| Hotline: 0983.970.780

"Tấm Cám" có phải là tiền lệ?

Thứ Tư 09/11/2011 , 10:18 (GMT+7)

Nếu đã dám thay đổi đoạn kết của Tấm Cám, thì liệu đây có phải là tiền lệ để mổ xẻ các truyện cổ tích khác?

Ngay khi NNVN (ngày 8/11) đăng tải những tranh cãi trái chiều trong việc thay đổi đoạn kết của truyện cổ tích Tấm Cám, tòa soạn đã nhận được thêm những ý kiến khác.

Đáng chú ý, các luật sư, nhà nghiên cứu cho rằng: “Không chỉ Tấm Cám mà một số truyện cổ tích phổ biến ở Việt Nam, đều có những tình tiết không phù hợp trong thời đại văn minh, đề cao tính nhân văn".

Nếu đã dám thay đổi đoạn kết của Tấm Cám, thì liệu đây có phải là tiền lệ để mổ xẻ các truyện cổ tích khác?

Luật sư Quang Vinh (Hiệp hội Tư vấn Quốc gia): Cái sảy nảy cái ung

Nếu hỏi tôi về vấn đề này thì tôi cũng trả lời thôi nhưng đây là góc độ pháp luật, nên có thể nhiều người coi tôi trầm trọng hóa vấn đề nhưng thiết nghĩ, pháp luật ở một đất nước là gốc rễ của một công dân.

Các phụ huynh cứ tưởng tượng đi, nếu con bạn hỏi bạn: Vì sao Bạch Tuyết lại được ở cùng 7 người đàn ông trong rừng, không lẽ bố mẹ đã phải dạy con gái là biết giữ mình sao? Hay như một số diễn đàn mạng cũng cho rằng, việc mô -tuýp các câu chuyện về những nàng công chúa ngủ trong rừng và hoàng tử đến giải cứu, rồi hôn nhau, có ai chú thích nàng công chúa bao nhiêu tuổi không? Trên hay dưới 16 tuổi mà đã có những hành động như vậy?

Tất nhiên, tôi nghĩ đó là những suy diễn vui, nhân câu chuyện về Tấm Cám đang bị đưa ra mổ xẻ. Ở khía cạnh cá nhân, tôi nhận thấy, truyện Tấm Cám tồn tại được bao nhiêu đời nay thì cốt truyện phải thuyết phục hoặc ở khía cạnh đoạn kết, cha ông ta muốn răn dạy một điều gì khác mà thế hệ sau chưa hiểu đến. Tôi thấy, một là nên giữ nguyên bản truyện và đưa ra phần bài tập đọc hiểu phù hợp, hai là bỏ hẳn đi chứ đừng nên sửa. Sửa không khéo lại thành “cái sảy nảy cái ung” đấy chứ.

GS Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học): Nhiều truyện cổ tích khác cũng phải sửa

Theo tôi cứ nên để nguyên vì đây là truyện lâu đời, được tiếp nhận trong tâm thức người Việt giữa kẻ ác, người lành. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng: gốc của truyện cổ tích Tấm Cám không phải ở Việt Nam, truyện cũng có rất nhiều dị bản. Với kết thúc như lúc đầu thì Việt Nam không phải là nước duy nhất chọn kết này.

Trong tâm thức bao đời nay của người Việt Nam, cô Tấm là người hiền lành, đại diện cho các thiện. Nó gần giống với biểu tượng của Thúy Kiều, một mẫu hình của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa. Vì vậy, lúc này nếu chúng ta dùng tư duy hiện đại để tách kết cấu một truyện cổ tích, có nghĩa tách 1 câu chuyện mang tính giáo dục khỏi sự tiếp nhận trong đời sống người dân thì sẽ trở nên khiên cưỡng.

Ngoài ra, nếu chúng ta sửa truyện Tấm Cám thì cũng phải sửa rất nhiều truyện cổ tích khác. Ví dụ như truyện Thạch Sanh đã dùng ông trời để đánh chết Lý Thông rồi biến Lý Thông thành con bọ hung. Hay như câu ca dao “Thù này ắt hẳn thù lâu/ Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què” cũng nên sửa vì mang tính bạo lực quá.

Tôi cũng được biết, trước đây GS Chu Xuân Diên, Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&VN Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ) cũng đã nghiên cứu khá sâu về cốt truyện Tấm Cám. Hoặc GS Đinh Gia Khánh cho rằng: Phải để cô Tấm trừng phạt Cám như vậy thì mới được chân thực. Bởi trong cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, cô Tấm nhất định phải rút ra được kinh nghiệm xương máu là nếu mụ dì ghẻ và con Cám còn sống thì chúng sẽ không để cho cô sống.

 Giữa hai cách xử sự sau đây, phải chọn lấy một: để cho chúng sống rồi lại giết mình lần thứ năm, hay là giết chúng đi để có thể sống yên lành. Cô Tấm bắt buộc phải chọn cách thứ hai. Việc Tấm giết Cám và mụ dì ghẻ không hề làm giảm đạo đức của cô, làm giảm cái đẹp của hình tượng nhân vật. Nhưng sau đó ông lại viết: Tuy vậy, cô Tấm sẽ còn đẹp hơn nữa nếu cô không dùng những hình thức tàn khốc (giết bằng nước sôi, làm mắm thịt con cho mẹ ăn) để trừng trị bọn tội phạm...

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Thầy cô nên giúp học sinh

Chúng ta cũng nên hiểu hành động của Tấm giết Cám làm mắm cho mẹ Cám ăn chỉ là cái thể hiện, nói theo ngôn ngữ học, là cái biểu đạt, không nên hiểu nó theo nghĩa đen cụ thể. Hành động đó không phải là man rợ, nó chỉ nhằm thể hiện tư tưởng “ác giả ác báo” mà thôi. Hành động trả thù đó là điều không có thật và sự báo thù của Tấm là một biểu trưng, nó mang ý nghĩa cảnh tỉnh cái ác.

Thầy cô giáo phải giúp các em hiểu rõ tinh thần của sự trả thù của Tấm. Thế nhưng, nếu vì sự phù hợp với tính nhân văn của hiện nay thì có thể thay đổi kết chứ không cần phải bỏ hẳn như một số ý kiến bởi đây là truyện cổ tích hay.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Tứ kết Champions League: Pháo thủ bại trận, vua Man City băng hà

Premier League chính thức sạch bóng các đại diện tại Champions League sau khi Arsenal và Man City thất bại ở loạt trận tứ kết của giải đấu.

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam sau tình huống trọng tài tham khảo và rút thẻ đỏ cho hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng cuối hiệp 1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.