| Hotline: 0983.970.780

Suốt đời ước mơ một nông thôn bừng sáng

Thứ Sáu 07/11/2014 , 08:09 (GMT+7)

Có lẽ, trong các đời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, tôi có nhiều ấn tượng nhất với ông Nguyễn Công Tạn. Đó là con người đầy nhiệt huyết với sản xuất nông nghiệp và với bà con nông dân. 

Ở ông, lúc nào cũng sôi sục những suy nghĩ quanh vấn đề nông nghiệp.

Có lẽ ông là vị Bộ trưởng đưa nhiều nhất các giống vật nuôi và cây trồng từ nước ngoài về Việt Nam. Đi đâu thấy vấn đề gì hay ông đều nghĩ ngay tới đất nước và tìm cách để đưa nó về Việt Nam. Nếu có ai thống kê được, chắc chúng ta sẽ thấy, khó có Bộ trưởng nào làm được nhiều việc như ông.

Ông rất thẳng tính và cương quyết. Đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn. Tuy vậy, ông cũng rất tôn trọng ý kiến của người khác, đặc biệt là ý kiến của các nhà khoa học. Tôi đã nhiều lần “va” với ông. Có những vấn đề tôi chưa nhất trí với cách làm của ông. Ông phản ứng dữ dội. Nhưng sau đó, ông suy nghĩ kỹ và mời tôi tới để tranh luận. Khi đã nhất trí, ông sẵn sàng bỏ qua chuyện cũ để cùng nhau làm việc. Tôi rất thích đức tính thẳng thắn đó. Ông rất ghét những người nói mà không làm. Ông buồn khi có những vị ông đặt nhiều hy vọng nhưng lại không hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Ngay khi đã nghỉ hưu, không phút giây nào ông không lo tới vấn đề nông nghiệp của nước nhà. Ông theo dõi rất sát tình hình sản xuất. Ngày nào ông cũng nghe tin và đọc báo thường xuyên. Rất nhiều hôm, ngay sáng sớm ông đã gọi điện cho tôi để tranh luận về một vấn đề nào đó mà báo chí mới nêu ra. Ông có cách nhìn rất sắc sảo và thường đưa ra các nhận định chính xác. Chúng tôi thường lấy ý kiến của ông làm kim chỉ nam để làm việc. Ông thường nhẩm tính rất nhanh để đưa ra một con số chứng minh cho hiệu quả của một ngành nghề nào đó. Ông đọc nhiều nên kiến thức rất rộng. Tuy nhiên, khi vướng một vấn đề gì, ông thường hỏi chúng tôi - thế hệ chỉ đáng là học trò của ông.

Ông không câu nệ, không gia trưởng và tôn trọng ý kiến của người khác. Khi tôi trình lên ông những cách làm ăn mới, những giống mới mà chúng tôi mới đưa ra, ông rất chăm chú lắng nghe. Sau đó, ông đòi đi thăm ngay.

Ông đã lên Sơn La thăm vùng trồng giống bông mới; tới Bắc Giang thăm anh nông dân nuôi vịt trời; vào Đăk Lăk thăm vườn bơ của Xuân Mười, tới vườn mắc ca xen cà phê ở Lâm Hà; thăm giống cam, giống chanh không hạt ở Đức Trọng…

Ở đâu có gì mới ông đều đến, bất chấp đường sá xa xôi. Ông khen chúng tôi đã có công giúp cho những người nông dân chân đất thành những nhà khoa học. Ông động viên họ và khuyến khích họ tiếp tục vươn lên. Bà con rất cảm động. Họ không ngờ, một ông Phó Thủ tướng mà lại dân dã như vậy…

Có thời ông từng làm Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Một hôm, đang họp ở thành phố thì ông về, quần còn ống cao, ống thấp, mũ cát bê bết bùn. Chủ tịch Trần Vỹ nói nhỏ với tôi: “Anh ấy đi lo lợn tết cho thành phố đấy! Chả có ai chịu khó như anh Tạn…”.

Ở anh Tạn, ta còn thấy lòng ham mê với khoa học kỹ thuật. Anh trực tiếp viết rất nhiều cuốn sách về nông nghiệp. Khi tôi xây dựng bộ sách “100 nghề cho nông dân” với Nhà xuất bản Nông nghiệp, anh nhận ngay việc viết cuốn “Nghề trồng cây mắc ca”. Chỉ 2 tuần sau, anh đã hoàn thành bản thảo và gửi cho chúng tôi. Sách được bà con nông dân rất hoan nghênh. Các vấn đề mới lạ được anh trình bày rất cụ thể và rõ ràng, dân đọc là hiểu ngay. Anh giỏi tiếng Trung Quốc nên khai thác được kho tư liệu khổng lồ của họ. Vì vậy, hiểu biết của anh hơn hẳn nhiều người. Anh nói có cơ sở, có lý luận nên dễ thuyết phục. Anh rất buồn khi có những người thích đao to, búa lớn nhưng óc thì lại rỗng tuyếch. Anh luôn động viên chúng tôi phải khai thác thêm các nguồn thông tin…

Tôi đã đi tháp tùng anh lên Tây Bắc và vào Tây Nguyên để quyết chí xây dựng vùng trồng mắc ca rộng lớn cho đất nước. Anh mơ ước nước mình sẽ trở thành một cường quốc về mắc ca…

Kể sao hết những việc anh đã làm. Bao khát vọng của anh đều hướng tới việc đổi đời cho nông dân. Bước chân anh đã tới mọi ngõ ngách của đất nước. Một nông thôn bừng sáng luôn là ước mơ theo anh trong suốt cuộc đời.

Vĩnh biệt anh, chúng tôi xin tiếp tục sự nghiệp vĩ đại mà anh từng theo đuổi.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.