| Hotline: 0983.970.780

Tại sao người Việt lại lùn? Lý giải từ hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên

Thứ Tư 17/08/2016 , 13:30 (GMT+7)

Xếp thứ 188/200 nước về độ cao hay chỉ cách quốc gia “đội sổ” lùn có 3 bậc tùy theo các cách tính nhưng đều chỉ rõ người Việt đang rất thấp bé.

Khảo sát từ những làng quê tại Hải Dương và Hưng Yên của PV NNVN hy vọng sẽ là một hai lát cắt hé mở…

Con giống đẻ ra mới bé tí lại đã lao đầu vào học. Học thêm học nếm, học ở trường học ở nhà. Người lớn có chuyện gì lo lắng là mất ngủ, là mệt bơ phờ nữa là trẻ con.

 

Nỗi đau đáu của ông Trưởng ban Tổ chức

Xin được bắt đầu bằng trăn trở buồn bã của ông Hoàng Văn Lượt - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy huyện Thanh Miện (Hải Dương): “Nhiều lần tôi đi dự các cuộc khai giảng ở trường mẫu giáo, trường tiểu học của các xã trong huyện, nhìn các cháu học sinh mà buồn. Mặt chúng bơ phờ, người chúng quắt queo, da chúng đen nhẻm. Những em bé mập mạp, béo tốt, hồng hào toàn ở trên ti vi thôi chứ ở nhà quê ít lắm. Không tin tôi với anh đi xuống một vài trường xem sao".

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trường tiểu học xã Lam Sơn. Một bức tranh sống động về những đứa trẻ còi cọc xuất hiện vào buổi tan trường. Các em túa ra, ríu ran hồn nhiên như một đàn chim sẻ. Chúng đi bộ thành nhóm hay một mình nô đùa trên yên những chiếc xe đạp, xe máy của ông bà, cha mẹ. Cặp nặng trĩu, đeo lệch cả vai. Bên cạnh một số ít tạm gọi là có da, có thịt là vô số đứa gầy gò thậm chí có biểu hiện suy dinh dưỡng.

Lam Sơn cách huyện lỵ chỉ vài ba cây số, nghề nghiệp phong phú, kinh tế khá giả, trường học đã kịp đạt chuẩn nhưng vẫn còn phô ra vẻ thiếu thốn khó che giấu. Thiếu đầu tiên là nhà vệ sinh. Cả trường có mấy trăm học sinh nhưng cái hố xí dạng thùng bé tẹo bẩn đến mức buồn nôn khiến nhiều học sinh đành phải nhịn. Nhịn cả ngày, nhịn cả tháng, nhịn cả năm quá đủ để tác động lên đầu óc non nớt của chúng một stress lớn.

Khu nhà liên hợp thể thao của trường trống không một dụng cụ, cửa kính vỡ, sứt, khung bảo vệ hoen rỉ. Cũng may, Lam Sơn còn hơn nhiều xã khác là có ao bơi với diện tích hơn 2.400 m2. Ao bơi là một thuật ngữ vừa mới lại vừa cũ. Trước tiên nó cũng là một cái ao nhưng còn sạch sẽ nhất có thể so với nhiều ao hồ khác đang đen xì nước bể phốt, lềnh phềnh rác rưởi, phân lợn phân gà.

Nền được đổ cát dày, xung quanh bờ được xây kè chắc chắn lại còn có bậc lên xuống thế là thành ao bơi. Cũng bởi vì thiếu bể bơi, ao bơi và đội ngũ giáo viên dạy kèm nên hàng vạn trẻ trong huyện “mù bơi” hoặc dễ dàng rơi vào vòng hiểm nguy khi tự tập bơi ngoài sông, ngoài ngòi. Chỉ tính từ 2014 đến nay, trên địa bàn Thanh Miện đã xảy ra 16 trường hợp chết đuối…

15-11-27_dsc_5281
15-11-27_dsc_5285
Những đứa trẻ còi cọc

 

Nhiều trường vùng sâu, vùng xa của huyện để tập hợp đủ một đội văn nghệ cho ra hồn khó chẳng kém gì bắc thang lên trời. Tại trường tiểu học Chi Lăng Nam, tôi có một yêu cầu rất đơn giản với các cô giáo rằng hãy xếp các em thấp bé sang một bên, các em bình thường sang một bên rồi đếm.

Lớp 1 của cô Ngô Thị Hồng Thắm có 15 cháu/32 cháu thuộc dạng thấp còi với trọng lượng trung bình chừng 16-17 kg, chiều cao trung bình chừng 105-110cm. Lớp 1 của cô Nguyễn Thu Huyền có khá hơn, 10/28 cháu thuộc dạng thấp còi. Nhiều em vạch áo lên, xương sườn, xương sống, xương quai xanh nhấp nhô như tượng các ông La Hán trên chùa.

Phỏng vấn nhanh hai em Bùi Thị Nhật Chúc và Nguyễn Thị Thùy Dương lớp 7 ở xã Diên Hồng tôi được biết một nặng 28 kg, một 29 kg. Cả hai mỗi ngày học trung bình 10-11 tiếng gồm 7-8 tiếng trên lớp, 2-3 tiếng tự học ở nhà, ngủ mỗi tối được 6-7 tiếng, thường xuyên không được ngủ trưa mà lắm lúc bài vở vẫn còn ngập đầu.

Chị Nguyễn Thị Ngoan, Trạm y tế xã Diên Hồng, kể với tôi rằng đợt tiêm chủng vừa qua bản thân chị cũng giật mình khi thấy một lứa trẻ quá nhỏ bé dù trên sổ sách tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi của xã là 33/328 tức 13,8%, còn tỷ lệ suy dinh dưỡng là hơn 11%.

 

Những cái thiếu và những cái thừa

Giờ về quê, tìm đỏ mắt cũng không còn thấy các trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy ngựa, đánh khăng, đá cầu… mà chỉ toàn thấy trẻ con cắm xấp mặt vào màn hình ti vi hay các trò chơi trên smartphone.

Thiếu không gian để chơi, thiếu trò chơi để vận động nhưng lại thừa thực phẩm ô nhiễm, môi trường ô nhiễm, áp lực học hành nên từ ngoại hình đến tinh thần chúng phần đa đều không khỏe mạnh.

Chứng kiến cảnh ấy, ông Hoàng Văn Lượt thở dài: “Chúng tôi ngày xưa tiếng là chăn trâu cắt cỏ khổ vậy nhưng cái đầu rất thảnh thơi, học hành có mức độ. Giờ, con cháu mình chỉ ở nhà học và học. Học ngày học đêm. Học không có thời gian để vui chơi. Học đến mất cả lớn. Làm gì có chuyện ra đồng cắt cỏ, bắt cua bắt cá hay tung tăng bơi lội trên sông, trên hồ? Học từ lớp một đến đại học, tất cả các thứ vi phân, tích phân nhưng khi đi làm có sử dụng được đâu?”.

15-11-27_dsc_5295
Thể trạng của một người trung niên ở xã Diên Hồng

 

Suy từ quy mô nhỏ một cái làng đến chuyện của một quốc gia, ông Lượt nhận xét giờ nhiều thứ kém: Kém thứ nhất là môi trường. Làng tôi mấy chục năm trước ao hồ nước trong vắt, bơi lội thoải mái không bao giờ sợ bị viêm nhiễm, giờ lấp hết cả rồi. Chất thải từ làm nghề, từ sinh hoạt còn thải ra đâu được ngoài ngấm xuống đất, ngoài đổ xuống sông? Giờ đây làng quê cũng bắt đầu có nước máy nhưng nói thật chất lượng cũng không ổn khi được lấy từ chính những con sông đang bị ô nhiễm từng ngày, từng giờ.

Kém thứ hai là về cường độ lao động. Xưa phấn đấu cấy lúa, nuôi cá đủ ăn đã là sướng rồi nên sức lao động bỏ ra thực ra không nặng nhọc như bây giờ phải lo cho con ăn, cho con học rồi lại mua việc cho con. Lao động ngày nay là thứ lao động bất chấp, làm gì cũng được miễn là có tiền từ cấy lúa trồng rau, đi buôn đi bán, thợ xây thợ nề… Mải mê đến mức nhiều khi quên cả chăm sóc con cái. Bản thân lao động đó đã mệt mỏi, lo lắng đến kiệt sức nên chất lượng con giống không tốt.

Con giống ấy đẻ ra mới bé tí lại đã lao đầu vào học. Học thêm học nếm, học ở trường học ở nhà. Người lớn có chuyện gì lo lắng là mất ngủ, là mệt bơ phờ nữa là trẻ con.

Cái ăn ngày nay bảo rằng đã khá nhưng nói thật là khá hơn trước đây thôi chứ dinh dưỡng chưa đủ. Trước ăn cháo giờ ăn cơm. Trước rau dưa nhiều giờ tăng thêm ít thịt, ít cá. Tất cả chưa nói lên điều gì. Không khéo lại càng nhồi càng không lớn được vì cơ thể chưa kịp thích nghi như ngày xưa đói không chết lại chết vì no vậy. Đã thế bây giờ ăn cái gì cũng hãi vì sợ rởm, sợ độc.

+ Trang thông tin Telegraph cùng website Averageheight mới đây đã công bố chiều cao trung bình của 98 quốc gia, hầu hết người lùn đều tập trung ở châu Á và châu Phi. Quốc gia có chiều cao nam giới trung bình thấp nhất là Indonesia với 1.58m và Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các nước “đội sổ” với trung bình là 1.62m.

Tại Đông Nam Á, hầu như nước nào cũng sở hữu chiều cao trung bình hơn Việt Nam ít nhất 3cm, như nam giới Lào có chiều cao trung bình là 1m7 trội hơn nam giới Việt Nam 6-7cm, như nữ giới Singapore có chiều cao trung bình 1m6 bỏ xa nữ giới Việt Nam tới 7cm. So với thế giới, tình hình càng thảm hơn khi chiều cao trung bình là 177 cm đối với nam và 163,7 cm đối với nữ.

+ Khoa học đã chứng minh sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, theo thống kê trung bình mỗi năm một người Việt chỉ sử dụng khoảng 12 lít sữa trong khi đó lại uống 38 lít bia.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất