| Hotline: 0983.970.780

Tận dụng tối đa nước đổ ải

Thứ Ba 17/01/2012 , 10:23 (GMT+7)

Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, khẳng định đủ nước đổ ải phục vụ ĐX 2012 tại miền Bắc.

Ông Đặng Duy Hiển
Trao đổi với NNVN hôm qua (16/1), ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) khẳng định mực nước các hồ thủy điện đang dồi dào, đảm bảo xả đủ nước đổ ải phục vụ ĐX 2012 tại miền Bắc.

Thưa ông, tình hình thời tiết, mực nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện có thuận lợi cho việc xả nước?

Về thời tiết, từ đầu năm đến nay xuất hiện vài đợt mưa nhỏ, tổng lượng mưa từ 20- 30mm tại các tỉnh Tây bắc và Đông Bắc bộ. Cách đây hai ngày, mưa cục bộ tương đối lớn (từ 60-80 mm) ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái; cá biệt ở Lào Cai mưa to, xuất hiện lũ trái vụ.

Về hồ chứa, nguồn nước bị hạ thấp do phải cấp nước cây vụ đông, dung tích hiện tại dao động 60- 80% so với thiết kế. Một số hồ chứa ở Bắc Giang, Phú Thọ mực nước thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Mực nước các sông từ đầu tháng 1 đến giờ cũng đang ở mức thấp. Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng dao động khoảng từ 1-1,5 m. Tuy nhiên từ ngày 14/1 trở lại đây thì hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã tăng dần lưu lượng xả cho nên mực nước trên các tuyến sông đã nâng lên.

Kể từ 6h hôm qua (16/1), các hồ thuỷ điện nói trên tăng lượng xả qua máy phát điện bổ sung nước về hạ du, nâng cao mực nước để các hệ thống thuỷ lợi lấy nước làm đất gieo cấy lịch đợt 1 từ 5h ngày 18/1 đến 18h ngày 22/1.

Dung tích các hồ thủy điện ra sao, kế hoạch xả cụ thể thế nào, thưa ông?

Tổng dung tích 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang là 8,9 tỷ m3. Bắt đầu từ ngày 14/1, cả 3 hồ nói trên đồng loạt xả nước về hạ du, với lưu lượng 1.295 m3/s. Đến 15/1 là 1.700 m3/s. Ngày 16/1 lưu lượng lên từ 2.300-2.500 m3/s. Các ngày tiếp theo dự kiến tiếp tục tăng 2.700-3.200 m3/s, đảm bảo đến 5h ngày 18/1 mực nước tại Hà Nội là 2,2m trở lên, đủ điều kiện để các địa phương lấy nước đổ ải.

Ngành thủy lợi chỉ đạo biện pháp gì để địa phương lấy đủ nước gieo cấy?

Chúng tôi khuyến cáo các tỉnh đầu nguồn như phía bắc Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ phải tập trung huy động mọi phương tiện để lấy nước ngày trong đợt 1, tận dụng tích trữ nước vào hệ thống thủy lợi. Các tỉnh ven biển chuẩn bị máy bơm, mở các cửa cống tận dụng thủy triều để lấy nước.

Các địa phương phải giải quyết một số khó khăn sau: Một là nhanh chóng thu hoạch cây vụ đông để có mặt bằng sản xuất. Hai là lấy nước tới đâu gieo cấy tới đó, không lấy nước vào nơi chưa có mạ để tránh khê đất. Ba là phải vận hành công trình hết công suất để lấy nước tích trữ. Cụ thể đưa vào hệ thống kênh rãnh, kênh tiêu, ao, đầm… Thứ tư, phải bố trí đủ nhân lực túc trực tại công trình, điều tiết nước hợp lý và xử lý sự cố kịp thời. Thứ năm, các địa phương phải liên hệ chặt chẽ với chính quyền cơ sở để được chỉ đạo lấy nước theo lịch luân phiên, tránh tranh chấp nước xảy ra.

Bà con nông dân cũng cần bám sát đồng ruộng, sử dụng mọi phương tiện đưa nước vào ruộng, tổ chức làm đất và gieo cấy ngay sau khi ruộng có nước. Đồng thời phải chú trọng việc quản lý nước, thường xuyên đắp bờ giữ nước; phải bám sát lịch cấp nước ở địa phương mình; đến lịch bà con phải đồng loạt ra quân để lấy nước.

 Đối với ngành NN-PTNT các tỉnh, ông khuyến cáo gì để việc lấy nước được thuận lợi?

Sở NN-PTNT các tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp cần thiết để phòng chống hạn hán, đảm bảo lấy nước kịp thời theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố. Đôn đốc các Cty KTCTTL và các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành thử công trình thủy lợi; tổ chức lắp đặt các trạm bơm dã chiến ở những nơi cần thiết; tiếp tục nạo vét cửa cống, bể hút, trạm bơm, hệ thống kênh lớn và thủy lợi nội đồng để kịp lấy nước đổ ải cả 2 đợt.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết ở địa phương và điều chỉnh hợp lý việc lấy nước của các công trình; chỉ đạo việc vận hành hệ thống thủy lợi lấy nước, cấp nước và trữ nước; điều nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo việc lấy nước đối với những diện tích khó khăn nước tưới, nhất là vùng tưới bằng bơm điện. Phối hợp chặt chẽ với các đài truyền hình, phát thanh các cấp thường xuyên để thông tin diễn biến của nước, lịch lấy nước đến bà con nông dân, đảm bảo hiệu quả lấy nước cao nhất.

Các Cty khai thác thuỷ lợi phải bố trí đủ lực lượng vận hành công trình để lấy nước tối đa, trữ vào các vùng trũng, vùng thấp, ao đầm và hệ thống kênh. Cần thiết thì phải tổ chức bơm truyền nhiều bậc, đảm bảo bơm nước cho cả các khu vực có địa thế cao.

Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có Công điện yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Cty KTCTTL và địa phương thực hiện ngay một số nội dung sau:

- Đảm bảo đủ các phương tiện chuẩn bị lấy nước và tăng cường lực lượng trực tại các cống, trạm bơm để vận hành công trình, sử dụng tổng hợp các phương tiện tổ chức lấy nước trữ vào ruộng, hệ thống trục, ao, đầm và các vũng trũng thấp.

- Đảm bảo khơi thông dòng chảy, giải toả ách tắc trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt là kênh dẫn nước vào cửa cống, bể hút trạm bơm.

- Bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa và quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để nước rò rỉ hoặc mất nước.

- Thường xuyên tổng hợp tình hình nguồn nước, vận hành công trình, công suất và chất lượng điện, diện tích đã có nước và hàng ngày báo cáo các số liệu về Tổng cục Thuỷ lợi theo số máy 0437335711, 0437335712; số fax: 0437335703. Email: tuoitieu@mard.gov.vn (hoặc điện thoại trực tiếp cho đ/c Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thuỷ lợi, Thư ký Tổ Điều hành công tác phòng chống hạn của Chính phủ, số máy di động: 0972891368) để tổng hợp báo cáo về Bộ NN-PTNT. 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất