| Hotline: 0983.970.780

Tại sao cứu hỏa Hải Dương không cứu được Trung tâm thương mại

Thứ Ba 17/09/2013 , 11:56 (GMT+7)

Trung tâm Thương mại Hải Dương có nhiều đường vào thông thoáng, trước mặt là sông, bên cạnh là hồ, vậy mà cứu hỏa để cháy sạch sành sanh.

Trung tâm Thương mại Hải Dương có nhiều đường vào thông thoáng, trước mặt là sông, bên cạnh là hồ, vậy mà cứu hỏa để cháy sạch sành sanh. Hai xe chữa cháy tới hiện trường thì một xe không hoạt động được.

“Nhìn 2 xe cứu hỏa của Hải Dương đứng trước đám cháy đến là thảm thương. Mãi sau mới có xe của Hưng Yên tới, hiệu quả hơn hẳn nhưng cũng đã quá muộn. Thật đau đớn”, lời khen cay đắng của tiểu thương Tăng Thế Viễn, chủ gian hàng đồng hồ trong Trung tâm Thương mại Hải Dương đã nhận được tiếng vỗ tay của hàng trăm người trong cuộc họp giữa tiểu thương và đại diện chính quyền chiều 16/9 tại hội trường UBND phường Lê Thanh Nghị.

"Cháy từ hơn 1h sáng mà mãi tới 4h mới có 2 xe chữa cháy tới nơi, trong đó 1 xe không hoạt động được. Chúng ta đã có quá nhiều vụ cháy khắp cả nước, có kinh nghiệm từ vụ cháy chợ Đồng Xuân rồi, tại sao vẫn để cháy sạch sành sanh, cháy một cách tàn nhẫn vậy”, ông Viễn bức xúc.


Lính cứu hỏa vẫn tiếp tục phun nước vào khu vực bị sụp đổ ở Trung tâm thương mại Hải Dương chiều 16/9

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Tuấn Độ, chủ kinh doanh đồ lễ, 77 tuổi, đặt câu hỏi: “Trung tâm thương mại nằm tách biệt với khu dân cư, có nhiều đường vào thông thoáng, có sông trước mặt, có hồ bên cạnh, tại sao lại cứu hỏa không thể cứu được? Chúng tôi đề nghị được biết rõ thời điểm bắt đầu cháy, tổ bảo vệ đang làm gì, tại sao lực lượng cứu hỏa vừa mỏng, vừa thiếu trang bị như vậy?”.


Trung tâm thương mại Hải Dương (điểm A,B) nằm cạnh hồ nước và trước mặt là quảng trường Thống Nhất

Ghi nhận bức xúc của bà con tiểu thương, Phó chủ tịch Thành phố Hải Dương Vũ Tiến Phụng cho biết, Công an tỉnh đã lập chuyên án để điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong vụ cháy. “Tỉnh đã mời Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an về khám nghiệm hiện trường. Kết quả điều tra sẽ sớm được thông báo công khai tới bà con”, ông Phụng nói.

Chia sẻ với mất mát của bà con tiểu thương, ông Phụng cho rằng, vụ cháy thực sự là một thảm họa. Ngoài khoản tiền mặt 10 triệu đồng tỉnh hỗ trợ, thành phố sẽ trích quỹ để ứng cứu thêm mỗi trường hợp 3 triệu đồng.


Không còn gì sót lại bên ở khu vực tầng 2 của Trung tâm thương mại

Bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền, tiểu thương Tăng Thế Viễn đề nghị khoản hỗ trợ này cần phải được trao khẩn cấp để “bà con có thể tự chữa cháy cho mình”. “Tiền phải được cấp ngay để giải cứu bà con. Chúng tôi chẳng còn gì nữa. Hôm đó tôi cầm về mấy trăm nghìn chứ không thì sáng hôm sau không còn tiền mà ăn sáng”, ông Viễn nói.

Cũng trong tình cảnh trắng tay như ông Viễn, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, một trong những chủ kinh doanh lớn nhất tại trung tâm thương mại cho biết đã mất hơn 10 tỷ đồng hàng hóa trong 4 kios và 2 kho bên trong tòa nhà.

Theo ước tính của thành phố Hải Dương, tổng số tài sản của hơn 500 tiểu thương thiệt hại sau vụ cháy khoảng 400 tỷ đồng. “Nhiều người đã huy động tài sản của cả họ hàng, bạn bè, sau một đêm đến tiền cho con ăn học cũng không còn”, tiểu thương Hà Dân Bình nói.

Để sớm ổn định lại cuộc sống, duy trì kinh doanh, các tiểu thương đề nghị rút ngắn thời gian xây chợ tạm, chứ không thể đợi đến 3 tháng như cam kết của chính quyền. Trong thời gian xây dựng, bà con đề nghị được thành phố cho phép lập ngay các kios tạm bên cạnh trung tâm thương mại cũ để kinh doanh trở lại, nếu không khó có thể giữ được các mối hàng.

Một lo lắng khác được nhiều bà con bày tỏ là kios mới ở chợ tạm sẽ không đảm bảo được diện tích, vị trí như kios cũ, bên cạnh đó là nguy cơ có tiêu cực, không công bằng trong quá trình chuyển đổi, cấp mới kios ở chợ mới. “Việc này đã từng xảy ra khi chợ cũ được chuyển sang trung tâm thương mại năm 2003. Chúng tôi rất lo lắng”, tiểu thương Hà Dân Bình nói.


Mặt tiền của Trung tâm thương mại Hải Dương hơn một ngày sau hỏa hoạn

Trả lời bà con về việc xây chợ tạm, Phó chủ tịch thành phố Hải Dương cho biết, sẽ rút ngắn hết mức các trình tự thủ tục để hoàn thành sớm hơn dự kiến 3 tháng. Ngoài ra, thành phố sẽ cố gắng quy hoạch chợ tạm sao cho các hộ kinh doanh có được kios có diện tích tương đối phù hợp với kios cũ. “Thành phố sẽ cố gắng hết mức nhưng đây là việc khó, bởi trung tâm thương mại có 3 tầng, trong khi chợ tạm chỉ có 1 tầng”, ông Phụng nói.

Về lo ngại của bà con tiểu thương trước nguy cơ xuất hiện tiêu cực trong quá trình chuyển đổi kios sang chợ mới, ông Phụng khẳng định, toàn bộ hợp đồng của các hộ kinh doanh ở trung tâm thương mại cũ sẽ được tôn trọng.

“Mong bà con hợp tác, cung cấp thông tin vị trí, diện tích kios cũ để chúng tôi có cơ sở cấp kios mới tương xứng. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố sẽ làm hết sức mình để cùng bà con vượt qua thảm họa này”, ông Phụng nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.