| Hotline: 0983.970.780

Tâm lý mẹ đơn thân

Thứ Bảy 21/04/2018 , 15:01 (GMT+7)

Những bà mẹ đơn thân, thường tập trung tất cả tình cảm và hy vọng vào con. Không ít người coi con như toàn bộ tài sản tinh thần của mình. Nó trở thành người quan trọng nhất trong cuộc đời bà mẹ.

105662960102815732
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Vì thế khi con lớn lên bắt đầu có người yêu, mẹ dễ bị chấn thương tâm lý, do tình cảm mẹ con bị chia sẻ. Trước nay con chỉ có mẹ, bây giờ nó có người yêu, có khi yêu hơn cả mẹ, khiến mẹ cảm thấy như bị "phản bội" và nỗi đau của người mẹ đơn thân là điều có thể hiểu được.
 

Chuyện ghi từ trung tâm tư vấn

Một bà mẹ gần 60 tuổi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội gặp chuyên gia tâm lý. Nghe chuyện bà kể hàng tiếng đồng hồ thấy rất đáng thương nhưng có lẽ thương nhất là anh con trai của bà gần 30 tuổi, dường như bất lực trước cảnh mâu thuẫn giữa mẹ và người yêu. Không hiểu bà ghét con dâu vì lý do gì nhưng hỏi kỹ ra thì chỉ vì cô là người nhà quê, trong khi mẹ chồng tự nhận là người gốc thành phố.

Bà uất ức kể có mấy người bạn có con gái vừa xinh vừa giỏi nhưng nó không yêu, lại yêu con bé "nhà quê" này, gia đình ở cách xa mấy trăm cây số. Từ khi nó chuẩn bị cưới đến nay, tôi phải về quê nó mấy lần, lần nào cũng phải đi từ 3 giờ sáng mà ô-tô chạy gần trưa mới đến nơi. Thông gia thì hơn tôi đến hai chục tuổi, nói chuyện toàn tiếng địa phương không biết đằng nào mà nghe. Con dâu ăn mặc như là phường chèo xanh xanh đỏ đỏ không thể nào chịu nổi. Đã thế môi nó lại cong lên hở hết cả lợi mà không hiểu thằng con tôi yêu vì cái gì. Nó làm thức ăn thì tôi không thể nuốt nổi, nay mai nó ở với mình thì sống ra sao?

Giữa lúc đó cô này có thai đã 4 tháng mà mẹ anh ta vẫn kiên quyết nếu con lấy nó thì mẹ sẽ từ con, trong khi nhà gái liên tục giục cưới vì cái thai ngày càng to. Cực chẳng đã, anh ta phải cưới vợ giấu mẹ. Nhưng nhà gái yêu cầu phải có cha hoặc mẹ chú rể đến xin cưới. Bí quá, anh ta đành tìm đến người cha đã bỏ mẹ con anh từ mấy chục năm nay và lập gia đình khác lâu rồi. Chắc hẳn ông ta có những lúc ân hận nên khi thấy con trai tìm đến nhờ đi hỏi vợ, ông rất sốt sắng. Nào ngờ tin đó đến tai bà mẹ.

Bà kể: "Như một lưỡi dao nó đâm thẳng vào trái tim tôi. Tôi ngã gục ra sàn nhà bất tỉnh”. May có hàng xóm sang cấp cứu kịp thời và báo cho anh con trai về ngay. Từ đó người con thẫn thờ như mất hồn, không thể làm việc được, cơ quan phải cho đi điều dưỡng. Khi anh ta có những dấu hiệu rối loạn tâm thần, bà mẹ mới hớt hải đi gặp chuyên gia tâm lý.

Nhưng cũng có trường hợp người con trai luôn nghe lời mẹ, không dám làm trái ý mẹ điều gì, kể cả việc kết hôn thì hậu quả là cứ như một quy luật, vợ anh ta sẽ lại hách dịch, độc đoán y hệt như bản sao của mẹ. Vì bản thân anh ta không bao giờ quyết định được điều gì. Từ nhỏ, anh ta đã không được “thiết kế” cho một cuộc sống tự lập mà cứ phải sống theo ý mẹ. Trong sâu thẳm trái tim, anh ta luôn ấm ức với mẹ và đến khi có vợ, anh ta chuyển nỗi ấm ức đó sang người bạn đời. Cuộc sống vợ chồng như thế làm sao hạnh phúc được?

Nói thế không có nghĩa rằng khi một cậu bé được nuôi dưỡng bởi bà mẹ đơn thân sẽ không thể có một cuộc sống hạnh phúc. Vấn đề là người mẹ đơn thân nuôi dạy con như thế nào để nó tránh khỏi những nghịch cảnh nói trên? Trước hết, cậu bé cần một hình ảnh tích cực về người cha của mình. Mẹ không nên nhắc đến chồng cũ như một hình ảnh xấu, bởi vì muốn hay không cậu bé sẽ trở thành một người đàn ông, và anh ta cần có một hình mẫu để hiểu thế nào là đàn ông. Người mẹ cũng không nên để con tin rằng cuộc sống chỉ có hai mẹ con là một gia đình lý tưởng. Ý nghĩ đó sẽ ảnh hưởng không tốt khi anh ta lập gia đình.

Khi con trai bạn có người yêu và bắt đầu một một cuộc sống riêng, bạn không nên gây khó khăn hoặc phản đối sự lựa chọn của con. Nếu bạn phá bằng được mối quan hệ đó mà không có lý do chính đáng, sẽ không bao giờ đứa con tha thứ cho bạn, vì nó đã bị bạn “cưỡng chế” tước đoạt người yêu của nó. Bạn cũng không nên chọn vợ thay con. Tất cả mọi người đều có quyền lựa chon người mà mình sẽ chung sống suốt đời. Khi người con có gia đình riêng, mối quan hệ vợ chồng của con càng tách ra khỏi mối quan hệ với mẹ càng tốt. Nếu sống chung, người mẹ cũng không nên can thiệp quá sâu vào hạnh phúc riêng của con.

Nhưng nhỡ nó chọn lầm người và sẽ khổ sở suốt đời thì sao? Không ai có thể bảo vệ con suốt cả cuộc đời nó, bởi vì bạn sẽ già và sẽ ra đi sang thế giới khác. Anh ta sẽ phải trả giá cho những sai lầm của mình và phải tự tìm một giải pháp thích hợp. Nếu người con không tự giải quyết được vấn đề của mình thì mãi mãi nó chỉ là đứa trẻ. Thử hỏi khi mẹ không còn nữa, nó biết nương tựa vào đâu trên cõi đời này? Có bà mẹ nào lại mong con như thế?

(Kiến thức gia đình số 16)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất