| Hotline: 0983.970.780

SX lúa "1 phải, 6 giảm"

Thứ Sáu 07/03/2014 , 08:00 (GMT+7)

Để góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, từ năm 2013, ngành nông nghiệp bắt đầu định hướng SX lúa theo phương pháp mới “1 phải, 6 giảm”.

Mấy năm qua, việc SX lúa theo tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” đang dần trở nên quen thuộc ở ĐBSCL. Để góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, từ năm 2013, ngành nông nghiệp bắt đầu định hướng SX lúa theo phương pháp mới “1 phải, 6 giảm”.

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để thực hiện tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính, phải thực hiện 3 nội dung. Trước hết là giảm hiệu ứng nhà kính trong SX lúa bằng cách không đốt rơm rạ trên đồng ruộng như hiện nay. Bởi riêng ở ĐBSCL, mỗi năm ước chừng có 17 triệu tấn rơm rạ tươi. Nếu số rơm rạ ấy chủ yếu vẫn bị đốt sẽ thải ra một lượng khí CO2 khá lớn.

Thứ hai là bón phân cân đối để giảm lượng khí N2O phát thải vào không khí. Thứ ba là không sử dụng nhiều nước trong SX lúa vì dùng nhiều nước sẽ làm phóng thích khí metal CH4 trên đồng ruộng.

Trong 3 nội dung nói trên, thì 2 nội dung bón phân cân đối và không sử dụng nhiều nước trùng với 2 tiêu chí giảm phân bón và giảm lượng nước tưới trong SX lúa. Vì thế, để thực hiện tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính, cần tập trung đẩy mạnh vấn đề không đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng.

Theo ước tính của ông Phạm Văn Dư, 17 triệu tấn rơm tươi, khi phơi khô sẽ còn khoảng 10 triệu tấn rơm khô. Nếu chuyển được hết chỗ rơm này sang trồng nấm, sẽ được sản lượng nấm khá lớn. Bởi với 100 kg rơm, có thể SX được khoảng 10 kg nấm rơm. 10 triệu tấn rơm khô nếu đem trồng nấm hết có thể được khoảng 1 triệu tấn nấm rơm. Người tiêu dùng VN đang sử dụng nấm ngày càng nhiều trong bữa ăn hàng ngày, mà phần lớn là nấm nhập lậu từ Trung Quốc.

Mặt khác, nấm đã được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia và định hướng của nước ta là phát triển mạnh nghề trồng nấm để đạt mục tiêu XK 1 tỷ USD vào năm 2020. Do đó, sử dụng lượng rơm rạ khổng lồ ở ĐBSCL vào việc trồng nấm là một giải pháp đúng đắn, vừa góp phần quan trọng trong việc phát triển nghề trồng nấm cả nước, vừa làm giảm mạnh phát thải khí CO2 khi mà rơm rạ không còn bị đốt bỏ bừa bãi.

Sau khi trồng nấm, chỗ rơm rạ đó có thể dùng để chế biến phân bón hữu cơ. Ngoài ra, còn có thể sử dụng rơm rạ vào các lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng. Vì thế, nếu biết tận dụng rơm rạ vào trồng nấm, làm phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng… còn góp phần làm gia tăng giá trị cho SX lúa ở nước ta.

Trong năm 2013, mô hình “1 phải, 6 giảm” đã bắt đầu được thực nghiệm ở một số địa phương thuộc ĐBSCL. Tại xã Thạnh Nhựt (Gò Công Tây, Tiền Giang) có 6 hộ nông dân đã đồng ý tham gia mô hình này.

Kết quả cho thấy, nhờ lượng nước trên ruộng được điều tiết phù hợp (lúc ướt, lúc khô) với từng quá trình sinh trưởng của cây lúa, mà lượng phát thải khí nhà kính trên các ruộng tham gia mô hình đã giảm 20 - 30% so với những ruộng đối chứng luôn để ngập nước trong suốt cả vụ. Chi phí SX lúa ở các ruộng tham gia mô hình cũng giảm mạnh so với những ruộng SX bình thường vì đã giảm đáng kể lượng hạt giống, phân bón, thuốc BVTV, lượng nước tưới (giảm trên 1.000 m3/ha)…

Theo ông Phạm Văn Dư, hưởng ứng “1 phải, 6 giảm”, vừa qua Sở NN-PTNT Cần Thơ cũng đã thử nghiệm mô hình sử dụng rơm để SX nấm. Kết quả cho thấy khi sử dụng lượng rơm thu gom trên 3 ha lúa, trong vòng 20 ngày dùng để trồng nấm, đã thu được lợi nhuận trên 20 triệu đồng.

Tính ra, với mỗi ha lúa sau khi thu hoạch, nếu thu gom toàn bộ rơm rạ để trồng nấm, nông dân có thể thu lời thêm khoảng 7 triệu đồng. Một khoản lợi nhuận rất ấn tượng, nhất là khi so sánh với việc đốt bỏ rơm rạ vốn gây ô nhiễm môi trường mà nông dân chẳng thu thêm được đồng nào.

 

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.