| Hotline: 0983.970.780

'Tái sinh' mãng cầu Việt

Thứ Sáu 24/02/2017 , 15:05 (GMT+7)

Gọi đúng tên gốc là mãng cầu xiêm, nhưng ở thị trường Việt Nam hiện nay tồn tại hai loại mãng câu xiêm Việt và xiêm Thái. Được người tiêu dùng ưa chuộng hơn cả là mãng cầu xiêm Việt.

Tuy trái không to và ngọt như mãng cầu Thái, nhưng mãng cầu xiêm Việt vẫn giữ được hương vị gốc đặc trưng.

10-47-45_mng-c-u-1
Anh Trương Văn Đức đang bao trái trong vườn mãng cầu
 

Gần đây lại có thông tin trái mãng cầu xiêm Việt chứa nhiều chất bổ dưỡng và có tính dược liệu cao, đặc biệt là hỗ trợ tiêu diệt được tế bào ung thư... nên được tiêu thụ rất  rộng rãi trong và ngoài nước... Mãng cầu xiêm việt đang được nông dân thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) "tái sinh" với những câu chuyện đầy tính nhân văn thắm đậm tình người... 
 

Bí thư "mãng cầu"

Không khó lắm khi đến xã Hiệp Lợi tìm nhà anh Trương Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thành. Anh Đức thuộc diện cán bộ của thị xã luân chuyển về cơ sở 5 năm trước. Khi về xã sống bằng đồng lương nhà nước cộng với thu nhập từ 7 công  đất  trồng lúa, gia đình anh luôn  thiếu trước hụt sau... Loay hoay mãi, nhưng vẫn chưa tìm ra được lối thoát. Là cán bộ lãnh đạo của xã, có quá trình đeo bám các phong trào phát trển kinh tế của địa phương anh nhận ra chỉ có khai thác đất đai của gia đình mới cải thiện cuộc sống và cây mãng cầu xiêm là số 1.

Khi dòng người đổ xô lập vườn trồng cam sành ở thị xã Ngã Bảy, việc phá đất ruộng lên liếp lập vườn mãng cầu xiêm của anh là một quyết định táo bạo. Nhưng xét về nguồn lực, vật lực và cách sống không làm theo phong trào, sau này anh thấy mình đã  có chọn  lựa  đúng đắn khi vườn mãng cầu của mình mỗi năm cho lời gần nửa tỉ đồng. Nhiều người còn gọi anh là bí thư "mãng cầu". Anh phân bua: "Anh em gọi  vui vậy thôi, thật ra tôi chỉ là người ăn sau từ cây mãng cầu. Ở Ngã Bảy này, nông dân đã ăn mấy mùa rồi mới đến tôi. Tôi khởi sự cây mãng cầu từ “đại ca” Sáu Phát...".

Nói thì nghe dễ chừng bắt tay vào việc quả là không dễ chút nào. Việc sắp  xếp thời gian để thường xuyên có mặt ở vườn chăm sóc cây trái sau giờ làm việc với anh như là khoảng thư giãn trong ngày, nhưng căng thẳng nhất vẫn là áp dụng các giải pháp kỹ thuật để cây đậu đúng thời vụ và sai trái.

Anh lại tìm đến lão nông Sáu Phát, người dẫn dắt anh tiếp cận với cây mãng cầu xiêm học được thủ thuật rung nụ cho hoa thụ phấn. Ban đầu là rung từng nụ sau đó là tác động cho cây rung nụ hàng loạt. Càng về sau kỹ thuật này càng được thực hiện nhuần nhuyễn nên ngay từ vụ đầu anh đã thu hoạch hơn 8 tấn trái chín. Theo kinh nghiệm chung thì vụ thu hoạch sau sẽ cao hơn nữa.
 

Đất không phụ công người

Ông Sáu Phát (là người mà anh Đức gọi là đại ca) ở ấp Xẻo Vông B, xã Hiệp Lợi xác nhận 800 cây giống mãng cầu xiêm đầu tiên của anh Đức là do ông chuyển giao, đợt đó cùng với anh Đức còn có nhiều bà con trong xã nữa. Hầu hết đều gặt hái kết quả tốt như anh Đức, bây giờ ngoài khoản thu nhập từ trái, ông Sáu còn có khoản thu nhập không nhỏ từ nguồn bán cây giống. 

Nhớ hồi vùng đất này lao đao với cây lúa, có hai mẫu đất ông chia đều cho 4  người con. Đứa con trai thứ 4 vì cậy vào tay nghề sửa xe nên sang hết đất cho anh mình rồi lên thành phố lập nghiệp. Bây giờ đã 5 năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng, trong khi  2 anh vừa cất được nhà đúc trị giá bạc tỉ. 

Ông Sáu đã khuyên đứa con tha hương của mình: "Anh của con bây giờ nhà cửa đàng hoàng hết rồi. Giờ chỉ còn mình con thôi. Nền nhà cho con ba vẫn giữ chờ ngày con về gây dựng lại cơ nghiệp, đất đai của quê mình không phụ công người đâu con. Cây mãng cầu xiêm này còn sống khoẻ với nông dân ít nhất là hơn chục năm nữa...".

Trước đây, khi cây lúa bị thất sủng người dân bỏ đất đi làm thuê ở xứ người, còn bây giờ khi cây mãng cầu xiêm đứng vững trên đồng đất quê nhà, ông Sáu hy vọng bà con sẽ quay về lập vườn trồng, lúc đó ông sẵn sàng bán cây giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Ở ấp Láng Sen bên cạnh, phần lớn những mảnh vườn mãng cầu xiêm mới đều được ông hỗ trợ, giờ đã khá vững vàng.

+ Ông không ngại cạnh tranh vì nhu cầu mua trái mãng cầu xiêm là rất lớn, không chỉ tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu qua Campuchia, Trung Quốc; thương lái đến thu mua tận nhà. Giúp được bà con cùng thoát nghèo và khá giả như gia đình mình để đươc sống quây quần, no ấm trên quê hương Hiệp Lợi ông cảm thấy hạnh phúc. Cộng chung số gốc mãng cầu của ông và các con lại là gần 2.000 gốc, mỗi tuần thu hoạch bán được gần 20 triệu đồng.

+ Lo nhà cửa cho con và mọi thứ tiện nghi sắm sửa được đều từ những trái mãng cầu xiêm tròn lửng. Nhưng ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, ông không quan trọng phải làm ra được nhiều tiền. Lòng ông vẫn đau đáu một điều: Khi qua đời mình sẽ để lại cho thế hệ con cháu những gì? "Chắc chắn đó là quy trình và kinh nghiệm canh tác mãng cầu xiêm Việt", ông Sáu Phát khẳng định.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Hãy đưa bèo hoa dâu trở về với đồng ruộng

Nếu ruộng lúa được phủ 2-3 lớp bèo hoa dâu thì không cần phải bón thêm phân, rất phù hợp với yêu cầu phát động phong trào sản xuất xanh của giai đoạn hiện nay.

Gượng dậy từ gian khó

GIA LAI Trong giai đoạn ngành mía đường lao đao, giá mía giảm mạnh, nông dân quay lưng với cây mía, số nhà máy đường và diện tích mía nguyên liệu cả nước giảm đến một nửa…