| Hotline: 0983.970.780

Tận dụng bãi rác

Thứ Sáu 04/09/2015 , 07:20 (GMT+7)

Xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp luôn là vấn đề gây đau đầu ở nhiều nước trên thế giới. Ở một số nơi, người ta đã tìm ra những cách thức tận dụng bãi rác vào những việc có ích.

Latvia, một nước từng nằm trong liên bang Xô-viết, không phải là vùng đất có khí hậu phù hợp để trồng một số loại rau quả ôn đới, ví dụ như cà chua. Nhưng nhờ có cách tận dụng thông minh những bãi rác làm nguồn năng lượng, một nhà kính lớn gần thủ đô Riga hiện trồng hơn 450 tấn cà chua mỗi năm.

Cà chua bãi rác

Người tiêu dùng Latvia đang có cơ hội thưởng thức những trái cà chua vàng mỡ màng thậm chí có thể không biết rằng chúng được “SX trong nước”, không những thế lại còn được trồng từ các loại rác mà chính họ thải ra.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, bãi rác Getlini khổng lồ bên ngoài thủ đô Riga đón nhận khoảng một nửa lượng rác thải của đất nước rộng hơn 64.000km2 và dân số hơn 2 triệu người này.

10 năm trước, với sự giúp đỡ tài chính từ nước láng giềng Thụy Điển và Ngân hàng thế giới, Latvia đã biến bãi rác Getlini khổng lồ thành một nhà máy điện với mục tiêu biến rác thải phân rã thành khí methane và đưa vào SX điện.

Theo nhà nông học địa phương Guntars Strauts, tiến trình phân rã rác và tập hợp khí methane cũng giúp sự sinh trưởng của cây cà chua trong nhà kính.

“Một hệ thống máy móc tập hợp khí gas hình thành trong qua trình làm phân rã rác thải và thanh lọc chúng. Khí này được sử dụng để SX điện trong các cỗ máy tương tự động cơ đốt trong. Các cỗ máy này trong khi hoạt động cũng nóng lên như động cơ ô tô.

Do vậy, máy phát năng lượng cần hệ thống tản nhiệt lớn để làm mát. Và nhà kính đóng vai trò như bộ tản nhiệt của một chiếc ô tô khổng lồ. Mối liên hệ của nhà kính và bãi rác chính là nhiệt năng sinh ra từ bãi rác”, Strauts nói.

Do đặc điểm khí hậu của Latvia, nhà kính cần được sưởi ấm ngay cả trong mùa hè. Khí nóng giúp xua tan độ ẩm dư thừa giúp cây tránh được các loại nấm mốc có hại.

Ngoài việc biến các loại chất thải không tái chế được trở thành năng lượng, các nhà quản lý bãi rác Getlini cũng tập hợp và xử lý các loại chất thải có thể tái chế.

Tháng 10/2015, một nhà máy mới sẽ được khánh thành gần bãi rác với mục tiêu trong 10 năm tái chế 90% trong số 300.000 tấn rác và chất thải mà bãi rác Getlini đón nhận mỗi năm.

Không chỉ ở Latvia, ở nhiều quốc gia trên thế giới, câu chuyện bãi rác luôn ẩn chứa những nguy cơ và những vấn đề gây tranh cãi.

Sau cơn bão Katrina năm 2005 ở Mỹ, bang Louisiana đầy rẫy các ngôi nhà bỏ hoang, những đống đổ nát, xà bần do cơn bão tạo ra. Một bãi rác khổng lồ được hình thành để tiếp nhận các loại rác thải và chúng đã gây ra nhiều thảm họa môi trường, đe dọa vùng ngập nước vốn tự hào về tính đa dạng sinh học của Mỹ. Không chỉ gây thảm họa về cảnh quan, bãi rác còn khiến một vùng rộng lớn bị ô nhiễm hóa chất từ đủ loại vật liệu xây dựng. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra và sau nhiều căng thẳng, chính phủ phải dẹp bỏ bãi rác và có phương án xử lý hiệu quả hơn.

Đó mới chỉ là ở vùng Louisiana hẻo lánh xa xôi. Ngay tại thành phố lớn nhất nước Mỹ là New York, sự hiện đại của nó cũng không đủ giúp con người tránh khỏi những vấn đề của rác thải.

Hóa giải bãi rác cũ

Năm 2009, người dân bắt đầu thấy gần khu dân cư Brooklyn, kế Sân bay Quốc tế Kennedy, bắt đầu lác đác cỏ và những ngọn cây nhỏ mọc lên. Tuy nhiên, đây có thể coi là một sự kiện bởi vùng đất đó trong vòng nhiều thập kỷ là bãi chôn lấp rác Fountain Avenue khổng lồ.

16-36-20_07lndfillspn600
Cây đã mọc lên từ đất bãi rác Fountain, New York

“Đó là một bãi rác lâu đời xấu xí”, Lee Shelley, một người dân sống lâu năm trong vùng nói với New York Times. Theo người này, bãi rác trong gần hai thập kỷ là nỗi ám ảnh của thành phố vệ tinh Starrett kế cận. Nỗi ám ảnh ấy lớn đến mức người dân và chính quyền phải tìm mọi cách để hóa giải vấn đề.

Ngày nay, người dân đến khu bãi rác xưa có thể dạo chơi trên các bãi cỏ cao hơn 40m so với mực nước biển. Đây có thể coi là khu đất cao nhất thành phố, từ đây có thể ngắm nhìn gần như toàn cảnh khu trung tâm của thành phố New York.

Đó là kết quả của một dự án trị giá 200 triệu USD. Người ta dùng một lớp vải nhựa phủ kín hai khu chôn lấp rác Fountain và Pennsylvania rồi lèn xuống bằng đất sạch, trồng lên trên 33.000 cây và bụi cỏ. Dự án đã khôi phục được hơn 11 ha đất và môi trường tự nhiên vốn đã biến mất từ lâu.

Ở thời điểm 2009, chính quyền thành phố New York vẫn xếp khu vực bãi rác là nơi độc hại, tuy nhiên rõ ràng là không khí đã trong lành trở lại.

Bãi chôn lấp rác Fountain mở cửa năm 1961, xử lý các loại rác thải đô thị, rác thải xây dựng, tro cốt và thậm chí là cả xác người vô thừa nhận. Bãi rác Pennsylvania hoạt động từ năm 1958 tới 1980.

Mặc dù đã bị đóng cửa, tuy nhiên trước khi được xử lý, hai bãi rác nói trên vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Lửa vẫn cháy âm ỉ bên dưới, phát tán ra thứ mùi thối rữa. Các chất kim loại, dầu, thuốc trừ sâu và chất PCB âm thầm đổ xuống vịnh Jamaica. Người dân liên tục phàn nàn về các vấn đề sức khỏe và đến năm 1995, giữa chính quyền và người dân đã đi đến một thỏa thuận về việc xử lý triệt để các vấn đề của bãi rác.

Sau một thời gian nỗ lực xử lý, chính quyền thành phố New York đã có thể xếp khu vực hai bãi rác cũ thành vào danh mục an toàn cho các hoạt động công cộng.

“Những bụi cây vươn lên trên nền bãi rác quả thực là điều kỳ diệu, thứ chúng tôi khó lòng tưởng tượng ra trong những năm trước đây”, Lee Shelley nói.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất