| Hotline: 0983.970.780

Sương khói huyền thoại bên sông Cầu

Thứ Bảy 17/06/2017 , 08:30 (GMT+7)

Con đò đưa tôi đi dọc sông Cầu, đến đầu làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, rồi dừng lại bến gần dãy núi Kim Sơn, Kim Lĩnh. 

Những cánh diều bay như nằm ngủ trên trời xanh, với tiếng sáo ngân nga bên áng mây trắng bồng bềnh, soi bóng xuống dòng nước trong veo. Cỏ xanh trên đê dài tít tắp, cong cong, uốn lượn ôm lấy làng Diềm êm đềm trôi...
 

Âm vang lời thơ “Nam Quốc Sơn Hà”

Dòng sông Cầu ôm gọn cả xã Hòa Long, bắt đầu từ làng Diềm, kéo dài đến tận con đường quốc lộ vượt qua cầu dẫn lên các tỉnh phía Bắc. Đó chính là nơi đã diễn ra trận tử chiến giữa quân dân ta với quân binh nhà Tống (năm 1077), do Tướng quân Lý Thường Kiệt chỉ huy. Đoạn sông Cầu cắt ngang con đường này nổi tiếng với cái tên sông Như Nguyệt, cửa ải phòng ngự đầu tiên mà triều đình nhà Lý dựng chiến lũy, chặn quân Tống tiến xuống thành Thăng Long.

Khi quân nhà Tống rồng rắn, hùng hổ từ Lạng Sơn kéo xuống, gặp trở ngại khi tới sông Như Nguyệt thì không có cầu dẫn sang. Chúng phải dừng chân bên kia sông đối diện với tuyến phòng thủ của quân dân ta. Một phần vì mệt mỏi vì cuộc hành quân kéo dài hơn mười ngày mới tới bên sông. Một phần chúng chờ cho lực lượng thủy quân đánh từ biển phía Đông tiến vào. Cả hai lực lượng sẽ kết hợp đánh lên bờ chiếm lĩnh con đường dẫn về thành Thăng Long. Đây là lần thứ hai, quân Tống tiến đánh nước ta với âm mưu bắt sống Vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan và Tướng quân Lý Thường Kiệt...

Để nâng cao ý chí chiến đấu, đánh dập mũi tiên phong của quân Tống bên kia bờ sông Như Nguyệt, Tướng quân Lý Thường Kiệt một mặt điều quân đánh chặn tiêu diệt những chiến thuyền quân Tống ngay từ cửa biển, còn một mặt điều 400 chiến thuyền, nửa đêm bí mật vượt sông đánh thẳng vào cụm quân của tướng Quách Quỳ chỉ huy quân Tống. Điểm xuất phát là bến sông ở làng Diềm.

19-26-19_trng_18
Ảnh: Cảnh Linh

Trước khi vượt sông, Tướng quân Lý Thường Kiệt cho người vào đình làng Diềm để lễ cầu chiến thắng. Sau đó, Tướng quân cho ngâm bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” để khích lệ tinh thần binh sĩ trước khi xung trận. Tiếng loa âm vang với những lời hịch hào sảng, tạo nên hùng khí trào dâng trong từng huyết quản của mỗi chiến sĩ. Lời thơ hừng hực khí thế chiến đấu: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành ghi rõ ở sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Bài thơ chỉ có bốn câu, nhưng là tiếng kèn hiệu lệnh linh thiêng của Tổ quốc, tạo nên sức mạnh kỳ lạ. Đêm ấy hai mũi quân vượt sông, tiến đánh như thần chớp tiêu diệt những trại lính trọng yếu của Chủ tướng Quách Quỳ và Phó tướng Triệu Tiết. Quân Tống thế cùng lực kiệt, lần thứ hai thảm bại phải nhận thế chủ động giảng hòa của Lý Thường Kiệt để giữ thể diện rút quân về nước.

Đền đình làng Diềm được coi là một dấu ấn thiêng liêng, là nơi cất lên tiếng ca khải hoàn đầu tiên trong chiến thắng giặc Tống vào một đêm tháng 3/1077. Chính vì thế mà dân gian xưa đã ghi nhận sự vẻ vang của đình làng Diềm trong công cuộc kháng Tống rằng: “Thứ nhất là đình Đông Khang. Thứ nhì đình Bảng. Vẻ vang đình Diềm”. Lễ hội năm nào ở cửa đình cũng căng biển lớn với bốn chữ “Vẻ vang đình Diềm” để nhắc nhớ đến bài thơ của Lý Thường Kiệt đã vang lên từ nơi đây.

Bên cạnh đó, làng Diềm còn có Giếng Ngọc, đền Cùng đã từ lâu dân Kinh Bắc coi là điểm tựa tâm linh cho khắp vùng thiên hạ. Bởi chính đền Cùng bên chân núi Kim Lĩnh là nơi thờ nhị vị công chúa, con Vua Lý Thánh Tông. Đó là hai nàng Tiên Dung và Thủy Tiên, được nhận lệnh đến bảo quản kho quân lương, ở hang núi Kim Lĩnh. Sau đó hai nàng ở lại nơi sơn dã này để phù giúp dân lành xây dựng cơ đồ. Khi hai bà mất tại chân núi Kim Lĩnh, dân làng Diềm nhớ công ơn đã lập đền thờ hai người, ngay tại nền kho quân lương và đặt tên là đền Cùng.

Phía trước mặt đền có một giếng đá, nước chảy ngầm từ núi ra, trong vắt quanh năm. Giếng không bao giờ cạn nước. Dân làng đặt tên là giếng Ngọc, bởi nước ở đây gắn bó với đời sống làng Diềm bao đời nay.

19-26-19_trng_20
Giếng Ngọc

Hiện cho dù đã có nước máy hay giếng đào, nhưng dân làng Diềm vẫn thực hiện những quy ước sinh hoạt mỗi khi dùng nước giếng Ngọc. Đặc biệt vị ngọt mát của nước giếng Ngọc đã là nguồn dinh dưỡng đặc sản tạo nên những giọng hát quan họ làng Diềm nổi danh khắp bàn dân thiên hạ. Thế mới có câu: “Nước trong, nước ngọt làng Diềm. Cho người quan họ nảy, rền vang xa”...
 

Làng quan họ quê tôi

Ngày nay ai cũng biết làng Diềm là đất phát dòng quan họ cổ từ ngàn năm và là nơi duy nhất có đền thờ Vua Bà, Thủy tổ Quan họ ở Kinh Bắc. Vì sao có 49 làng quan họ ở Bắc Ninh cũng xuất phát từ chuyện cổ tích làng Diềm? Xưa, con gái yêu của Vua Hùng thứ 5, tên là Nhữ Nương. Đến tuổi trăng rằm, công chúa không chịu để cho vua cha kén phò mã cho mình mà bỏ đi chu du thiên hạ, như cánh chim phiêu bồng đó đây. Nhữ Nương mang theo 49 tùy tùng nam thanh nữ tú cùng đi.

Thật kỳ lạ, khi vừa mới ra khỏi vương cung, có một cơn gió lớn ùa đến cùng mây đen bao phủ, cuốn cả đoàn bay lên cao rồi ném xuống một vùng đất xa lạ. Một thế giới rừng hoang suối lạnh chứ không phải xứ sở hoa lá chim ca. Sau cơn bàng hoàng vì vòi rồng cuốn mạnh, công chúa ngẫm đó là ý trời nên cùng mọi người ở lại tạo dựng cuộc sống nơi đây. Đó chính là đất làng Diềm.

Chẳng bao lâu, nơi đây trở thành miền đất sơn thủy hữu tình, ruộng vườn cây trái sinh sôi, cuộc sống tràn ngập lời ca tiếng hát. Đó là những bài hát dân gian do công chúa Nhữ Nương viết ra để mọi người lao động hăng say, xây dựng cuộc sống. Sự ra đời của những làn điệu quan họ bắt đầu từ đây.

49 người tùy tùng kết nghĩa anh em, yêu thương nhau như trong một gia đình, cùng luyện tập hát ca. Hàng năm, Nhữ Nương cho mở hội hát giao lưu vào ngày mùng 6 tháng 2, được coi là dịp hát củng cố mối quan hệ anh em và bày tỏ nỗi lòng thầm kín. Vì là anh em kết nghĩa, những người tùy tùng không thể lấy được nhau nên phải tỏa đi, mỗi người một phương, để tạo dựng cuộc sống mới.

Họ đã mang theo những làn điệu của Nhữ Nương công chúa, truyền lại cho những người dân quanh vùng. Mỗi người có cuộc sống gia đình riêng và đều trở thành những ông trùm, bà trùm quan họ của làng. Họ tôn vinh Nhữ Nương công chúa là Vua Bà, Thủy tổ Quan họ cho cả 49 làng quan họ gốc. Dân làng Diềm đã lập đền thờ Vua Bà, không những là Thủy tổ Quan họ mà còn coi là Thành hoàng làng vì có công khai hoang, xây dựng cuộc sống nơi đây.

Làng Diềm nổi tiếng hiện còn giữ được hàng trăm làn điệu quan họ cổ, hát không cần nhạc đệm. Dân làng Diềm thường cho mình vào hội là đi “chơi quan họ”. Các anh hai, chị hai (được gọi là bọn quan họ) đều lấy giọng ca làm trọng, hát mộc mới thể hiện được những nỗi niềm ẩn giấu trong tâm hồn. Nhiều nghệ sĩ hát quan họ nổi tiếng ở Bắc Ninh như Xuân Trường, Thúy Cải, Quý Tráng, Thúy Hường... đều thường về đây để sưu tầm, học hỏi những bài hát cổ để đưa lên sân khấu, với những sáng tạo mới, độc đáo.

19-26-19_trng_21
Lễ hội làng Diềm

Hiện làng Diềm có tới bốn người được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú như Ngô Thị Nhi, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bàn, Ngô Thị Lịch. Riêng cụ Bàn, tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng giọng hát vẫn còn độ ngân vang và rền như một thuở son trẻ ngày nào. Cụ còn thuộc tới vài trăm làn điệu quan họ cổ, tựa như một bảo tàng sống và là niềm tự hào cho quan họ làng Diềm.

Phong trào hát quan họ ở đây ngày một phát triển với những giọng hát trẻ và được tổ chức hát giao lưu thường xuyên. Ai nấy đều ước có dịp được “chơi quan họ” như các cụ mình xưa và đều mong: “Bao giờ cho đến hội Diềm. Cho tình thêm thắm cho duyên thêm nồng”. Chính vì thế, Lễ hội làng Diềm, nơi duy nhất thờ Đức Vua Bà trong số 49 làng quan họ gốc của Bắc Ninh, đã được công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia” vào năm 2016.
 

“Yêu ai thì quyết chớ nghe ai dèm”

Tình cờ, tôi gặp đúng lúc nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bàn tiếp chuyện nhóm sinh viên về làng tìm hiểu những làn điệu cổ quan họ. Mọi người ra đền Vua Bà để hỏi chuyện và đã học hát theo cụ Bàn. Họ hiểu rằng học được những kỹ thuật hát mộc như cụ Bàn đâu có dễ, nên chỉ lắng nghe và nhẩm theo những lời ca vấn vít, nảy hạt, mà chỉ có người trong “bọn quan họ” mới hát được.

Tôi cùng lắng nghe cụ Bàn “chơi”, với điệu Hừ La ngỡ như đã rơi vào quên lãng. Vậy mà những lời hát trở nên thân thuộc day dứt làm sao. Lời ca cất lên làm lòng người xao xuyến: “Hừ là hừ la a la... Em hỡi hà, ơi hội hừ... hời la ứ hừ... Mấy khi vui vẻ thế này. Vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm. Lòng yêu, yêu vụng nhớ thầm... Điếu đổ lăn xe... Yêu ai thì quyết chớ nghe người dèm...”.

Cái gốc của bài ca quan họ cổ là vậy. Lời hát đều thể hiện tình cảm nhớ nhung và đượm buồn. Trai bày tỏ nỗi lòng kín đáo ý nhị. Gái thì đằm thắm nhưng cũng chỉ vừa đủ hẹn hò đến hội lần sau. Lòng người lưu luyến giữ chân nhau, chẳng muốn cho về, nhưng rồi vẫn phải chia xa. Tôi đi trong ánh buồn thấp thoáng vương trên đôi mắt hẹn một nỗi rằng: “Nói ra chẳng sợ bạn cười. Tôi không giăng gió hững hờ gió giăng. Gió đưa giăng, giăng còn đưa gió. Tôi yêu người, người có yêu tôi...”.

19-26-19_trng_19
Biểu diễn quan họ trên thuyền

Nghe sao mà gió sông Cầu bỗng như lặng đi. Con sóng ngừng vỗ. Con thuyền cô đơn bên cây sào. Chiếc nón của cô lái đò nghiêng nghiêng che vạt nắng cuối cùng. Còn tôi cúi xuống bứt một bông hoa cỏ bần thần bên con đê. Lòng chẳng muốn rời xa làng Diềm.

(Kiến thức gia đình số 23)

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

  • Những 'bông hồng' trên mâm pháo
    Phóng sự 08/03/2024 - 06:30

    Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

  • Thu hoạch tiêu, nghề nguy hiểm
    Phóng sự 06/03/2024 - 06:33

    Nghề hái tiêu nhìn bên ngoài có thể dễ dàng nhưng công việc luôn đứng trên thang cao, tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đây được xem là nghề nguy hiểm.

  • Gã họa sĩ lập dị móng tay dài cả mét
    Phóng sự 05/03/2024 - 09:08

    Sau hơn 30 năm nuôi móng tay, ông Huyền không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại là họa sỹ nổi tiếng vùng biển.

  • Độc đáo chuyện học trên đảo Hòn Chuối
    Phóng sự 04/03/2024 - 06:54

    Ngày mới tập làm quen với con chữ, học sinh của 'lớp học tình thương’ trên đảo Hòn Chuối được người thầy mặc áo lính tập trung dạy làm người, hình thành nhân cách…

  • Chuyện ông 'Thìn rồng' ở đền Đô
    Phóng sự 02/03/2024 - 06:00

    Về Từ Sơn, hỏi chuyện 'ông Thìn rồng', đứa trẻ lên 6 cũng tỏ tường bởi ông là người may mắn hai lần ghi được khoảnh khắc đám mây hình rồng trên đỉnh đền Đô.

  • Ngày hội của những chàng trai
    Phóng sự 01/03/2024 - 06:00

    Mới ngày nào, họ còn là những học sinh, sinh viên, hay lao động tự do, nay đã chỉnh tề trong bộ quân phục màu xanh, chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân nhân.

  • Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà
    Phóng sự 26/02/2024 - 10:05

    YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.