| Hotline: 0983.970.780

Tả tơi vụ mùa, sản xuất các tỉnh vùng ĐBSH thiệt hại nặng nề

Thứ Hai 16/10/2017 , 09:05 (GMT+7)

Dịch bệnh hoành hành chưa ngớt, mưa lũ đã lại dập vùi. Chưa năm nào, SX vụ mùa ở các tỉnh vùng ĐBSH lại khốn đốn và thiệt hại nặng nề như năm nay.

18-03-10_nh3
Hàng trăm ha lúa vụ mùa tại phía Bắc bị nhấn chìm

Tới ngày 15/10, mưa đã ngừng, nắng đã hửng. Lũ trên sông Hoàng Long đã rút nhẹ xuống còn ở mức báo động 3. Nhưng nhiều nơi tại rốn lũ tỉnh Ninh Bình ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh... nước vẫn mênh mông. Lúa vụ mùa sắp tới kỳ thu hoạch chỉ còn lơ phơ lá. Nông dân còn nước còn tát, ngụp lặn giữa biển nước cao tới ngang ngực với hi họng vớt vát được cân thóc nào tốt cân đó.

Dầm nước lũ ướt sũng người cả buổi “cứu lúa”, chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) mặt mày phờ phạc, kể như mếu: "Ở cái vùng chiêm trũng này, miệng ăn cả gia đình trông hết vào hơn 1 mẫu lúa. Nước dâng khắp nơi, nhà nào cũng lo chạy lũ nên chẳng biết thuê người đâu ra để cứu lúa. Hơn một mẫu lúa bị ngâm nước mấy ngày, mọc mầm quá nửa rồi, có gặt lên gạo cũng chẳng ăn được nữa, chỉ để chăn lợn thôi”.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết, cả xã có hơn 600ha lúa mùa, mới chỉ gặt chạy lũ được 268ha. Số còn lại 340ha, trong đó có 166ha bị ngập nặng. Ngoài lúa, hơn 50ha rau màu các loại cũng đã chìm sâu trong nước.

Riêng Gia Viễn, mưa lũ đã làm cho 1.700ha lúa bị ngập úng, hơn 200ha đã cầm chắc mất trắng; 153ha rau màu ngập úng; 520ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng... và thiệt hại sẽ còn tăng hơn nữa. UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh này đã có hơn 4.000ha thủy sản bị tràn bờ, gần 15.000ha lúa bị mất trắng.

Nằm ở cửa hệ thống sông Hồng nên cho tới ngày hôm qua, Nam Định vẫn còn ngụp lặn sâu trong nước do lũ sông Hồng vẫn dồn về. Chưa năm nào, SX vụ mùa của tỉnh này lại trầy trật như năm nay. Đầu vụ, mưa xối xả do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã khiến hơn 9.000ha lúa vụ mùa phải gieo đi, cấy lại 2 - 3 lần.

Tại Hưng Yên, nhiều diện tích lúa đang chờ thu hoạch chìm trong nước

Tới đầu tháng 8/2017, trong khi nhiều tỉnh khác lúa đã đẻ nhánh phân hóa đòng thì Nam Định vẫn còn lúi húi cấy lại lúa. Tới khi cây lúa mới lên xanh, dịch lùn sọc đen tái bùng phát. Chưa kịp hoàn hồn, đợt mưa lũ vừa qua đã lại giáng đòn chí mạng, “thanh toán” nốt những thành quả cuối cùng.

Bì bõm mò mẫm những cọng lúa phấp phơ, ông Bùi Văn Đê (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) khổ sở cho biết: Khác với nhiều vùng, nước lũ lên nhanh rút nhanh, những vùng trũng ven cửa sông như Trực Chính hơn một tuần nay nông dân bất lực nhìn lúa sắp thu hoạch mênh mông trong biển nước mà không thể có cách nào tiêu thoát do nước ngoài sông cao hơn cả trong đồng. Hơn 6 sào lúa Bắc thơm 7 nhà ông chẳng biết thu được mấy hột thóc.

Ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, khoảng 8.500ha bị ngã rạp và mất trắng. Trong vài ngày qua, nông dân toàn tỉnh đã tập trung gặt chạy lũ, tuy nhiên tính đến hôm qua (15/10), toàn tỉnh vẫn còn khoảng 42.000 - 43.000ha lúa chưa thể thu hoạch do vẫn ngập sâu, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao. Bên cạnh đó, nước lũ dâng cao cũng đã khiến khoảng 25.000ha ao đầm thủy sản bị xóa sổ hoàn toàn. 

“Vụ mùa năm nay của tỉnh xem như chẳng còn gì. Năng suất, sản lượng lúa toàn tỉnh nếu cộng cả thiệt hại do dịch bệnh và ngập lụt, ước tính cầm chắc giảm 40 - 45%”, ông Điền buồn bã.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.