệu đồng. Có tiền từ bán keo mình đã lo lấy vợ gả chồng cho con cái, rồi xây nhà mới, mua bò, lợn làm của hồi môn cho chúng nó. Hết việc lớn, mình vẫn còn một ít tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng phòng có việc gì dùng đến.

Ma Nghi cho biết thêm, sau Tết anh cũng như bà con trong buôn đi làm ngay, không còn ăn Tết dài như trước nữa. Nhờ có rừng Ma Nghi đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, ngoài tài sản là diện tích rừng keo mới khai thác đã được trồng lại ngay trong mùa mưa vừa qua, Ma Nghi vẫn còn 3,7ha keo được trồng từ năm 2008 liên kết với Cty Trường Thành. Khi hỏi làm sao Ma Nghi trồng được nhiều rừng như vậy, anh cho biết: Ngày đó mình không có vốn nhưng có đất, cán bộ của Cty và cán bộ địa phương tuyên truyền vận động mình đã góp đất để trồng rừng. Tham gia liên kết, hàng năm mình còn được Cty cho tiền chăm sóc bảo vệ rừng mình đã đuổi cái đói đi rồi. Bên cạnh đó, nhà Ma Nghi còn có 7 sào bắp, 3 sào mỳ và 4,7 sào lúa nước. Năm qua anh thu được trên 20 triệu đồng nhờ bắp và mỳ được giá, còn lúa nước cũng đủ dùng cả năm, vào ngày giáp hạt không phải xin trợ cấp Nhà nước như trước nữa…

Chúng tôi ngược lên Buôn Jam, bác Trương Công Thắng cùng hai con đang thu gom những đống cỏ tranh đã được phát dọn trước Tết trên cánh rừng keo 5 năm tuổi, gặp chúng tôi, bác ngừng tay bảo: Trước đây, sau Tết dân buôn làng chúng tôi chẳng có việc gì làm vì nương rẫy mùa khô không có nước sản xuất mà phải chờ đến mùa mưa mới ra đồng. Các cụ có câu “nhàn cư vi bất thiện” quả không sai chút nào, không có việc làm thanh niên, người lớn suốt ngày uống rượu rồi bài bạc. Nhưng từ ngày cây keo bén duyên nơi đây vào mùa khô bà con không còn cảnh nhàn rỗi nữa, ai cũng phải lo lên rẫy chăm sóc, bảo vệ rừng để “bà hoả” không viếng thăm.

Bác Thắng hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Trang ngoài công việc Nhà nước giao, bác còn tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, bên cạnh nương rẫy trồng bắp, mỳ, bác đã trồng được 20 ha keo nay đã 4 - 5 tuổi. Bác Thắng phấn khởi cho biết: Đầu ra cho sản phẩm gỗ keo rất ổn định nên bà con chúng tôi không sợ bị ế, vào mùa khai thác rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận tìm đến thu mua ngay tại rừng. Trong khi đó trồng rừng cũng không đến nỗi quá vất vả, mấy năm đầu phải tốn công chăm sóc, khi rừng khép tán thì nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao giữ cho rừng khỏi bị cháy. Với năng suất và giá gỗ keo hiện nay thì chỉ vài ba năm nữa bác Thắng thu được không dưới một tỷ đồng từ 20ha keo.

Bác Thắng đưa tôi đến nhà bác Ma Đội, cũng ở buôn Jam, ngôi nhà hai tầng nằm ngay cạnh Quốc lộ 26 được làm từ tiền bán gỗ keo, mặc dù đã cuối buổi chiều nhưng cả nhà vẫn chưa ai đi làm về. Theo bác Thắng cho biết, nhà Ma Đội có 10ha rừng keo, năm 2010 Ma Đội đã bán 3ha, thu được gần 150 triệu đồng. Diện tích keo còn lại trên rừng của Ma Đội trị giá 300 - 400 triệu đồng. Hay như nhà chị Hnhik Niê ở buôn M’O trước đây phải lo ăn từng bữa, nay cũng có tài sản lớn nhờ có 9ha keo chuẩn bị đến ngày khai thác…

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trang, anh Ythê - Hwing kể: Trước đây toàn bộ đồi núi ven Quốc lộ 26 thuộc xã Ea Trang không có loại cây gì sống được ngoài cỏ tranh. Toàn xã có trên 33.000ha đất nông lâm nghiệp, trong đó có 17.000ha là đất lâm nghiệp còn lại là đất nông nghiệp, tuy nhiên do xã nằm ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi trập trùng nên thuỷ lợi không có, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, toàn xã chỉ có 1.834ha là canh tác được cây mía, mỳ, bắp và một một số ít diện tích lúa nước còn lại phải bỏ hoang vì thiếu nước, cuộc sống của người dân quanh năm thiếu đói.

Bác Trương Công Thắng kể: Xưa kia trên đèo Phượng Hoàng là rừng nguyên sinh, nhưng trong thời kỳ chiến tranh quân đội Mỹ đã rải chất khai quang để đốt trọc những cánh rừng nhằm ngăn chặn tiếp tế lương thực của ta từ miền xuôi lên Tây Nguyên, chính vì vậy những người có máu làm giàu cũng không dám nghĩ tới việc trồng keo trên những quả đồi này. Đến năm 1994, từ Chương trình 327 phủ xanh đất trồng đồi núi trọc đã thử nghiệm trồng keo trên vùng đất toàn cỏ tranh này, không hiểu sao cây keo phát triển rất nhanh. Sau khi có hiệu quả, dự án tiếp tục triển khai mô hình mỗi năm trồng một vài ha. Khi Dự án 327 kết thúc và Chương trình 5 triệu ha rừng ra đời đã tiếp tục hỗ trợ vốn cho người dân trồng rừng theo Dự án 661, đến nay dự án này đã triển khai được 140ha keo. Năm 2009, Dự án Flitch tiếp tục hỗ trợ người dân xã Ea Trang trồng 107ha keo từ nguồn vốn ADB.

Xã Ea Trang, hiện có 7 anh em dân tộc khác nhau cùng sinh sống trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc chiếm trên 70% dân số. Toàn xã có trên 800 hộ dân đã có 500 hộ tham gia trồng keo.

Theo anh Ythê - Hwing, từ những mô hình trồng thử này người dân đã được học tập, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc keo, cùng với giá keo được giá, đầu ra ổn định mà mấy năm trở lại đây phong trào trồng keo phủ xanh đồi trọc, làm giàu đã thực sự bùng nổ đối với bà con đồng bào dân tộc xã Ea Trang. Đến nay, đã có trên 700ha keo do người dân tự trồng, ngoài ra hàng ngàn ha keo của các doanh nghiệp cũng đã trồng tại đây. Anh Ythê - Hwing cho biết thêm, năng suất keo tại Ea Trang đạt khoảng 100 tấn/ha, với giá 700.000 đồng/tấn, thì sau khi trừ chi phí người dân còn lãi 40 – 50 triệu đồng/ha.

Vâng, từ một vùng đồi núi rộng lớn chỉ có cỏ tranh và lau lách mà trâu bò cũng chê, thế nhưng chỉ sau khoảng 10 năm kể từ ngày cây keo bén rễ tại Ea Trang, đến nay toàn bộ đồi núi trọc tại đỉnh đèo Phượng Hoàng đã được phủ xanh không chỉ có ý nghĩa về môi trường mà nó còn giúp bà con đồng bào dân tộc nơi đây thoát nghèo và làm giàu.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất