| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu gắn với thị trường

Thứ Ba 08/04/2014 , 10:25 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang khi trao đổi với NNVN về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà địa phương đang triển khai.

Ông Nhịn cho biết: Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất rộng với tổng diện tích đất tự nhiên là 634.627ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 575.000 ha, riêng đất lúa là 354.000 ha. Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho tỉnh nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển như kinh tế nông, lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông, thủy sản và dịch vụ. Trong đó, có 2 lĩnh vực mà Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước nhiều năm qua là sản lượng lúa và khai thác thủy hải sản.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Kiên Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức như phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực, điệp khúc được mùa mất giá, hàng nông sản làm ra khó tiêu thụ… Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống bà con nông dân.

16-58-03_1-ong-mi-nh-nhin-gd-so-nn-ptnt-kien-ging
Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào trọng tâm, tỉnh đã chọn cây, con gì là chủ lực nhằm tạo hướng đột phá?

Tái cơ cấu không phải phá bỏ cái cũ, làm lại cái mới mà là quy hoạch lại, định hướng phát triển sao cho đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày càng tốt hơn. Dù có tái cơ cấu theo hướng nào, chọn sản phẩm nào làm chủ lực đi chăng nữa thì cũng phải gắn với nhu cầu thị trường.

 Không phải đến bây giờ chúng tôi mới bàn đến chuyện tái cơ cấu mà trước đây Sở đã xây dựng phương án phát triển ngành nông nghiệp bền vững dựa trên những thế mạnh của địa phương để tạo sự đột phá…

Và hiện nay chúng tôi đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách toàn diện. Trong đó, tỉnh xác định cây lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là những lĩnh vực chính cần tập trung đầu tư phát triển.

Cụ thể, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển các loại cây, con này như thế nào, thưa ông?

Lúa được xác định là cây trồng chủ lực có tính ổn định lâu dài. Do tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để trồng lúa, hơn nữa tập quán canh tác của nông dân đã quen với cây lúa so với các loại cây trồng khác và phần lớn tư liệu, máy móc SX nông nghiệp trong dân hiện nay chủ yếu là phục vụ cho trồng lúa.

Mặt khác, xét về khâu tiêu thụ hiện nay thì đầu ra của lúa gạo vẫn ổn định hơn các loại cây trồng khác dù giá cả có lúc tăng, lúc giảm, khó bán khi vào vụ thu hoạch rộ… Khi cần thiết, nông dân vẫn có thể tạm trữ lúa lại một thời gian để chờ giá tốt mới bán.

Vì vậy, trong đề án tỉnh sẽ quy hoạch giữ ổn định 300.000 ha đất lúa 2 vụ/năm, trong đó có khoảng 90.000 ha có hệ thống đê bao hoàn chỉnh có thể làm lúa 3 vụ/năm và 65.000 ha diện tích lúa - tôm ở các huyện ven biển. Với diện tích này, sản lượng lúa hàng năm sẽ ổn định ổ mức khoảng 4,5 - 4,7 triệu tấn.

Thời gian tới, chúng tôi không chủ trương tăng thêm sản lượng mà sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu, đẩy mạnh việc chuyển giao KHKT cho nông dân, áp dụng cơ giới hóa để hạ giá thành, công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất... nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân.

Tạo sự liên kết bốn nhà, nhất là liên kết giữa DN và nông dân để cung cấp đầu vào, bao tiêu đầu ra ổn định. Tiến tới DN xuất khẩu lúa gạo phải có vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân hoặc đặt hàng nông dân SX các giống lúa theo nhu cầu định hướng thị trường của DN.

16-58-03_2-cy-lu-duoc-xc-dinh-l-cy-trong-chu-luc-cn-uu-tien-pht-trien-trong-de-n-ti-co-cu-ngnh-ngong-nghiep-tinh-kien-gingLúa là cây trồng chủ lực ở Kiên Giang

Mảng chăn nuôi, Kiên Giang sẽ tập trung vào đối tượng chính là gia cầm và heo. Trong đó, đàn già vịt duy trì ổn định ở mức 4,5 - 5 triệu con, nhưng sẽ chú trọng cải tạo chất lượng con giống để tăng trọng lượng đầu con, chất lượng thịt… Tăng đàn heo theo hướng nạc hóa, quy hoạch lại vùng chăn nuôi cho phù hợp và phát triển chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn dịch bệnh.

Về nuôi trồng thủy sản, đối tượng chủ lực là tôm nước lợ với 2 vùng nuôi chính ở U Minh Thượng (UMT) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Vùng UMT sẽ ưu tiên phát triển tôm sú theo hình thức tôm - lúa, trong đó tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng tôm từ mức 300 kg hiện nay lên 400 - 450 kg/ha, lúa từ 4 tấn lên 4,5 - 5 tấn/ha và sẽ từng bước xây dựng vùng lúa hữu cơ sinh thái.

Vùng TGLX sẽ phát triển mạnh hình thức nuôi công nghiệp thâm canh và bán thâm canh, trong đó nuôi thâm canh năng suất cao khoảng 2.000 ha. Từ nay đến năm 2015 sẽ giữ sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh khoảng 52.000 - 55.000 tấn tôm nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới đang bị khủng hoảng thừa, thị trường trong nước khó tiêu thụ, liệu sản lượng lúa hàng năm của Kiên Giang từ 4,5 - 4,7 triệu tấn có quá nhiều?

"Trong tiêu thụ nông sản, nhà nước cũng cần có chế tài để ràng buộc như DN xuất khẩu lúa gạo phải có vùng nguyên liệu tương ứng với năng lực xuất khẩu hằng năm, từ đó buộc họ phải gắn kết với nông dân.

Khi đã ký kết hợp đồng mà không thực hiện thì cũng cần có chế tài xử phạt, tránh tình trạnh khi giá lúa bất lợi thì DN không tiến hành thu mua, ngược lại khi giá tốt thì nông dân lại “bẻ kèo” bán cho thương lái bên ngoài như hiện nay", ông Mai Anh Nhịn.

So với thị trường thế giới thì chúng ta có tăng thêm hay giảm đi 1 - 2 triệu tấn lúa cũng chẳng có ảnh hưởng gì lớn. Còn về thị trường trong nước, khó khăn trong tiêu thụ lúa chỉ xảy ra khi vào vụ thu hoạch rộ chứ không phải lúc nào cũng vậy.

Hơn nữa, như đã nói ở trên, lúa là cây trồng mà Kiên Giang có thế mạnh, cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không chạy theo số lượng mà thời gian tới sẽ ưu tiên nâng cao chất lượng để nâng tính cạnh tranh cũng như giá trị hạt lúa.

Hiện nay, tỉnh cũng đang triển khai trồng thử nghiệm một số loại cây khác như bắp lai, đậu nành trên đất lúa… Nếu thành công, sẽ chuyển dần diện tích trồng lúa sang luân canh lúa - màu hoặc 2 lúa - 1 màu để giảm dần diện tích gieo trồng cũng như sản lượng lúa hàng hóa.

Trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kiên Giang đang gặp phải những khó khăn gì và ông có kiến nghị gì với Trung ương để tháo gỡ?

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ một tỉnh, một vùng có thể làm được mà phải mang tính quốc gia. Vì vậy, phải có quy hoạch phát triển SX tổng thể cho từng vùng, cho cả nước thì địa phương mới có cơ sở để thực hiện. Thiếu quy hoạch tổng thể và không tạo được sự liên kết vùng là khó khăn chung mà các địa phương đang gặp phải khi bắt tay xây dựng đề án.

Chúng ta đang chủ trương giảm dần diện tích gieo sạ lúa để giảm áp lực tiêu thụ mà địa phương nào cũng chọn cây lúa là chủ lực thì rất khó giảm được. Vì vậy, cần có sự quy hoạch tổng thể từ các Bộ, ngành Trung ương, xác định rõ vùng nào có thế mạnh về cây lúa, chăn nuôi, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản… Từ đó, tạo cơ sở cho địa phương xây dựng đề án được tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.