| Hotline: 0983.970.780

Sướng như... công nhân cao su

Thứ Ba 09/02/2010 , 08:56 (GMT+7)

Đã hơn một thế kỷ cây cao su đứng chân trên đất Việt . Nếu trước đây người ta ví đồn điền cao su như “địa ngục trần gian” thì ngày nay làm công nhân cao su là mơ ước của không ít nam nữ thanh niên.

Đã hơn một thế kỷ cây cao su đứng chân trên đất Việt . Nếu trước đây người ta ví đồn điền cao su như “địa ngục trần gian” thì ngày nay làm công nhân cao su là mơ ước của không ít nam nữ thanh niên.

Ông Lê Văn Ỷ (79 tuổi), từng là dân công tra thời đồn điền cao su của Pháp, hiện nghỉ hưu tại Dầu Tiếng (Bình Dương) nhớ lại: “Thuở đó, dân công tra tụi tôi hở ra là bị đánh đập, hành hạ. Đàn bà có thai mà cạo mủ phạm lỗi cũng bị bọn cai đào lỗ dưới đất bắt nằm, giơ chân tay lên rồi thi nhau đánh”. Tương tự, ông Trương Văn Hò (75 tuổi), cũng là một công tra nhớ lại, lúc gia đình ông chuẩn bị khăn gói rời miền Trung vào vùng cao su Đông Nam bộ khi cái đói đang hoành hành ở ngoài Bắc, những tay mộ phu toả đi khắp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hoá...rêu rao đi làm cao su sướng lắm. Mỗi tuần được phát gạo một lần, có nhà ở đàng hoàng, hợp đồng làm việc tử tế.

Nhưng chẳng bao lâu đặt chân đến Dầu Tiếng, ông Hò mới thấy được sự thật của “thiên đường cao su” do thực dân Pháp vẽ ra. Một tuần 5kg gạo đỏ trong khi nhà gần 10 miệng ăn. Hàng loạt quy định hà khắc được lập ra để bóc lột, trói chân người lao động. Cha ông Hai Hò cũng như nhiều người khác thường xuyên bị đánh đập trong khi cạo mủ, vì chủ đồn điền quý cây cao su hơn mạng người.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Dừa (Lộc Thuận, Lộc Ninh, Bình Phước). Bà nghỉ hưu từ năm 1997, một trong những gia đình cha truyền con nối làm công nhân cao su. Bà nhớ lại: “Kham khổ nhất là thời gian sau ngày đất nước thống nhất. Lúc đó, chúng tôi đi làm cao su mà phải ăn mì, bo bo, bụng đói cồn cào đến mờ mắt. Thậm chí cách nay hơn 10 năm thôi, tụi tôi đi cạo mủ vẫn còn cực lắm. Tôi phải thức dậy từ 1 giờ sáng, dắt đứa con chừng 10 tuổi đốt đuốc lội bộ băng rừng 5- 6 cây số mới đến vườn cao su. Tôi cạo, thằng bé đốt đuốc soi cho mẹ cạo mủ mà cứ ngủ gà, ngủ gật. Nay thì ai cũng có xe máy cả rồi, đường sá lại mở đến tận lô cao su, công nhân cạo mủ sớm cũng có đèn ắc-quy gắn trước trán mà xài”.

Bà Dừa có 2 con trai, 1 con gái, cả dâu, rể đều là công nhân Cty Cao su Lộc Ninh. Bà bộc bạch thêm: “Mấy đứa cháu tôi học hành xong, hỏi ý kiến ông bà nên học nghề gì. Tôi bảo nếu vô được đại học thì học, còn không cứ làm công nhân cao su, khỏi bon chen đâu cho cực. Làm cao su có nhà cửa, tiện nghi đầy đủ đâu thiếu thứ gì”. Quả thực, nhà bà Dừa có đủ thứ, từ xe máy, tivi, vi tính, tủ lạnh, máy giặt...toàn đồ xịn cả. “Tôi có mấy người bà con ở Sài Gòn nên cũng hay về thăm. Thú thật, so với thành phố, công nhân tụi tôi còn sướng hơn. Mấy người bà con của tôi ở TP đâu sắm nổi máy giặt”.

Đến nhiều gia đình công nhân cao su, chúng tôi nhận thấy tiện nghi sinh hoạt của họ đúng là chẳng hề thua kém các gia đình có mức sống trung bình ở thành phố. Gặp chúng tôi khi vừa lãnh lương về, chị Nguyễn Thị Hữu, công nhân Cty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng khoe: “Suy nghĩ hoài mà chẳng biết phải sắm sửa gì nữa, trong nhà có đủ cả rồi, nhưng chồng em bảo thay cái tivi 21 inch bằng cái tivi màn hình phẳng 32 inch của Samsung giá 7 triệu coi cho sướng. Em thấy cũng được”.

Năm qua, số hộ nghèo thuộc Tập đoàn CNCS Việt Nam chỉ còn 0,65% (406 hộ), giảm 102 hộ so năm trước; số nhà tranh tre chỉ còn 0,59% (357 nhà). Thu nhập bình quân từ kinh tế gia đình của công nhân tại các Cty cao su cao nhất là 80 triệu đồng/hộ/năm và thấp nhất là 9 triệu đồng/hộ/năm. Số hộ nghèo chủ yếu là những hộ mới vào làm công nhân hoặc mới lập gia đình, tách hộ.

Chị Nguyễn Thị Thơm, một công nhân khai thác mủ cho biết, gia đình chị 2 năm gần đây đã sắm đủ những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt. Với tiền thưởng Tết năm nay hơn 10 triệu đồng, chị dự tính sẽ mua thêm cái máy giặt nữa. Đồng nghiệp của chị Thơm là vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Minh đều làm công nhân khai thác, không chỉ có một cơ ngơi khang trang mà còn sở hữu thêm hơn 1ha điều. Tôi hỏi anh với số tiền thưởng Tết thì dự tính sẽ mua những gì? Anh Minh cười khà khà đáp: “Những thứ cần thiết thì tụi này đã sắm những năm trước rồi, còn nay quanh đi quẩn lại chỉ sắm thêm quần áo, giày dép cho mấy đứa nhỏ ăn Tết cùng vài thứ lặt vặt “biếu Tết”. Riêng tiền thưởng Tết thì vợ bảo...mua vàng cất để dành”.

Vợ chồng chị Lê Thị Bích Huyền ở Nông trường Thanh An, tuổi đời chưa chạm đầu ba, nhưng đã trên mười năm tuổi nghề cạo mủ cao su. Chị khoe: “Mỗi người được giao gần 400 gốc cao su. Thu nhập trung bình cũng dăm bảy triệu đồng/tháng. Thời gian cây cao su cho mủ nhiều nhất là vào dịp cuối năm, nếu vườn cây tốt, thu nhập có thể trên 10 triệu đồng/tháng”. Chỉ vào chiếc xe gắn máy cà tàng dựng phía ngoài lô cao su, tôi hỏi: “Nhiều tiền sao vợ chồng không đổi xe mới mà đi cho sướng?”, chị Huyền nhoẻn cười giải thích: “Đấy là xe dùng để đi làm. Nhiều người có hai xe gắn máy lắm, một xe cũ để đi làm vì đi đêm hôm, để ngoài đường có mất cũng không tiếc”.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất