| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu từ đâu, bằng cách nào?

Thứ Bảy 03/01/2015 , 08:06 (GMT+7)

Nông nghiệp là ngành đầu tiên của cả nền kinh tế triển khai đề án tái cơ cấu, xuất phát từ nhu cầu tự thân của ngành là SX đã tới hạn. Thay vì chạy theo sản lượng, giờ đây chúng ta phải nâng cao giá trị nông sản - một quyết định mang tính đột phá.

NNVN đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, DN nhằm đưa ra những ý kiến mang tính hiến kế, hướng tới một quá trình tái cơ cấu thành công.

Khách mời của NNVN là TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và ông Đoàn Trọng Lý, TGĐ Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Aprocimex).

Giá đầu vào tăng, giá nông sản giảm

Câu hỏi đầu tiên xin dành cho TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, xuất phát từ nhu cầu bức thiết nào mà ngành nông nghiệp lại trở thành ngành đầu tiên của nền kinh tế triển khai đề án tái cơ cấu, thưa ông?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Có hai lý do mà chúng ta tiến hành tái cơ cấu, đó là trong suốt khoảng thời gian gần 30 năm tăng trưởng, gần đây tăng trưởng của ngành đã chậm lại. Các nguyên liệu đầu vào như đất đai, lao động, nguồn nước và thậm chí cả nguồn vốn nữa… đã chuyển sang rất nhiều các ngành phi nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp và kinh tế đô thị.

ong-nguyen-do-nh-tun105627576
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Lý do thứ hai là ngay cả môi trường hiện tại và định hướng tương lai của chúng ta có rất nhiều biến đổi: KHCN biến đổi rất nhanh, biến đổi khí hậu, tần suất của thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, thị trường trong và ngoài nước cũng biến đổi… Đã đến lúc chúng ta không thể phát triển theo mô hình cũ được nữa.

Thưa TS Nguyễn Đình Cung, là người chấp bút đề án tái cơ cấu của cả nền kinh tế, ông đánh giá về đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thế nào?

TS Nguyễn Đình Cung: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao thu nhập của nông dân được xem là định hướng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam giai đoạn tới. Định hướng đó hoàn toàn đúng nhưng tái cơ cấu bằng cách nào, chuyển đổi sang cây gì, con gì lại không đơn giản.

Đã có rất nhiều cuộc họp bàn về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng thực tế, vẫn là nói dễ hơn làm. Và sẽ càng khó hơn khi quá trình tái cơ cấu đòi hỏi 3 yếu tố quan trọng: tiền, thị trường và tư duy.

ong-nguyen-dinh-cung105611617
TS Nguyễn Đình Cung

Trong nhiều năm, nông nghiệp được nói đến nhiều, SX để XK cũng được nói đến nhiều, nhưng người nông dân, chủ thể chính của SX lại ít được nói đến.

Một ví dụ nhỏ là chúng ta đặt ra con số lợi nhuận thu được từ 1 ha đất SX lúa gạo, nhưng thực tế có mấy hộ có được 1 ha đất. Tại ĐBSH, 90 - 95% số hộ nông dân có diện tích 0,2 - 0,3 ha, ĐBSCL có khá hơn một chút.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào cao, giá công lao động cao (thấp nhất là 150 ngàn đồng/ngày), giá lúa bán ra thấp như hiện nay, mỗi hộ phải có 4 ha trở lên mới có thể sống được bằng SX lúa gạo.

Việc hàng chục ngàn hộ nông dân bỏ ruộng là dấu hiệu của SX không hiệu quả. Theo các báo cáo, đất nông nghiệp nước ta chưa đến 10 ngàn ha nhưng với quy mô 0,2 - 0,3 ha/hộ thì đã lên tới hàng chục ngàn hộ. Đó là nỗi lo của tất cả những ai liên quan đến nông nghiệp.

Như TS Cung nói, thì việc SX nông nghiệp bấp bênh đang khiến cho ngành nông nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi, tức là tái cơ cấu. Lâu nay chúng ta hay nói “được mùa mất giá”, nhưng, vì không thể điều chỉnh được thị trường nên cần phải tiết giảm chi phí SX để nâng cao giá trị gia tăng. Ở khía cạnh DN, là người liên kết cũng như tiêu thụ nông sản cho nông dân, ông Đoàn Trọng Lý nghĩ sao?

Ông Đoàn Trọng Lý: Tôi nghĩ câu chuyện đó hoàn toàn hợp lý, bởi giá nguyên liệu đầu vào càng thấp chừng nào, giá trị gia tăng càng cao chừng ấy, sức cạnh tranh của nông sản cũng vì thế mà tăng lên.

ong-don-trong-ly105611356
Ông Đoàn Trọng Lý

Tôi là người gắn bó từ nhỏ với nông dân, nhận thấy rằng, nền nông nghiệp của chúng ta đã rất lạc hậu, SX kém, quy mô nhỏ, trong khi trên thế giới người ta ngày càng phát triển nên mình không cạnh tranh được.

Ngay cả chính sách của Việt Nam cũng ngày càng lạc hậu, đi vào cuộc sống để phát huy hiệu quả rất kém. Nghị định 210 của Chính phủ mới đây ưu đãi rất lớn cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng ra đời cả năm nay rồi vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.

Cùng với đó, hàng loạt các chính sách khuyến khích mà Bộ NN-PTNT ban hành, nhưng thực thi thì quá khó. Do vậy, tái cơ cấu là việc phải làm, và đúng. Vấn đề là làm thế nào, đừng có hô hào khẩu hiệu, làm cho lấy có mà phải đi vào thực chất.

“Nền nông nghiệp số lượng” đang kìm hãm phát triển

Ai cũng cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp là việc nhất thiết phải làm, nhưng làm thế nào để đề án này thành công và phát huy hiệu quả trong thực tiễn mới là việc khó, trong khi xuất phát điểm của chúng ta là “nền nông nghiệp số lượng”. Ý kiến của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thế nào?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Một trong những nguyên nhân của tồn tại hiện nay có yếu tố lịch sử.

Thời kỳ bắt đầu đổi mới, là “nền nông nghiệp số lượng”. Việc thực hiện khoán 10, giao đất cho hộ nông dân đã tạo ra một cú hích rất lớn về mặt chính sách, không phải là khoa học hay đầu tư.

Dân đói, các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương đều hướng vào số lượng để giải quyết cái ăn. Các nhà khoa học cũng bị tác động bởi “tư duy số lượng”, phải làm ra những giống lúa mang lại năng suất cao nhất, phải no đã, chưa quan tâm đến ngon.

Đầu tư nông nghiệp thì tập trung cho thủy lợi, cho cây lương thực và chủ yếu là cây lúa. SX hộ quy mô nhỏ đã có tác động tích cực, bởi người nông dân nhìn rõ phần lợi ích của mình. Trong thời điểm ấy, tư duy chính sách ấy là rất phù hợp.

Hiện nay, Việt Nam mỗi năm XK tới 30% sản lượng gạo, trên 90% cà phê, khoảng 80 - 90% điều và hồ tiêu... Nền nông nghiệp Việt Nam đang rất mở, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường XK, đòi hỏi SX quy mô lớn hơn, hàng hóa có chất lượng cao hơn, độ đồng đều của sản phẩm tốt hơn.

Bây giờ, không phải tính mấy tấn/ha như trước kia nữa mà phải tính bao nhiêu tiền/ha. SX quy mô nhỏ không còn thích ứng vì chi phí SX quá cao, không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của XK.

Tuy nhiên, “tư duy số lượng” từ đó đến nay vẫn chưa thay đổi kịp. Thay đổi tư duy, điều quan trọng nhất để chuyển từ “nông nghiệp số lượng” sang “nông nghiệp hiệu quả”.

Thưa TS Nguyễn Đình Cung, ông đã từng nói, muốn tái cơ cấu thành công thì cần định hướng lại thị trường, thay đổi tư duy cũng như phân bổ lại nguồn lực. Tuy nhiên, khi chúng ta chưa thể quyết định được thị trường thì phải làm thế nào?

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi không nói là cần phải quyết định thị trường, bởi nông sản của Việt Nam chưa thể “cầm chịch” được thị trường thế giới.

Cái tôi muốn nhấn mạnh là định hướng ngay thị trường trong nước, bởi nó đang rất méo mó. Chúng ta đã chứng kiến Nhà nước không thành công triệt để trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, dẫn tới thị trường méo mó trầm trọng hơn.

Tái cơ cấu nông nghiệp là một phần quan trọng và nó không thể tách rời khỏi tổng thể nền kinh tế, và cũng phải dựa trên tư duy làm thị trường hoạt động tốt hơn để giúp phân bố lại nguồn lực trong khu vực nông nghiệp. Khi nói tới cơ cấu SX nông nghiệp, tôi cho rằng cần phải lưu ý một vài điểm.

Thứ nhất là về đất đai: Nếu đất đai vẫn còn theo cơ chế quản lý hiện tại thì không thể tích tụ được. Nhà nước thống nhất quản lý, cơ chế phân chia theo hành chính, can thiệp giao dịch bằng các thủ tục cứng nhắc. Mọi giao dịch trên thị trường vì thế rất rủi ro, đặc biệt đối với nông dân.

Bởi vậy, không thể tích tụ được ruộng đất cho SX lớn và không thay đổi được cách tổ chức SX trong nông nghiệp. Quy mô kinh tế hộ hiện không còn phù hợp với mô hình cánh đồng lớn, SX lớn...

Thứ hai, đối với đầu tư công. Hiện hầu hết nguồn lực của đầu tư công đều không dồn vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, khó có thể nói rằng nông nghiệp tạo bước đột phá trong tương lai gần. Ngoài ra, nông nghiệp cũng không thể là “đệm chống sốc” cho toàn bộ nền kinh tế, khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và TS Nguyễn Đình Cung đều cho rằng, chúng ta còn mang nặng tư duy kiểu cũ khi thực hiện tái cơ cấu. Là DN, ông đánh giá thế nào, thưa ông Đoàn Trọng Lý?

Ông Đoàn Trọng Lý: Tôi cho rằng, với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chưa thể ngay lập tức chuyển hướng sang cây trồng khác, vật nuôi khác, bởi nó đòi hỏi phải đầu tư một năm mấy ngàn tỷ đồng.

Đúng như TS Cung nói, ngoài tư duy, thị trường, phải có cả tiền nữa. Chẳng hạn, Việt Nam mỗi năm nhập gần 3 tỷ USD nguyên liệu TĂCN, trong khi XK lúa gạo mỗi năm cũng chỉ được hơn 3 tỷ USD, tại sao không chuyển sang SX cây trồng làm nguyên liệu TĂCN?

Nói thì dễ, thực tế, để có được 3 tỷ USD giá trị từ ngô phải có 3 triệu tấn ngô, mà 3 triệu tấn ngô với năng suất trung bình hiện nay khoảng hơn 5 tấn/ha, cần phải 600 ngàn ha ngô. Vậy, với 600 ngàn ha đất ngô sẽ lấy từ đâu? Tái cơ cấu gắn với đầu tư, vậy lấy tiền ở đâu để tái cơ cấu nông nghiệp?

Riêng việc chuyển từ SX lúa sang ngô, toàn bộ hệ thống tưới phải quy hoạch lại, tập huấn cho nông dân và quan trọng nhất là ai sẽ làm việc này?

thu-hoch-bp112350281
Ngô đang là cây trồng mà Việt Nam muốn đẩy mạnh SX để tạo nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Trồng ngô có yêu cầu thổ nhưỡng, hệ thống thủy lợi khác đất trồng lúa. Yêu cầu làm đất, đầu tư phân bón cho ngô cũng cao hơn nhiều so với lúa. Hiện ngô chưa được cơ giới hóa, tất cả vẫn làm bằng tay, vậy đầu tư như thế nào để ngô đạt sản lượng cao? Quy mô nhỏ có thể làm được, nhưng với quy mô lớn, sẽ giải bài toán nhân lực như thế nào?

Yếu tố thị trường cũng hết sức quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Nông dân Việt Nam giỏi trồng lúa. Gạo Việt Nam đã có thị trường, lúa làm ra không bán được giá cao, thì vẫn bán được giá thấp, không bán được ngay giữ lại sau này vẫn bán được.

Chuyển sang trồng ngô, nông dân dễ gặp rủi ro, bởi ngô Việt Nam chưa có thị trường, kỹ thuật thâm canh chưa cao, giá công lao động cao, giá bán thấp. Mặt khác, ngô trồng trong nước cũng không cạnh tranh được với ngô NK cả về giá và chất lượng. Hiện giá ngô trên thị trường thế giới rất rẻ do được cơ giới hóa cao, hệ thống sấy đảm bảo.

Giá ngô Việt Nam nhập từ các nước Mỹ La tinh chỉ tương đương giá ngô SX trong nước. Nông dân Việt Nam quy mô SX rất nhỏ, chỉ một vụ không tiêu thụ được, tái cơ cấu sẽ thất bại.

bp-2112356684
Thu hoạch bắp bằng công nghệ hiện đại ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Phá bỏ “bờ thửa” trong tư duy

Thưa TS Nguyễn Đình Cung, ở ĐBSCL, một nông dân là Lê Văn Lam đã viết thư cho Thủ tướng, nói rằng tái cơ cấu nông nghiệp nên bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, như phá bỏ bờ vùng bờ thửa, thay bằng những hàng cọc căng dây… Ông đánh giá thế nào?

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi có nghe nhiều về ông nông dân này, và tôi đánh giá rất cao.

Cái đầu tiên mà ông đã nhìn nhận ra, đó là chúng ta không quyết định được giá bán, bởi cả thế giới người ta SX nông nghiệp, chứ đâu phải mỗi Việt Nam. Do đó, cả hệ thống xã hội, từ chính quyền, DN đến nông dân phải hợp sức để làm sao kéo giá thành SX xuống, từ đó mới nâng cao được giá trị, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Phải tổ chức lại SX bằng cách làm ăn lớn, phá bờ vùng bờ thửa. Đây là một điều quá chuẩn. Nhưng tôi cho rằng, tư duy “bờ thửa”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, của chúng ta còn nặng lắm, chưa thể ngày một ngày hai mà bỏ được.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá thế nào?

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Một thống kê cho thấy, diện tích bờ vùng bờ thửa ở Việt Nam chiếm khoảng 18% tổng diện tích canh tác. Như vậy, với diện tích lớn này mà được phá bỏ, chúng ta sẽ có thêm đất để canh tác. Quan trọng hơn, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng sẽ dễ dàng.

Việc này ở ĐBSH đã thực hiện và thành công, tuy quy mô chưa lớn, đó là việc dồn điền đổi thửa. Một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình ... đã thực hiện rồi. Chúng ta tiến tới sẽ dùng công nghệ để quản lý đất đai, vẫn phá bờ vùng bờ thửa, nhưng quản lý bằng GPS thì ruộng nhà ai sẽ vẫn của nhà ấy, chỉ có bờ thửa sẽ mất đi.

Theo tôi, ngoài việc phá bỏ “tư duy bờ vùng bờ thửa”, thì cách tổ chức lại SX, thành lập các mô hình HTX sẽ là một trong những hướng quan trọng để quy mô hóa SX, tạo thế vững chắc cho SX hàng hóa, giảm chi phí đầu vào.

Trong đề án tái cơ cấu, vai trò của DN đặc biệt quan trọng, bởi DN là đối tượng tiếp cận thị trường, định hướng nông dân, thậm chí là đầu tư KHCN cho SX. Là DN liên kết nhiều với nông dân, ông Đoàn Trọng Lý nghĩ thế nào?

Ông Đoàn Trọng Lý: Đây chính là chuỗi cung ứng nông sản. Khi xem xét vấn đề này, cần dựa trên tư duy thị trường. Cần đi sâu phân tích chuỗi và cách hoạt động của nhân tố trong đó, cách kết nối và phân chia lợi ích, chỗ nào thị trường thất bại thì Nhà nước can thiệp để chuỗi vận hành tốt hơn.

Động lực chính dẫn dắt tái cơ cấu là DN chứ không phải ai khác. Tái cơ cấu muốn thành công phải theo thị trường. Mà tín hiệu thị trường thì thông qua tín hiệu DN thôi. DN tìm thị trường.

Chúng tôi, sau nhiều năm làm trong lĩnh vực chăn nuôi, thấy rằng, đại gia súc lớn của Việt Nam đang trên đà đi xuống. Chỉ trong vòng 5 năm, chúng ta đã “đạt thành tích” là giảm từ 7 triệu con trâu bò xuống còn 4,9 triệu con.

Trong khi đó, nhu cầu thịt bò trong nước ngày càng tăng lên. Đó là lý do đơn giản lý giải rằng, hằng năm qua các cửa khẩu, kể cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, chúng ta phải nhập hơn 1 triệu con bò từ các nước.

Tại sao chúng ta không khuyến khích nông dân trong nước nuôi bò thịt, kể cả bò sữa. Tôi cho rằng đề án tái cơ cấu cần quan tâm những cái thiết thực thế này.

Là chuyên gia kinh tế, theo ông, ngành nông nghiệp phải làm những gì để đề án tái cơ cấu thành công, thưa TS Nguyễn Đình Cung?

TS Nguyễn Đình Cung: Tất cả những biện pháp, chúng ta đã nói ở trên, từ việc định hướng lại thị trường, giảm chi phí SX bằng cách làm nông nghiệp quy mô lớn, đến thu hút DN đầu tư. Ngoài ra, theo tôi, vẫn phải nhắc lại rằng, đã đến lúc phải thay đổi, làm cho cơ chế chính sách ổn định hơn, thực tiễn hơn.

Tôi cho rằng, cần phải thay đổi, thay đổi ngay từ trong não trạng của bộ máy công quyền. Đây chính là việc phá bỏ “tư duy bờ vùng bờ thửa”.

Đầu tiên là thay đổi từ những nhà lãnh đạo. Chúng tôi thấy năng lực và tiềm năng của người Việt Nam rất lớn, nhưng không thể bứt lên được, bởi động lực không có, thể chế bó buộc.

Đây là quá trình hết sức sai lầm và chúng ta cần loại bỏ. Chúng ta cần tìm ra bứt phá về tư duy và thể chế mới tạo được thay đổi.

Xin cảm ơn các vị khách mời!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm