| Hotline: 0983.970.780

Tầm nhìn giống Thái Bình

Thứ Hai 09/01/2012 , 12:11 (GMT+7)

Có thể nói TSC, trong đó có cá nhân TGĐ Trần Mạnh Báo đã có tầm nhìn, cách đi riêng, độc đáo trên cả xa lộ ngành giống rộng lớn...

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát thăm giống lúa ĐH18 ngày 6/6/2011

Cách đây mấy năm, tôi cùng Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc về Thái Bình dự lễ ký chuyển nhượng bản quyền giống lúa thuần BC15. Bên bán là ông Đặng Tiểu Bình, cán bộ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm và khuyến nông Thái Bình, bên mua là Cty CP Giống cây trồng Thái Bình (TSC).

Buổi lễ diễn ra giản dị, với dăm chục người. Tôi nhớ hôm đó, mấy vị khách còn nói sai tên giống mặc dù tấm khẩu hiệu giăng phía trên to đoành ghi rất rõ giống lúa BC15. Hình như trong đầu tôi, các vị quan khách cũng như chủ nhà giống lúa này chưa có tên - một cái tên theo đúng nghĩa một thương hiệu giống. Và chắc chắn những người có mặt hôm đó đều không nghĩ rằng, sau này BC15 sẽ đăng quang như hôm nay. Nghe nói, “cha đẻ” của BC15 sau khi giao đứa con mang nặng đẻ đau cho TSC cũng nhẹ nhõm, bình thản ra về. Có 2 cách lý giải điều này- thứ nhất ông Bình tin tưởng ở bên mua sẽ giúp BC15 đơm hoa kết trái, và thứ hai ông Bình cũng mãn nguyện rằng cuộc mua bán đã xứng đồng tiền bát gạo, mặc dù giá chuyển nhượng chỉ khoảng 200 triệu đồng. Tôi nán lại bắt chuyện ông Bình, ông cho biết sở dĩ lấy tên BC15 là giống lúa này do chính tay ông chọn ra - vâng Bình chọn, chỉ đơn giản vậy.

 Thị trường giống lúa sau này có thêm nhiều cuộc mua bán bản quyền. Lớn có, bé có, có nâng lên và có đặt xuống. Tôi cũng nhanh chóng quên đi cuộc mua bán giống lúa BC15. Rồi mấy vụ lúa trôi qua, BC15 bắt đầu có danh phận, có tên tuổi. Lúc này nhiều người mới đi tìm hiểu xem BC15 “ra lò” từ Viện nghiên cứu nào, ai là tác giả, tại sao TSC biết mà mua được. Nhưng thật khiếm tốn, cả ông Đặng Tiểu Bình và TGĐ Trần Mạnh Báo đều trả lời đơn giản rằng, đó là giống lúa do người Thái Bình làm nên. Rồi TSC có thêm nhiều giống lúa mới, nhưng cái ngày BC15 bước vào ngôi nhà Cty tuy rụt rè, ngập ngừng vẫn là ngày đáng nhớ nhất.

Đến nay tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng BC15 đang là giống lúa dẫn đầu ở miền Bắc, xét về diện tích. Nếu nó có nhường ngôi vị quán quân cho giống lúa nào khác thì chỉ là Khang Dân mà thôi. Có lần tôi hỏi ông Báo- BC15 làm nên danh tiếng TSC hay ngược lại, ông Báo khôn ngoan dành câu trả lời đó cho tôi, và có thể cho cả những nông dân đang cấy BC15. Một câu trả lời chính xác thật khó, nhưng tầm nhìn xa của những người làm giống Thái Bình thì đã rõ- BC15 đã đi từ không đến có, trở thành giống lúa mơ ước với những người làm giống trên cả nước.

Có thể nói TSC, trong đó có cá nhân TGĐ Trần Mạnh Báo đã có tầm nhìn, cách đi riêng, độc đáo trên cả xa lộ ngành giống rộng lớn mà trên đó có nhiều loại phương tiện- các Cty giống cây trồng khác cùng tham gia giao thông. Hơn chục năm nay, cùng với sự cởi mở trong chính sách giống của Bộ NN-PTNT, các Cty giống ra đời khá nhiều. Cùng với giống lúa thuần, giống lúa lai liên tục "ra lò". Trên xa lộ đông đúc ấy, những người làm giống Thái Bình đã kiên định một hướng đi- đó là chọn tạo lúa thuần. Đến nay Cty đã cho ra mắt làng giống hàng loạt giống lúa thuần ưu tú, nổi bật là BC15 cùng các giống lúa dòng TBR. Và ngay việc đặt tên giống, những người làm giống Thái Bình đã tự tin, dám khẳng định mình bằng những giống lúa mang tên quê hương 5 tấn với seri giống TBR (Thaibinh Rice), chứ không phải là cái tên ngoại lai, vay mượn nào.

 Trong những năm qua, ngành giống cây trồng nhất là giống lúa đã có sự phát triển vượt bậc. Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng từng nhiều lần khẳng định chính công tác giống đã góp phần không nhỏ vào việc tăng sản lượng lương thực mỗi năm trên dưới 1 triệu tấn, như năm 2011 tăng tới hơn 2 triệu tấn. Và với bước nhảy vọt về sản lượng lương thực năm 2011, ngành Nông nghiệp đã hoàn thành mốc đề ra của năm 2015, tức là về đích sớm 4 năm. Giống lúa mới liên tục ra đời (khoảng 20 giống/năm), giống mới tốt hơn giống cũ đã mở toang cánh cửa ngành giống để người nông dân thoải mái lựa chọn giống mới. Cùng với các Cty giống cây trồng khác, TSC đã đóng góp không ít giống lúa cho đồng ruộng. Cty đã có 8 giống lúa được Bộ NN- PTNT công nhận giống quốc gia như: Dưu 527, TBR-1, BC15, TBR36, TBR45, Thái Xuyên 111, CNR36, TB25. Đặc biệt nhất là giống lúa mang tên Đại hội 18 tỉnh Đảng bộ Thái Bình- ĐH18 đã được Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát gửi tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay tại lễ phát động cả nước xây dựng nông thôn mới ngày 7/6/2011.

Không chỉ làm chủ đồng ruộng tỉnh nhà, các giống lúa Thái Bình đã đi khắp cả nước- lên miền ngược, ra miền biển, vào miền Trung, thậm chí đến tận tỉnh cực Nam của Tổ quốc là Bạc Liêu và Đồng Tháp giáp biên giới Tây Nam để tạo nên những cánh đồng no ấm. Luôn ý́ thức thương hiệu của một DN, nếu không muốn DN đó bị lẫn lộn hoặc chìm nghỉm giữa một rừng DN khác, ngay từ khi nhận trách nhiệm chèo lái TSC, ông Trần Mạnh Báo đã dành nhiều tâm sức đầu tư cho "bộ mặt" DN, bắt đầu từ chính lôgô Cty. Và không ai khác, trực tiếp ông đứng ra thiết kế lôgô.

Năm 1967, UB Hành chính tỉnh Thái Bình đã quyết định thành lập phòng giống trực thuộc UB Nông nghiệp tỉnh, năm 1968 đã xây dựng 2 trại SX giống lúa cấp 1 tại Đông Cơ - Tiền Hải và Đông Cường - Đông Hưng. Ngày 10/01/1972, ông Nguyễn Ngọc Trìu lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Thái Bình ký quyết định thành lập Cty Giống lúa Thái Bình, năm 1998 đổi tên thành Cty Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2004 được CPH thành Cty CP Giống cây trồng Thái Bình. Đến năm 2011 đổi thành Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình.

Sau này khi thương hiệu TSC đã đi khắp cả nước, tôi mới có dịp để ý chữ G với hình ảnh mầm lúa nhú lên- được ông Báo chiết tự ra nhiều ý nghĩa: G cũng là giống, G cũng là vàng (Golden), những hạt giống Thái Bình đem lại những hạt vàng cho nông dân. Đem lại những mùa vàng- với những người làm giống lúa, thì thiết tưởng đó chính là cái đích cần đến nhất. Ông Báo kể, có lần vào công tác phía Nam, chủ một tập đoàn kinh doanh phân bón cũng rất thiết tha với nông nghiệp mặc cả: "Ông để lại cho tôi cái chữ G này 10 tỷ". Không cần suy nghĩ, ông Báo trả lời: "Ông hỏi muộn quá, tôi trót bán nó cho người nông dân rồi". Thái Bình chỉ có lúa và chèo, chèo tượng trưng cho đời sống tinh thần, còn lúa là vật chất nuôi sống con người. Theo ông Báo, cuộc sống như thế là viên mãn. Và hiểu theo nghĩa này, nông dân Thái Bình có lẽ là những người viên mãn nhất.

Việt Nam là quốc gia lúa nước nên có lẽ không DN nào gần bà con nông dân hơn các Cty kinh doanh giống lúa. Và thành quả nghiên cứu, kinh doanh của các DN giống nếu có ai được hưởng trọn vẹn thì đó chính là người nông dân. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người làm giống TSC. Không bao giờ dừng lại, TSC đã và đang thực hiện Chiến lược đổi mới toàn diện và phát triển đúng hướng dựa trên 3 nền tảng “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ” lấy con người làm trung tâm, là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển; coi ứng dụng công nghệ mới vào nghiên cứu phát triển sản phẩm và quản lý là cơ sở động lực trong mọi hoạt động của DN đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác mà hợp tác quốc tế được xem là mũi nhọn, từng bước xây dựng Thái Bình thành một trung tâm giống cây trồng ở miền Bắc và cả nước.

Đầu xuân xin chúc những người làm giống Thái Bình đạt được mơ ước của mình!

40 năm và 10 cái nhất của TSC:

1. Đi đầu đổi mới Nông nghiệp quốc doanh bằng đề án khoán sản phẩm đến người lao động, trước khi có khoán 10 của Bộ Chính trị.

2. Tiên phong xóa bỏ chế độ bán hàng theo kế hoạch, tổ chức bán lẻ giống cây trồng đến tận tay nông dân.

3. Đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng VN xây dựng thương hiệu năm 1989 và đăng kí tại Cục Sở hữu trí tuệ.

4. Hợp tác với nước ngoài để chuyển giao giống mới vào VN sớm nhất (giống Dưu 527 hợp tác với ĐH Tứ Xuyên, Trung Quốc).

5. Đi đầu thực hiện thành công liên kết 4 nhà và tiêu thụ nông sản cho nông dân Thái Bình.

6. DN giống đầu tiên xây dựng và bảo vệ thành công thương hiệu giống thuần (giống lúa TBR-1) và mua bản quyền giống lúa thuần ở VN sớm nhất (giống BC15).

7. DN giống cây trồng đầu tiên lập Trung tâm Nghiên cứu sản phẩm mới trực thuộc DN.

8. Đơn vị dẫn đầu ngành giống thực hiện 3 hệ thông quản lý chất lượng quốc tế (ISO 9001-2000, ISO 17025 và TQM) và xây dựng Phòng Thử nghiệm Quốc gia (Mã số VILAS110).

9. DN giống tỉnh đi tiên phóng cấp 1 hóa giống lúa và thực hiện CNH ngành giống cây trồng.

10. Đơn vị sớm nhất đưa ra ý tưởng và là sáng lập viên Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN (VSTA).

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất