| Hotline: 0983.970.780

Tái canh vườn cà phê già cỗi

Thứ Ba 12/10/2010 , 12:22 (GMT+7)

Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi cho hiệu quả thấp của các tỉnh Tây Nguyên cần phải thanh lý lên đến hàng trăm ngàn ha.

Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi cho hiệu quả thấp của các tỉnh Tây Nguyên cần phải thanh lý lên đến hàng trăm ngàn ha. Tuy nhiên, để tái canh những diện tích cà phê bị “lão hoá” này có hiệu quả thì yêu cầu phải tuân thủ quy trình kỹ thuật được đặt lên hàng đầu.

Trong những năm qua ngành cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng. Nếu như năm 1980, cả nước chỉ có 22,5 ngàn ha, năng suất bình quân 0,78 tấn/ha với sản lượng khoảng 8,4 ngàn tấn thì đến năm 1990, diện tích đã tăng lên đến 119 ngàn ha, năng suất đạt 1,4 tấn/ha và sản lượng 92 ngàn tấn và hiện nay cả nước đã có trên 525 ngàn ha, trong đó trên 90% diện tích cà phê tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên với năng suất bình quân 1,8-2,0 tấn/ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

Cây cà phê đã góp phần phát triển KT- XH, ổn định an ninh trật tự cho khu vực này đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước có sản lượng cà phê XK xếp hàng thứ hai trên thế giới và đứng thứ nhất về XK cà phê vối, với kim ngạch XK đạt gần 2 tỷ USD/năm, cà phê là mặt hàng có giá trị XK đứng thứ hai trong các mặt hàng nông sản, chỉ sau lúa gạo.

Sự phát triển nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển KT- XH của khu vực Tây Nguyên và người trồng cà phê. Tuy nhiên, TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Thực tế phát triển cây cà phê ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề, đó là sự phát triển không theo quy hoạch và không kiểm soát được dẫn đến sự suy giảm nguồn nước, gia tăng nạn phá rừng tác động xấu đến môi trường.

Đặc biệt, diện tích cà phê già cỗi (cây có độ tuổi trên 20 năm) sinh trưởng kém, năng suất thấp (dưới 1,5 tấn/ha) và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo chiếm tỷ lệ rất cao, ước tính hiện nay các tỉnh Tây Nguyên có trên 100 ngàn ha, chính những yếu tố này đe doạ trực tiếp đến sự ổn định bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Để thay thế các vườn cà phê già cỗi không có cách nào khác là chúng ta phải tiến hành tái canh.

Tuy nhiên, vấn đề tái canh cà phê lại gặp phải nhiều trở ngại cần được tập trung giải quyết. Theo ông Báu, nhiều nơi trồng lại cà phê trên các diện tích cà phê bị vàng lá phải thanh lý đã thất bại. Chỉ sau khi trồng 2-3 năm, nhiều diện tích cà phê tái canh tại tỉnh Đăk Lăk tiếp tục bị vàng lá trở lại và phải thanh lý tiếp như Công ty Cà phê Chư Quynh, Buôn Hồ, Krông Ana, Thắng Lợi…

Đối với các diện tích cà phê già cỗi sau 20-30 năm khai thác tuy không có triệu chứng bị bệnh vàng lá rõ rệt nhưng khi phá bỏ để trồng lại chu kỳ mới thì cây cà phê trồng được 2 – 3 năm lại có hiện tượng vàng lá, rễ cọc, rễ tơ bị thối khiến cho cây phát triển kém và có thể chết. Hiện tượng này đặc biệt nghiêm trọng ở các diện tích nhổ cà phê lên và trồng lại ngay, không qua luân canh, cày bừa thu gom và loại bỏ rễ cũ của cây cà phê.

Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Một số diện tích cà phê già cỗi được trồng ở những địa điểm không thuận lợi như thiếu nguồn nước tưới trong mùa khô, tầng đất canh tác mỏng, độ dốc lớn khiến cho việc tiếp tục canh tác cây cà phê hoặc tái canh kém hiệu quả. Vì vậy những diện tích cà phê già cỗi cần được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác kinh tế hơn như cao su, ca cao và cây Macadamia.
Trước thực trạng này, trong những năm qua Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Hội chứng vàng lá cà phê và biện pháp phòng trừ”; “Các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong tái canh cà phê vối ở Tây Nguyên”. Kết quả cho thấy có đến 34 loài tuyến trùng gây hại cà phê, trong đó loài Pratylenchus coffeae phổ biến nhất và hai loài nấm Fusarium solani và Fusarium oxysporum là tác nhân chính trong việc gây nên hội chứng vàng lá thối rễ trên cà phê kinh doanh cũng như cà phê kiến thiết cơ bản tái canh trên đất cũ.

Theo ông Báu, tại Tây Nguyên đã có một số mô hình tái canh thành công khi áp dụng triệt để quy trình khai hoang, thu gom rễ và luân canh từ 2 - 4 năm sau đó mới trồng cà phê lại. Những diện tích cà phê tái canh này đều sinh trưởng, phát triển bình thường cho năng suất bình quân từ 2,5-3 tấn nhân/ha.

Từ những kết quả này, để tái canh vườn cây cà phê có hiệu quả, theo ông Báu cần phải thực hiện đồng bộ hệ thống biện pháp tổng hợp từ việc tạo cây giống sạch bệnh đến việc tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng, trong đó các giải pháp kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt như khai hoang, rà và thu gom toàn bộ rễ cây cà phê cũ nhằm loại bỏ nguồn dịch hại trên đồng ruộng và khi phá bỏ vườn cây đã bị “lão hoá” thì phải luân canh từ 2 – 4 năm và không được trồng các loại cây ký chủ của tuyến trùng mà nên trồng những loại cây như đậu, đỗ, ngô, bông vải…

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm