| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 23/07/2014 , 09:46 (GMT+7)

09:46 - 23/07/2014

“Tăm tối” dưới chân đèn

Dân gian có câu “Khoảng tối ngay dưới chân đèn”, đối chiếu quá đúng với những gì đang diễn ra ở khu tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. 

Câu chuyện di dân, tái định cư cho các dự án thủy điện vốn đã là đề tài được bàn thảo nhiều, từ nghị trường Quốc hội đến các bộ, ngành…, thế nhưng, hình như “bài học Hòa Bình” vẫn còn nguyên tính thời sự khi nó một lần nữa được lặp lại ở dự án thủy điện Huội Quảng và Bản Chát thuộc tỉnh Lai Châu.

Báo NNVN ngày 26/6/2014 đã phản ánh việc người dân 2 huyện Tân Uyên và Than Uyên biểu tình, thậm chí “do quá bức xúc, nhiều người dân đã cầm theo dây thừng làm lọng buộc sẵn để dọa thắt cổ ông Phan Bá Quyết - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên”.

Nguyên do dẫn đến tình trạng trên là do khi di dân, tái định cư để xây dựng các đập thủy điện Huội Quảng và Bản Chát, những lời hứa ban đầu tốt đẹp về cuộc sống mới ở vùng đất tái định cư không được chủ đầu tư và chính quyền thực hiện.

Dự án thủy điện Huội Quảng - Bản Chát ở tỉnh Lai Châu là hai dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 740MW, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Để xây dựng đập thủy điện 2 bậc thang này trên sông Nậm Mu, đã có khoảng 3.500 gia đình thuộc hai huyện Than Uyên và Tân Uyên phải di dời đến nơi ở mới.

Khởi công từ đầu năm 2006, dự trù hoàn tất thủy điện Bản Chát năm 2010 và Huội Quảng năm 2011, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành vì thiếu vốn đầu tư và thiếu tiền trợ cấp di dời tái định cư cho người dân.

Bên cạnh đó, các công trình công cộng như trường học, trạm xá y tế… vẫn chưa đầu tư xây dựng. Thậm chí, trụ sở UBND xã Tà Hừa phải đưa xuống gầm sàn mấy năm nay vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiếu vốn.

Chuyện xảy đến với người dân tái định cư của dự án thủy điện Huội Quảng - Bản Chát giống y chang như đã từng xảy đến cho hàng chục nghìn gia đình bị di dời tới khu vực tái định cư của các dự án thủy điện lớn nhỏ khác trên cả nước những năm vừa qua.

Hơn 10 năm trước, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ĐB Bùi Thị Bình nói về “bài học Hòa Bình” như là một điển hình cho tình trạng “mang con bỏ chợ”, đó là người dân tái định cư “đánh đổi di dời để lấy cái đói nghèo”.

Sau đó 10 năm, năm 2012, “bài học Hòa Bình” một lần nữa lại được nhắc lại khi ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) công bố tỷ lệ hộ nghèo ở khu tái định cư thủy điện Hòa Bình. 40 năm kể từ khi hòn đá đầu tiên được ném xuống Sông Đà, tỷ lệ hộ nghèo không giảm mà đang tăng, từ 34% năm 2007 lên đến 49%, chưa tính đến 30% hộ cận nghèo.

Vấn đề không chỉ là Hòa Bình, khi ở Phú Yên nơi có nhiều công trình thủy điện, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, có xã trên 80%. Hay điển hình là khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) với tỷ lệ hộ nghèo đạt đỉnh 89,58%.

Và nay, lại có thêm Lai Châu, vốn đã nghèo, tiếp tục góp mặt!

Không phủ nhận thủy điện góp phần lớn vào an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của nước nhà. Thế nhưng, khó có thể lấy lý do đó để biện minh cho sự tắc trách, coi thường công tác an sinh xã hội của chủ đầu tư khi thực hiện dự án.

Bộ NN-PTNT, trong báo cáo gửi UB Khoa học công nghệ và môi trưởng của Quốc hội năm 2013, đã nhận xét: Hầu hết các dự án thủy điện được các chủ đầu tư chuẩn bị nghiên cứu trong một thời gian dài nhưng khi tổ chức tái định cư thì thực hiện gấp gáp, bỏ qua một số bước nhằm sớm giải phóng mặt bằng. Hậu quả là hầu hết các khu tái định cư thiếu nước sinh hoạt; các hạng mục như điện, đường, trường, trạm chậm hoàn thành hoặc xuống cấp...

Theo các chuyên gia, thời gian để người dân tái định cư ổn định cuộc sống ở chỗ mới là trên 5 năm; thậm chí đối với người dân tộc thiểu số để làm quen với tập quán, văn hóa, ngành nghề mới thì cần trên 10 năm.

Đấy là câu chuyện “xuôi chèo mát mái” khi người dân đã có chỗ ở, đã có đất sản xuất ổn định. Đằng này, ở Than Uyên và Tân Uyên, như NNVN phản ánh, đã 8 năm nay họ mong mỏi điều này trở thành sự thật…

Dân gian có câu “Khoảng tối ngay dưới chân đèn”, đối chiếu quá đúng với những gì đang diễn ra ở khu tái định cư thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. Có điều, không biết đến khi nào người dân ở đây thấy “ánh sáng” mà thôi.