| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu kinh tế, nên bắt đầu từ nông nghiệp

Thứ Sáu 18/11/2011 , 10:19 (GMT+7)

TS Phùng Đức Tiến, đại biểu QH tỉnh Hà Nam đã trao đổi với NNVN xung quanh việc tái cơ cấu nền kinh tế và tiềm năng của ngành nông nghiệp trong tương lai.

TS Phùng Đức Tiến
TS Phùng Đức Tiến, đại biểu QH tỉnh Hà Nam đã trao đổi với NNVN xung quanh việc tái cơ cấu nền kinh tế và tiềm năng của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của ngành nông nghiệp trong tình hình hiện nay?

Hiện nay vùng nông thôn rộng lớn với gần 70% dân số và khoảng 48% lực lượng lao động thường xuyên được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trải qua nhiều năm thực hiện công cuộc đổi mới, CNH- HĐH đất nước càng khẳng định ngành nông nghiệp có vị trí quan trọng. Có thể nói, nông nghiệp có vai trò giá đỡ cho nền kinh tế, đặc biệt là trong những giai đoạn kinh tế khó khăn như cuối những năm 1980, 1990 và mấy năm gần đây. Những lúc kinh tế bấp bênh nhất lại là lúc nông nghiệp giữ vững ổn định chính trị xã hội.

Không nói đâu xa, ngay như năm 2011 này, nông nghiệp là ngành xuất siêu lớn nhất. Gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm sú… năm nay đều có mức tăng trưởng XK ấn tượng. Riêng lúa gạo, sản lượng năm 2011 ước đạt khoảng 42 triệu tấn. Lần đầu tiên XK gạo có thể vượt 7 triệu tấn, và rất có thể Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để vươn lên là quốc gia XK gạo số 1 thế giới. Phần lớn các mặt hàng nông sản đều được mùa, được giá nên thu nhập của nông dân trên thực tế không bị sụt gảm nhiều so với năm ngoái. Ở khía cạnh này, có thể nói nông dân là thành phần ít bị ảnh hưởng nhất so với các đối tượng khác như công chức, công nhân… do tác động của lạm phát, suy thoái kinh tế.

Nhìn rộng ra trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn ổn định với mức khoảng 4%/năm. Đã hình thành các ngành hàng lớn như lúa gạo, cà phê, cao su và thủy sản. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của ngành này còn rất lớn.

Tiềm năng lớn, nhưng phải làm gì để đánh thức, thưa ông?

Đề án tái cấu trúc nền kinh tế của Ban Bí thư, tôi cho rằng rất đúng đắn và kịp thời. Nhưng tái cấu trúc cả nền kinh tế thì cũng phải bắt đầu từ từng ngành, nghề cụ thể. Và từng ngành tái cấu trúc thành công thì đề án tái cấu trúc mới thành công. Vậy chúng ta nên bắt tay vào tái cấu trúc từ ngành nào trước? Theo tôi, nên bắt đầu từ ngành nông nghiệp, để phải khai thác tốt các lợi thế của ngành này. Tôi khẳng định, nếu tái cấu trúc ngành nông nghiệp thành công chắc chắn sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề “tam nông”, tăng thu nhập cho nông dân, chuyển đổi thành công chất và lượng của ngành nông nghiệp, bộ mặt nông thôn đổi mới…

Ông có thể nói rõ hơn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên tiến hành thế nào?

Cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào cơ cấu đầu tư. Trong những năm qua, đầu tư cho nông nghiệp còn ở mức khiêm tốn. Trong đó, đáng lưu ý là đầu tư công chỉ chiếm 12,2% năm 2000 và giảm xuống còn 6,8% năm 2009. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng ở mức thấp với tổng số 1.208 dự án năm 2009, và chỉ có 29 dự án, chiếm 2,4% số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thủy sản. Tổng vốn đăng ký 134,5 triệu USD/23.107,3 triệu USD, chiếm có 0,6%. Như vậy, số vốn đầu tư cho nông nghiệp quá thấp và ngày càng sụt giảm.

Cứ nói đơn giản thế này: Đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP cả nền kinh tế bao nhiêu phần trăm thì Nhà nước nên đầu tư tương ứng với tỷ lệ ấy. Mà theo tôi biết hiện ngành này chiếm hơn 20% GDP, đó là chưa nói nông nghiệp còn là ngành kinh tế có tính cơ bản liên quan đến một lực lượng dân số lớn, lại là đối tượng chưa được hưởng nhiều thành quả của quá trình đổi mới, luôn thua thiệt trong xã hội và dễ bị tổn thương. Thế thì tại sao đầu tư cho nông nghiệp lại chỉ khiêm tốn như thế?

Những năm tới, đề nghị Chính phủ cân đối nguồn ngân sách đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời có cơ chế thu hút đầu tư vốn xã hội vào ngành này, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc hơn.

Như vậy, theo ông tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ đâu?

Những năm qua, phát triển nông nghiệp đã chuyển từ tư duy cũ, cách làm cũ đến tư duy mới, cách làm mới. Sản xuất nông nghiệp ngày càng đi theo hướng tỷ suất hàng hóa cao, với công nghệ cao, sản phẩm có đủ các tiêu chí đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng nội địa và phục vụ XK theo chuỗi giá trị, trong đó có chú ý đến khâu bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Như vậy, rõ ràng chúng ta cần chú trọng đến các thế mạnh của ngành. Một ví dụ cụ thể thế này: Trong nông nghiệp, chăn nuôi đang đóng một vai trò quan trọng vì nó chiếm tỷ trọng thu nhập lớn. Từ năm 2006 đến nay, chăn nuôi luôn có tốc độ tăng trưởng cao, khoảng từ 6-8%/năm với 4 triệu tấn thịt, 5,9 tỷ quả trứng, 306 nghìn tấn sữa. Tổng giá trị ước đạt khoảng 130- 140 nghìn tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

Mỗi quốc gia chỉ có một vài ngành hàng mũi nhọn thôi. Nước ta đã XK gạo, cà phê, cao su, điều, tôm, cá… rồi thì lấy đâu ra đất đai, nguồn lực để đầu tư sản xuất XK thịt, trứng, sữa… Trên thực tế chăn nuôi nhiều năm qua không đóng góp vào kim ngạch XK nhưng lại là ngành tạo được nguồn thực phẩm dồi dào tại chỗ đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu xã hội. Như vậy có thể nói, chăn nuôi đã gián tiếp hạn chế nhập siêu, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ nông dân. Như vậy trong cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp phải đặt đầu tư vào chăn nuôi ở đúng vị trí của nó, sao cho tương xứng. Đồng thời với chú trọng chăn nuôi, cần chú ý đến các ngành, lĩnh vực khác nhất thiết phải có để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững như thú y và an toàn thực phẩm.

Trong kỳ họp QH lần này, ông kiến nghị những gì để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững?

Tôi đã đề nghị Chính phủ cho triển khai đồng bộ chương trình giống vật nuôi, cây trồng, cây lâm nghiệp và thủy sản theo quyết định số 2194 của Thủ tướng. Đây cũng chính là mũi nhọn quan trọng để phát triển nông nghiệp và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đưa tỷ trọng chăn nuôi đạt 42% trong nông nghiệp vào năm 2020.

Ngành nông nghiệp như một mỏ vàng, nếu biết khai thác thì mỏ vàng ấy sẽ cho rất nhiều vàng ròng. Nhưng khai thác phải đi liền với đầu tư, mà đầu tư phải đúng trọng điểm và đủ mức để lĩnh vực đó, ngành đó bật lên. Quan trọng nhất hiện nay là tránh đầu tư dàn trải. Chính đầu tư cào bằng sẽ dẫn đến một hệ quả là không tạo ra được đầu tàu để kéo các toa tàu đi lên phía trước. Tái cơ cấu đầu tư ngành nông nghiệp cần phải tái cơ cấu tư duy đầu tư kiểu như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm