| Hotline: 0983.970.780

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp Đồng Tháp

Thứ Hai 04/03/2013 , 10:16 (GMT+7)

Chuỗi ngành hàng lúa gạo, cá tra, trái cây và hoa kiểng là những đối tượng thuộc Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đưa ra.

Chuỗi ngành hàng lúa gạo, cá tra, trái cây và hoa kiểng là những đối tượng thuộc Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đưa ra, đang là vấn đề thời sự, trong đó lúa gạo là ngành hàng quan trọng nhất.

Xây dựng lộ trình, hướng đi thích hợp, tạo được sự đột phá mới, đề xuất các chính sách quan trọng, hỗ trợ cho các thành phần tham gia chuỗi để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh. NNVN có cuộc trao đổi ông Nguyễn Văn Dương (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - người đã gắn bó gần 30 năm trong ngành nông nghiệp Đồng Tháp về vấn đề này.

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp, một chủ đề rất mới ở Đồng Tháp. Xin ông nói rõ thêm về vấn đề này và tại sao tỉnh phải thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp?

Có 3 lý do chính thúc đẩy tỉnh Đồng Tháp thực hiện việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp:

- Thứ nhất, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, có tác động rất lớn đến tăng trưởng các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, là nguồn thu nhập chính của gần 70% hộ dân trong tỉnh nhưng trong thời gian qua tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chậm dần, năng suất lao động xã hội của ngành nông nghiệp tăng chậm so với các ngành khác.

- Thứ hai, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua chủ yếu dựa tăng trưởng theo chiều rộng. Hàm lượng KH-CN trong nông sản còn thấp, phần lớn nông sản XK ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. SXNN quy mô nhỏ, manh mún (hơn 80% hộ nông dân có quy mô canh tác nhỏ hơn 1 ha). Việc quản lý chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình SX theo tiêu chuẩn GAP gặp nhiều khó khăn.

- Thứ ba, liên kết SXNN phát triển chậm, sự phân bổ lợi nhuận và tỷ lệ rủi ro không cân xứng giữa các thành phần trong chuỗi giá trị ngành hàng nông thủy sản, trong đó DN và các thành phần trung gian hưởng lợi nhiều hơn, chịu rủi ro ít hơn so với người SX.

Tình trạng khó khăn, bất cập của nông nghiệp Đồng Tháp cũng là tình trạng chung nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Thực trạng đó yêu cầu cấp thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng cho ngành nông nghiệp nhằm vượt qua những giới hạn của mô hình tăng trưởng, phát huy tối đa những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, con người của tỉnh, khắc phục những thách thức từ những biến động kinh tế, môi trường toàn cầu, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo sự phát triển bền vững, hiệu quả.

Có 5 lĩnh vực chính được thực hiện trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh là: Tái cấu trúc ngành hàng, tái cấu trúc địa bàn, tái cấu trúc tổ chức, thể chế, tái cấu trúc tài nguyên và động lực và tái cơ cấu thị trường.

Bên cạnh đó có 5 nội dung được nghiên cứu trong Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp là: Đánh giá thực trạng NN-NT Đồng Tháp giai đoạn 2000 - 2012. Đánh giá chính sách phát triển KT-XH và phát triển NN-NT Đồng Tháp. Định hướng phát triển NN-NT Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Xây dựng hệ thống các giải pháp phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp. Xây dựng các mô hình thí điểm cánh đồng liên kết lúa gạo và chuỗi ngành hàng xoài, chuỗi ngành hàng hoa kiểng.


Xoài Cao Lãnh, sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp

Vậy trong năm 2012, tỉnh đã xúc tiến những công việc gì để chuẩn bị triển khai mô hình thí điểm liên kết tiêu thụ lúa gạo trong năm 2013, thưa ông?

Để hỗ trợ cho chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1134/QĐ-UBND.HC ngày 16/12/2011 phê duyệt Dự án mô hình thí điểm DN - HTX - Nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 13/QĐ-UBND.TL ngày 7/12/2012 về việc thành lập Ban điều hành dự án tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giao GĐ Sở Công thương là Trưởng ban điều hành dự án.

Vụ ĐX 2011 - 2012 đã xây dựng hợp đồng liên kết đầu tư phân bón, thuốc BVTV phục vụ SX và tiêu thụ lúa. Nhưng khi thực hiện, do quá trình chuẩn bị thực hiện của DN và nông dân chưa chặt chẽ nên hợp đồng tiêu thụ lúa không thực hiện được. Cty chỉ thu mua được 68 tấn lúa hàng hóa, phần còn lại nông dân bán cho DN khác hoặc thương lái.

Vụ HT 2012, Ban điều hành dự án nhanh chóng chuyển đổi qua Cty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà đã đạt được những kết quả tích cực. Các bước ký kết hợp đồng được thực hiện chặt chẽ, cụ thể được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa DN, HTX và nông dân; việc triển khai hợp đồng được các bên thực hiện khoa học, nhịp nhàng, đồng bộ trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích. Kết quả thu mua đạt 100% theo hợp đồng đã ký.

Trong thời gian qua, Sở NN- PTNT và các huyện thị, thành trong tỉnh đã xây dựng mô hình cánh đồng hiện đại, CĐML (sau này là cánh đồng liên kết) gắn kết với tiêu thụ. Năm 2012, diện tích SX theo mô hình cánh đồng liên kết là 17.127 ha (tăng 14.737 ha so với năm 2011), bằng 3,51% diện tích xuống giống của tỉnh (vụ ĐX 4.749 ha, vụ HT 6.600 ha, vụ TĐ 5.778 ha); sản lượng lúa mô hình ước đạt 110.734 tấn, bằng 3,6% sản lượng lúa thu hoạch cả tỉnh.

Về liên kết tiêu thụ lúa, các Cty lương thực đã thu mua gần 30 ngàn tấn lúa hàng hóa của cánh đồng liên kết, số còn lại nông dân tự tiêu thụ. Như vậy việc thực hiện chính sách bao tiêu sản phẩm trên các cánh đồng liên kết đã có bước tiến bộ đáng kể nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở NN-PTNT cùng với Sở Công thương huy động các DN kinh doanh lúa gạo trong và ngoài tỉnh tham gia thu mua lúa của nông dân.

Về liên kết đầu tư đầu vào, Cty CP BVTV An Giang thực hiện chương trình "Cùng nông dân ra đồng" và cung ứng vật tư trực tiếp đến nông dân.

Xin ông cho biết những khó khăn trong thực hiện chuỗi giá trị SX lúa gạo trong tỉnh hiện nay?

Trở ngại chính trong thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (ngày 24/2/2002) của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thu mua nông sản hàng hóa theo hợp đồng là: Hệ thống dịch vụ cung ứng các loại vật tư đầu vào đến tay nông dân qua quá nhiều trung gian. Tình trạng mua chịu ở các cửa hàng vật tư rất phổ biến nên khó kiểm soát giá bán lẫn chất lượng vật tư.

Nông dân bán lúa tươi tại đồng và DN không đủ lực lượng xuống thu mua trực tiếp. Năng lực sấy của cả phía HTX và DN đều không đáp ứng được quy trình xuống giống đồng loạt theo lịch né rầy và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. DN và nông dân chưa đánh giá tìm ra lợi ích chung khi tham gia liên kết. DN không đủ năng lực thu mua, thiếu người, phương tiện vận chuyển, lò sấy, kho và vốn...


Kiểm tra xây dựng NTM ở Đồng Tháp

Giải pháp nào khắc phục những khó khăn trên, thưa ông?

Về phía nhà nông, do mua các vật tư như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh phải qua nhiều trung gian. Do đó cần mở rộng “mô hình cánh đồng liên kết” của ngành nông nghiệp, “mô hình liên kết DN - HTX - nông dân về tiêu thụ lúa gạo và vật tư nông nghiệp”; Tăng cường phổ biến quy trình kỹ thuật SX tiên tiến cho nông dân, phổ biến kịp thời các loại giống mới đạt năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao.

Thực hiện giao kết hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng các điều khoản, quy định trách nhiệm của các bên; dự đoán các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết; trong quá trình thực hiện hợp đồng phải có sự phối hợp thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần chia sẻ hài hòa lợi ích và cùng gánh chịu các rủi ro nếu có.

Vai trò của Nhà nước là tạo cơ chế thông thoáng thúc đẩy nhà nông và DN gắn kết bằng chính sách, cơ chế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phổ biến các kiến thức về pháp luật, thương thảo và ký kết hợp đồng, làm trung gian hòa giải là hết sức quan trọng. Tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan phân công các thành viên nghiên cứu sâu từng lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách để hoàn thiện đề án.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.