| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu nông nghiệp là tiền đề phát triển

Thứ Ba 12/11/2013 , 10:12 (GMT+7)

Để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn về tái cơ cấu kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp trên nền tảng liên kết SX của tỉnh Long An, NNVN có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN - PTNT Long An xung quanh vấn đề này.

Chủ trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là định hướng chuyển đổi một phần đất SX lúa có năng suất thấp, hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi khác có năng suất, hiệu quả cao hơn nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn về tái cơ cấu kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp trên nền tảng liên kết SX của tỉnh Long An, NNVN có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Đức (ảnh), GĐ Sở NN - PTNT Long An xung quanh vấn đề này.

Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An như thế nào, thưa ông?

Thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ NN-PTNT về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chỉ đạo của UBND tỉnh Long An triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Các lĩnh vực tập trung tái cơ cấu là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Trong đó đã mời gọi các DN tham gia đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và triển khai quy hoạch vùng lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị SX lúa;

Vận động nông dân chuyển đổi lúa vụ 3 vùng ngập lũ sang SX mè, rau màu để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả SX, bảo vệ độ phì của đất, đề xuất và triển khai các chính sách để nâng cao hiệu quả SX gia súc và thủy sản.

Việc triển khai cánh đồng liên kết hay còn gọi CĐML một số nơi đang gặp nhiều khó khăn, vậy tỉnh có cách làm nào cụ thể để vượt qua?

Thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT, tỉnh đã triển khai mô hình CĐML từ năm 2011. Mô hình CĐML tăng dần qua các năm: Năm 2011 xây dựng 3 mô hình, 237 hộ tham gia với diện tích 450 ha. Đến năm 2013 có 34 lượt mô hình, 3.600 hộ tham gia, diện tích 9.400 ha với sự tham gia của Cty CP BVTV An Giang, Cty Lương thực Long An, Cty CP Phân bón Bình Điền, Cty Trang trại Nông nghiệp sinh thái Kiên Giang.

Có thể nói đây là mô hình mang lại hiệu quả cao nhất cho nông dân hiện nay. Khi tham gia mô hình nông dân được DN đầu tư chi phí đầu vào như giống, phân, thuốc BVTV nên không lo vật tư kém chất lượng, vốn vay SX và được thu mua lúa với giá cao hơn thị trường.

Tuy nhiên việc nhân rộng mô hình CĐML đang gặp khó khăn: DN tham gia thu mua lúa còn ít, lực lượng cán bộ kỹ thuật còn mỏng, thiếu kinh phí hỗ trợ cán bộ triển khai mô hình. Để khắc phục khó khăn, tỉnh Long An đã mời gọi, tạo điều kiện DN đầu tư vật tư nông nghiệp đầu vào và đầu ra tham gia; hỗ trợ kinh phí cho Ban điều hành CĐML.

Ngoài ra, có 5 DN đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 1.900 ha và 8 DN đăng ký tham gia đặt hàng, bao tiêu sản phẩm với hộ trồng lúa (diện tích bao tiêu khoảng 3.000 ha) UBND tỉnh đang xem xét cấp Giấy xác nhận. Đây là điều kiện để đẩy mạnh phát triển các CĐML trong thời gian tới.

Vậy cách làm đổi mới thị trường SXNN hiện nay như thế nào?

Giải pháp quan trọng, hàng đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp là cần quan tâm đến yếu tố thị trường, trong đó công tác dự báo thị trường để định hướng cho nông dân SX cây gì, con gì có giá trị cao, tăng hiệu quả có vai trò quan trọng.

Trong những năm qua, SX nông nghiệp có xu hướng tăng theo chiều rộng, nâng cao năng suất, tăng sản lượng. Tuy nhiên việc SX vẫn còn bấp bênh, tình trạng SX quy mô nhỏ, manh mún còn phổ biến, đầu ra sản phẩm không ổn định, giá tiêu thụ nông sản thấp luôn gây bất lợi cho nông dân.

Từ đó đã làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống người nông dân nhất là người trồng lúa. Để nông nghiệp tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới thì cần phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Trong thời gian tới với vai trò của ngành tiếp tục tăng cường mối liên kết DN với nông dân, đảm bảo đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Trung ương cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường để định hướng cho SX nông nghiệp đạt hiệu quả.

Định hướng quy hoạch SX nông nghiệp của tỉnh ra sao?

Trong thời gian tới ngành NN-PTNT Long An tập trung một số lĩnh vực:

- Về trồng trọt: Thực hiện quy hoạch bố trí mùa vụ và cơ cấu cây trồng phù hợp cho từng vùng, đẩy mạnh việc luân canh rau màu, cây công nghiệp trên đất lúa nhất là các sản phẩm có hiệu quả cao như bắp, mè, rau thực phẩm.

Lúa vẫn là thế mạnh và là sản phẩm chủ lực của ngành với sản lượng đạt trên 2,7 triệu tấn/năm. Tập trung thâm canh, cải thiện giống để nâng cao chất lượng và năng suất, xây dựng và phát triển vùng lúa chất lượng cao 40.000 ha.

Tổ chức SX vùng thanh long theo hướng GAP; sản lượng mía hằng năm khoảng 1 triệu tấn/năm, thực hiện thâm canh tăng năng suất và chữ đường, tổ chức tốt thu mua tiêu thụ.

Phát triển vùng SX chanh 4.200 ha với sản lượng 80.000 tấn. Tiếp tục nghiên cứu các mô hình SX một số giống cây trồng mới có khả năng thích nghi, cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ.


Tái cơ cấu NN sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân

- Về chăn nuôi: Tập trung công tác phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, tiếp tục cải thiện giống, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi.

- Về lâm nghiệp: Tiếp tục đầu tư chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng tràm đạt khoảng 29.000 ha. Phối hợp với nhà máy chế biến gổ gỗ MDF thuộc Cty Eco Board hình thành vùng nguyên liệu (đầu tư giống, chi phí, thu mua gỗ nguyên liệu), áp dụng kỹ thuật thâm canh trồng rừng kết hợp xen canh như nuôi thủy sản, ong lấy mật… để nâng cao thu nhập từ rừng.

- Về thủy sản: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, phát triển thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thuỷ sản góp phần tạo môi trường nuôi ổn định và bền vững; tạo cơ sở để triển khai áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) vào SX, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch.

Xin ông cho biết đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030?

Chủ trương thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực của ngành là định hướng chuyển đổi một phần đất SX lúa có năng suất thấp, hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi khác có năng suất, hiệu quả cao hơn nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, một số lĩnh vực tập trung tái cơ cấu:

Về lĩnh vực trồng trọt: Cây mè là cây trồng luân canh trên nền đất lúa ở huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Tân Hưng với diện tích canh tác đạt 2.000 ha/năm. Hiện tại, tiềm năng phát triển diện tích trồng mè tại các huyện còn rất lớn. Vừa qua, ngành đã rà soát, làm việc với các DN và xác định diện tích có thể chuyển đổi sang trồng mè và các cây trồng khác khoảng 15.000 ha/năm.

Thanh long đang là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, nhiều ưu thế chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long. Trong thời gian tới phát triển diện tích là 3.000 ha, thực hiện SX theo hướng VietGAP gắn hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Về lĩnh vực thủy sản: Định hướng trong thời gian tới ngành tập trung khuyến khích người dân nuôi tôm có ao lắng và con giống chất lượng tốt. Ngành đang xây dựng giải pháp về việc một số chế độ hỗ trợ nuôi tôm nước lợ của tỉnh, trong đó hỗ trợ xây dựng ao lắng, hóa chất để dập dịch (hỗ trợ thông qua các các tổ hợp tác, hợp tác xã). Hỗ trợ xây dựng các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản vùng hạ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Cô gái sở hữu 6 trại nấm, thu nhập ổn định 20 - 25 triệu đồng/tháng

BẾN TRE Qua 7 năm khởi nghiệp từ nghề trồng và kinh doanh nấm các loại, gia đình chị Mai Thị Ánh Xuân đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập khá.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.