| Hotline: 0983.970.780

SX chè Ô Long VietGAP

Thứ Năm 24/04/2014 , 10:17 (GMT+7)

Cty TNHH Long Đỉnh (thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã liên kết "4 nhà" xây dựng thành công mô hình liên kết SX chè Ô Long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhằm nâng cao hiệu quả SX, Cty TNHH Long Đỉnh (thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã liên kết "4 nhà" xây dựng thành công mô hình liên kết SX chè Ô Long theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại lợi ích cho cả nông dân và DN.

LIÊN KẾT

Gia đình ông Hoàng Văn Ngân, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Thọ là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết SX chè sạch. Năm 2011 ông quyết định bỏ 1,6 ha cà phê Catimor để trồng chè Ô Long.

Thời gian đầu thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn. Bởi trước đây ông và 6 hộ khác tham gia mô hình chưa từng trồng chè. Hơn nữa cây chè Ô Long còn quá mới mẻ, chưa hiểu cách chăm sóc như thế nào, năng suất ra sao, đâu, giá cả thế nào…

Để giải quyết khó khăn trên, Cty Long Đỉnh đã phối hợp với Phòng NN-PTNT, Hội Nông dân huyện và xã Phúc Thọ thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho nông dân, từ khâu bón phân, sử dụng thuốc BVTV, chăm sóc, thu hái theo tiêu chuẩn VietGAP. Dần dà bà con thay đổi được tập quán canh tác, đều ghi sổ nhật ký SX, ngày giờ bón phân, xịt thuốc, thu hái.

Cán bộ kỹ thuật của Cty thường xuyên kiểm tra, theo dõi. Nếu chè không đạt chất lượng, không đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV thì lập biên bản, không thu mua. Nhờ áp dụng KHKT nên năng suất chè tăng lên rõ rệt. Nhận thấy lợi nhuận từ cây chè Ô Long cao hơn các loại cây trồng khác, số hộ tự nguyện tham gia mô hình ngày càng nhiều.

Ông Hà Ngọc Ảnh, trung tá quân đội về hưu, ngụ thôn Phú Tân, xã Phúc Thọ cho biết, trước đây gia đình ông trồng 1,8 ha cà phê Catimor sau đó chuyển sang trồng chè Ô Long. Nhiều người cho là “ông già gàn dở”, cà phê đang tốt như vậy lại phá đi, trồng loại chè này lại thất bại sớm thôi. Mặc ai nói ngược nói xuôi, ông quyết theo tới cùng.

Ông Ảnh cho biết, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất bình quân đạt từ 25 - 28 tấn, thậm chí đạt 30 tấn chè búp tươi/ha/năm. Hiện nay giá bán chè tươi cho Cty rất ổn định, với giá 22.000 đ/kg chè búp tươi. Nếu so sánh trồng chè Ô Long và cà phê, thì trồng chè hiệu quả hơn gấp 2 - 3 lần. Người dân chỉ cần có đất, Cty và Hội Nông dân hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc...

Khi thu hái có xe của Cty tới chở và trả tiền liền. Hộ nào thực hiện mô hình tốt, Cty thưởng 27 triệu đ/ha/năm (quy ra phân bón vi sinh).

BỀN VỮNG

Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà:

“Xã Phúc Thọ là một trong những vùng đất có tiềm năng, nhiều hồ nước tự nhiên, rất phù hợp cho việc phát triển cây chè. Đặc biệt là khi xây dựng thành công mô hình SX chè Ô Long VietGAP đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận được các tiến bộ KHKT, hình thành tư duy làm ăn mới. Đây là một mô hình liên kết rất hiệu quả, tới đây Hội sẽ phối hợp với các ban ngành tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng”.

Bà Trần Phương Uyên, PGĐ Cty TNHH Long Đỉnh cho biết: Cty vốn là DN nhỏ được thành lập từ năm 2009. Dựa trên mô hình hợp tác 4 nhà, Cty đã ký kết hợp đồng trồng, thu mua, chế biến sản phẩm chè Ô Long để xuất khẩu. Tham gia SX, nông dân được hỗ trợ 100% cây giống (Nhà nước hỗ trợ 60%, Cty 40%). Ngoài ra Cty còn hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, ký kết lâu dài bao tiêu sản phẩm...

Từ 4 ha chè Ô Long ban đầu với 7 hộ tham gia, tính đến nay DN đã mở rộng vùng nguyên liệu lên đến 70 ha. Trong đó có 10 ha chè kinh doanh; 40 ha chè kiến thiết cơ bản; 20 ha trồng mới năm 2014 với 50 hộ tham gia mô hình (35 hộ tại xã Phúc Thọ, còn lại là các hộ ở xã Liên Hà, Hoài Đức, Tân Văn).

Cty đã xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến chè chất lượng cao. Đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại với tổng giá trị trên 8 tỷ đồng, công suất 4 tấn chè búp tươi/ngày. Sản lượng thu hoạch chè búp tươi đạt từ 250 - 300 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Sản phẩm của DN chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan dưới hình thức là chè lên men một phần, chiếm khoảng 80% sản lượng tiêu thụ trong năm. Năm 2013 đã xuất khẩu được 27 tấn chè Ô Long, đầu năm 2014 xuất được 9 tấn.

Bà Uyên chia sẻ, với những cố gắng nỗ lực của 4 nhà, đặc biệt là những hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình, sản phẩm chè Ô  Long đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng 3 chứng nhận SX theo quy trình VietGAP. Sản phẩm chè Ô Long - Long Đỉnh đạt danh hiệu "Thực phẩm Việt - Vì sức khoẻ người Việt năm 2012" và được bình chọn là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2013".

Trong thời gian tới, Cty tiếp tục phối hợp với các ban ngành ở địa phương phát triển vùng nguyên liệu cũng như thị trường xuất khẩu sản phẩm chè Ô Long VietGAP, tạo đầu ra thuận lợi cho nông dân.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.