| Hotline: 0983.970.780

Tái cấu trúc ngành chăn nuôi

Thứ Năm 29/11/2012 , 09:50 (GMT+7)

Nhìn lại hơn 25 năm đổi mới, chăn nuôi nước ta đã có những bước chuyển tích cực về cơ cấu. Trong thời gian qua tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn...

Nhìn lại hơn 25 năm đổi mới, chăn nuôi nước ta đã có những bước chuyển tích cực về cơ cấu. Trong thời gian qua tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng ngành chăn nuôi vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn...

So với thế giới, sản lượng thịt/đầu người của chúng ta mới đạt 31,5 kg trong khi đó trung bình thế giới đạt 41,9 kg; Trung Quốc 53 kg, Thái Lan 40 kg, Mỹ 120 kg. Số lượng trứng/người năm 2011 ở nước ta là 83 quả, bằng ½ thế giới (171 quả). Sữa là 3,97 kg, thế giới 103,9 kg/người, các nước phát triển đạt tới 249,6 kg/người. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý giữa thịt lợn, thịt gia cầm, thịt bò. Đối với thế giới thịt lợn chiếm 40 - 41%; thịt bò 25 - 28%; thịt gia cầm 30 - 32%. Trong khi đó, ở Việt Nam thịt lợn chiếm tới 75 - 78%, thịt bò chỉ có 4 - 5% và thịt gia cầm mới có 16 - 17%. Hàng năm nước ta vẫn phải nhập gần 100 ngàn tấn thịt, chiếm 3 - 4% nhu cầu.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm soát chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi trang trại tăng nhanh nhưng không bền vững, chưa có chiến lược quy hoạch chăn nuôi theo giống vật nuôi và theo vùng sinh thái. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra, luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát như cúm gia cầm H5N1, LMLM, dịch tai xanh với tần suất xuất hiện có xu hướng ngày một ngắn lại, mỗi lần công bố dịch làm thị trường chao đảo, giá có lúc tụt xuống rất thấp có lúc nâng lên rất cao gây những cú sốc nặng cho người sản xuất kinh doanh. Kiểm soát xử lý môi trường chưa thường xuyên nên ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, chất lượng sản phẩm và sức khỏe cộng đồng. Năng suất, hiệu quả chăn nuôi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh kém.


Quá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là yếu tố cần tái cấu trúc

Các chỉ tiêu quan trọng của giống vật nuôi nước ta như khả năng sinh sản, sinh trưởng chỉ bằng 85 - 90% thế giới, chi phí cho một đơn vị sản phẩm cao hơn các nước 1,15 - 1,25 lần. Tốc độ tăng đầu con gia súc, gia cầm kéo theo sự nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, con giống, thuốc thú y làm tăng giá thành sản phẩm cao hơn các nước trong khu vực, từ đó làm mất sức cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Năm 2006, nhập 3,2 triệu tấn nguyên liệu thức ăn, đến năm 2010 lượng nguyên liệu phải nhập lên tới 7,8 triệu tấn.

Đầu tư cho khoa học công nghệ chưa thỏa đáng, con giống thường xuyên phải nhập, chỉ riêng giống gà bố mẹ cả hướng trứng và hướng thịt hàng năm nước ta phải nhập trên 2 triệu con với số tiền từ 190 - 390 tỷ đồng, chưa kể số lượng nhập lậu qua biên giới. Hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi còn nhiều bất cập, thiếu hệ thống, năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế, thủ tục hành chính còn chồng chéo phức tạp. Trong nhiều năm qua, giết mổ và chế biến gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên được báo động nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Quản lý thị trường yếu kém, hàng nhập lậu tràn lan ảnh hưởng lớn tới phát triển chăn nuôi trong nước làm giảm hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực này.

Vốn đầu tư cho chăn nuôi hạn hẹp, lãi suất cao, khó tiếp cận, cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển chăn nuôi chưa được thông thoáng, chưa tạo môi trường thuận lợi, chưa có ưu đãi cần thiết cho các nhà đầu tư. Công tác dự báo không được chú ý trong thời gian dài.

Định hướng tái cấu trúc

Trước những khó khăn trên, để đạt được những mục tiêu trong chiến lược đến năm 2020, tất yếu khách quan chúng ta phải tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi.

Sự phát triển chăn nuôi đang là nhân tố quan trọng, quyết định chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Việc phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính là quá trình đưa hoạt động chăn nuôi vượt ra khỏi vị trí là hoạt động kinh tế phụ gia đình. Việc phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa có quy mô và tỷ suất cao xét cho cùng là hình thành một ngành công nghiệp đặc thù. Phát triển chăn nuôi mang tính công nghiệp càng cần có những cơ sở và điều kiện thích ứng. Trong thời gian qua do thiếu những cơ sở và điều kiện thích ứng, chăn nuôi đã phát triển nhưng chưa thể trở thành ngành công nghiệp đặc thù.


Cần giải pháp thúc đẩy chăn nuôi tập trung

Chuyển đổi mô hình phát triển chăn nuôi chủ yếu từ tăng quy mô sang vừa tăng quy mô vừa nâng cao chất lượng hiệu quả theo chuỗi sản phẩm giá thành thấp có khả năng cạnh tranh. Tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế so sánh từng vùng gắn với thị trường, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Cần có cơ chế hỗ trợ mạnh hơn nữa, chuyển dịch nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học tạo nguyên liệu sản xuất chế biến an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP, giá thành hạ, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Chăn nuôi nhỏ lẻ phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Giải pháp tái cấu trúc

Những thành tựu to lớn trong di truyền giống vật nuôi, thức ăn dinh dưỡng, thú y phòng bệnh, trang thiết bị đồng bộ hiện đại đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển đáp ứng nhu cầu thịt, trứng, sữa với dân số gần 6,7 tỷ người trên hành tinh. Vì thế, trong thời gian tới cần đầu tư thỏa đáng để triển khai đồng bộ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng và nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ sinh học, tin sinh học vào nghiên cứu chọn tạo được những dòng, giống vật nuôi có năng suất chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi trang trại công nghiệp, tạo một số giống vật nuôi phù hợp với các vùng sinh thái đáp ứng chăn nuôi trang trại, gia trại có sản phẩm chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu dinh dưỡng và các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi để tạo cuộc cách mạng về năng suất chất lượng chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi, giết mổ, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm. Đổi mới nhanh, mạnh mẽ tổ chức nghiên cứu chăn nuôi. Thành lập một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở các vùng miền. Triển khai triệt để cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp, trang trại, gia trại đổi mới ứng dụng công nghệ, thiết bị đồng bộ hiện đại trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Áp dụng nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn GMP, HACCP, VietGAP trong sản. Hàng năm đánh giá xếp loại các đơn vị nghiên cứu từ đó làm căn cứ để giao các đề tài, dự án khoa học.

Hoàn thiện chương trình khuyến nông chăn nuôi, xây dựng được những mô hình điển hình về an toàn sinh học, con giống năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, xử lý ô nhiễm môi trường có sức thuyết phục và sự lan tỏa trong sản xuất. Triển khai nhanh hệ thống khảo kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp trong nước cần sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm, chế tạo thiết bị chăn nuôi, bảo quản thực phẩm. Với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cần rà soát điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, kiểm soát trình độ công nghệ, thiết bị ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi. Cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng trong giải quyết thủ tục đầu tư.

Tăng cường năng lực cho ngành thú y, thực sự coi thú y là biện pháp hàng đầu trong chăn nuôi, hoàn thiện cơ sơ vật chất, trang thiết bị đặc biệt các phòng thí nghiệm có trình độ khu vực và quốc tế.

Hiện nay con giống giả, giống chất lượng kém, giống nhập lậu không rõ nguồn gốc chiếm tỷ lệ không nhỏ trong sản xuất, để chăn nuôi có hiệu quả cao cần rà soát, cấp chứng chỉ cho các cơ sở sản xuất giống đảm bảo các tiêu chí theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.

Thời gian qua đầu tư vào chăn nuôi đã ít lại phân tán, manh mún, trong giai đoạn tới cần bố trí đủ vốn cho chương trình giống vật nuôi tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại công nghiệp, giết mổ, chế biến tập trung, Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp.

(*): Tác giả hiện là  Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội

+ Năm 1990 số lượng đàn bò 3.116.900 con, lợn 12.260.000 con, gia cầm 107.467.000 con. Tổng sản phẩm thịt đạt 1,007 triệu tấn (trong đó thịt lợn 792.000 tấn, thịt gia cầm 167.000 tấn, thịt trâu bò 111.900 tấn); trứng 1,9 tỷ quả; sữa 9.330 tấn.

Đến năm 2010 số lượng đàn bò tăng lên 5.916.000 con, lợn 27.375.000 con, gia cầm 300.500.000 con. Năm 2011 đàn bò 5.635.000 con, lợn 27.550.000 con, gia cầm 322.600.000 con. Sản phẩm thịt đạt 4,3 triệu tấn; 7,2 tỷ quả trứng và 345.400 tấn sữa.

Giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 11 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng 6 - 8%/năm trong khi đó trên thế giới gia tăng bình quân chỉ đạt 1%/năm. 

 

 

+ Ô nhiễm đất, nước, không khí do chăn nuôi gây ra đang là vấn đề nhức nhối, các chỉ tiêu đánh giá môi trường không khí, nước thải và đất xung quanh chuồng nuôi như NH3, nitơ tổng số, phốt pho tổng số, vi sinh vật, coliform cao hơn mức cho phép từ 11 dến 630 lần. Để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững cần thẩm định chặt chẽ, đánh giá tác động môi trường, giải pháp công nghệ xử lý môi trường. Nhà nước cần thường xuyên thanh tra kiểm tra đánh giá tác động môi trường trong chăn nuôi.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất