| Hotline: 0983.970.780

Tận cùng bất hạnh

Thứ Sáu 10/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Trong căn nhà 2 gian tối om xập xệ, hình ảnh người mẹ già 84 tuổi đang xúc từng thìa cháo cho người con gái (55 tuổi, không chồng, con) bị tai biến mạch máu não, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Về xóm Duyên, xã Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên) hỏi thăm nhà cụ Võ Thị Nga (tên thường gọi là cụ Phên) ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của bà cụ 84 tuổi, đã trải qua biết bao nhiêu đau đớn.

Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, cụ Nga lấy chồng và sinh được 7 người con, 3 trai, 4 gái. Cả gia đình 9 người đã cùng nhau trải qua những năm tháng khó khăn nhất. 20 năm trước cụ mất đi người chồng, chỗ dựa vững chắc nhất trong cuộc đời cụ.

Nỗi đau chưa nguôi ngoai, cụ lại lần lượt chứng kiến 3 người con trai qua đời bởi những căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng nỗi đau chưa dừng lại ở đó, năm 2009, cụ lại một lần nữa mất đi người con gái do bị nhồi máu cơ tim. Trong vòng 20 năm, 3 trai, 1 gái và chồng đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời cụ.

Hai người con gái đi lấy chồng xa, kinh tế khó khăn nên cũng không giúp gì được nhiều cho mẹ. Chỗ dựa duy nhất của cụ sau những mất mát, đau đớn ấy là người con gái tên Phạm Thị Nhích.

Nhưng năm 2012, tai ương lại ập đến với đứa con gái hiếu thảo đáng thương của cụ, chị Nhích lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Ánh mắt cụ hướng ra cửa rồi từ từ kể cho chúng tôi về cái ngày đáng sợ đó: “Sáng sớm hôm đó, tôi bảo cái Nhích đi vào rừng chặt bó nứa về rào mảnh vườn trước sân để trồng ít rau. Buổi chiều về hai mẹ con cùng rào, thấy nó vẫn bình thường.

Đến bữa ăn, tự nhiên tôi thấy miệng nó méo sang một bên, rồi bàn tay, chân phải tự nhiên co quắp lại, tôi sợ quá hô hào hàng xóm, lúc đó, nó nhìn tôi, giơ hai tay lên ú ớ gọi mẹ ơi, rồi ngã ngửa ra đất”.

Nằm viện hơn một tháng trời, chị Nhích không nói được, hỏi gì chị cũng chỉ biết gật gật đầu. Không đủ trang trải tiền viện, tiền thuốc, cụ Nga đành phải xin bệnh viện cho chị Nhích về nhà. Được mọi người mách, cụ đi cắt mấy thang thuốc nam, dần dần chị Nhích nói được, nhưng lại bị liệt nửa người.

Cụ Nga lại rưng rưng nước mắt khi kể đến đây. Người ta thường nói “mất cái này thì được cái kia”, nhưng với cuộc đời cụ thì “ông trời” lại lấy đi tất cả mà không cho cụ một niềm vui trọn vẹn nào. Cuộc sống của người mẹ già 84 tuổi với đứa con gái 55 tuổi liệt nửa người đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Cả tháng, hai mẹ con chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp ít ỏi của xã hội, một ngày chỉ có 20 ngàn đồng để vừa ăn, vừa thuốc thang. Hàng ngày cụ Nga chỉ nấu một bữa cơm trưa, hai mẹ con cùng ăn, bữa sáng và tối chị Nhích ăn cháo ăn liền. Nếu trưa còn cơm nguội thì tối cụ ăn, bằng không chỉ ăn một bữa sống qua ngày.

Một người khỏe mạnh chăm sóc người bệnh đã khổ, vất vả, đằng này cụ Nga đã 84 tuổi, lưng còng, gầy gò lại còn đeo thêm những căn bệnh tuổi già nên vất vả khó khăn biết nhường nào.

Vào những hôm thay đổi thời tiết, cơ thể chị Nhích đau nhức toàn thân, khiến chị không thể ngủ ngon. Những đêm như vậy, thương con cụ lại thức cả đêm để xoa bóp cho chị, hoặc phải dậy đến 5 lần đỡ chị đi vệ sinh.

Mặc dù căn bệnh quái ác đã khiến một nửa cơ thể chị không thể nào cử động được, song chị Nhích vẫn luôn lạc quan trong cuộc sống. Ngày ăn hai bát cháo, uống đến cả chục viên thuốc, nhưng chị vẫn kiên trì luyện tập, cố gắng nói chuyện thật nhiều với mẹ, an ủi mẹ.

Khi được hỏi về mong muốn của chị là gì? Chị lắp bắp, giọng run run: “Tôi thương mẹ lắm, cứ tưởng có thể làm một điều gì đó cho mẹ, sau những mất mát quá lớn của gia đình, nhưng rồi chính mình lại trở thành gánh nặng cho mẹ. Nhiều lúc nhìn mẹ phải cố hết sức để nâng mình dậy, chị chỉ muốn chết quách cho xong. Giờ chỉ mong mẹ khỏe mạnh, để mình có chỗ dựa, có mẹ ở bên cạnh mỗi đêm thôi”...

Gia cảnh trên mong nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm