| Hotline: 0983.970.780

Tan giấc mơ công nhân

Thứ Tư 29/02/2012 , 12:26 (GMT+7)

Hầu hết nông dân khi dâng đất cho KCN đều đặt hy vọng vào giấc mơ con cháu mình sẽ được làm công nhân. Nhưng giờ KCN bỏ hoang, giấc mơ ấy tan tành theo mây khói.

Hầu hết nông dân khi dâng đất cho KCN đều đặt hy vọng vào giấc mơ con cháu mình sẽ được làm công nhân. Nhưng giờ KCN bỏ hoang, giấc mơ ấy tan tành theo mây khói.

>> Chủ đầu tư ''nổ'', dân khốn khổ
>> Khu công nghiệp mang lại nỗi buồn


"Chỉ nỗi khổ của dân là ở lại"

Thôn Trại Cúp (xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một điển hình trong số những địa phương hiến 100% đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư. Trưởng thôn Tạ Xuân Bùa thống kê: Trại Cúp có 201 hộ, 682 nhân khẩu nhưng chỉ vỏn vẹn 10 người được làm công nhân sau khi mất đất. KCN bỏ hoang biến dân chúng tôi từ chỗ có việc làm ổn định thành nơi dư thừa lao động và biết bao hệ lụy kèm theo vì theo kế hoạch, thời hạn tối đa mà Tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan), chủ đầu tư KCN Bá Thiện, phải xây dựng nhà điều hành là tháng 7/2011. Nhưng đến nay, thời hạn qua từ lâu, nhà điều hành vẫn còn nằm trên giấy, KCN vẫn chỉ là bãi đất hoang”.


Người dân phải tận dụng đất trong KĐT để canh tác
 

Làm trưởng thôn nên ông Bùa luôn trăn trở: “Dân Trại Cúp không đáng phải chịu thảm kịch hiện tại”. Trăn trở là vì thời KCN Bá Thiện bắt đầu chiến dịch thu hồi đất, dù mức giá đền bù bình quân chỉ 14-17 triệu một sào nhưng hầu hết các hộ dân trong thôn cùng với các thôn Vinh Tiến và Bắc Kế chấp hành nhanh đến mức sẵn sàng di chuyển 219 ngôi nhà đang ở trong diện tích đất thổ cư để ra ở tại khu nhà tạm do tỉnh dựng lên. Họ phải đi cho kịp ngày lễ khởi công của chủ đầu tư.

Ngay sau đó, 9/14 thôn của xã Bá Hiến lần lượt hưởng ứng phong trào nhường đất, 850 ha đất nông nghiệp chủ yếu là ruộng hai lúa trong chớp mắt bị san ủi chỉ còn một nửa. Cũng tiếc, cũng xót xa vì lúa, màu đang tươi tốt mà phải bỏ, nhưng bù lại, người dân phần nào được an ủi bởi họ sắp sửa thành công nhân đến nơi rồi. Không ai nghĩ đó là sự khởi đầu của tấn bi kịch ập lên những người “hăng hái” nhất. Sau 5 năm dâng đất, bây giờ hỏi về nghề nghiệp, ông Bùa bảo: Những người dân ở Trại Cúp hiện nay sống nhờ vào những dải đất ven đường trong khu đô thị theo phương châm “hở chỗ nào cắm rau chỗ đó”. Về đời sống? Nông dân hết ruộng, tiền đền bù xây nhà xây của hết sạch từ lâu, đi làm thuê được đồng nào tiêu đồng đó. Giấc mơ làm công nhân đang bị chôn vùi đâu đó dưới bãi đất hoang kia kìa. Vấn đề công ăn việc làm, dư thừa lao động sau khi mất ruộng rất nhiều lần được ông trưởng thôn đề đạt lên xã, lên huyện nhưng rồi đâu lại vào đấy.

“Năm 2007 bà con đã lo ngại vấn đề việc làm sau khi mất đất, cả huyện và tỉnh đều “trấn an” rằng sẽ có chủ trương. Buồn thay, “sẽ” năm trời rồi mà vẫn chưa có động tĩnh gì”, ông Bùa chán nản.

Quá bức xúc nhiều lần những người nông dân mất đất đệ đơn cầu cứu lên các chính quyền cấp cao hơn để hy vọng có một vị cán bộ nào đấy về xem xét thực trạng đời sống người dân, thực trạng KCN phơi sương phơi nắng. Kêu mãi, cuối cùng họ rút ra kinh nghiệm: Cán bộ đến kỳ chuyển vị trí công tác, hỏi người này thì họ chỉ sang người kia. Chỉ còn nỗi khổ của dân là ở lại.

Mới đây nhất, KĐT Bá Hiến “lên khuôn” 85,58 ha đất nông nghiệp của xã, dù chưa có phương án kê khai quy chủ đền bù nhưng nông dân họ bảo: Chúng tôi sợ lắm rồi. Họ sợ là phải, bởi KCN Bá Thiện bây giờ đã cho bài học quá rõ ràng. Được biết, khi quy hoạch diện tích đất nông nghiệp phục vụ công nghiệp ban đầu, các chủ đầu tư không chỉ lấy đất của xã Bá Hiến, Thiện Kế mà còn nhăm nhe lấy sang cả xã Tam Hợp. Trái với “giấc mơ làm công nhân” của xã bạn, người dân Tam Hợp không chấp nhận giao đất vì mức giá đền bù quá thấp của chủ đầu tư. Với lại họ băn khoăn với muôn vàn câu hỏi: Ngàn đời nay, nông dân chỉ biết mỗi nghề làm ruộng, KCN nhảy vào họ sẽ làm nghề gì? Bao nhiêu nơi người ta chỉ hứa thế thôi chứ KCN xây dựng thì mấy ai có được việc làm? Vậy là người dân Tam Hợp đấu tranh giữ đất, và họ giữ được.

Xin được… thu hồi tiếp

Một nghịch lý đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh, nơi có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để làm KCN, là người dân được đền bù hỗ trợ nếu đem so với thu nhập thì tương đối lớn. Ngỡ tưởng “đổi đời đến nơi”, ai dè lắm cơ sự xảy ra đẩy họ rơi vào bi kịch cả.

Vợ chồng anh Phạm Văn Dân (47 tuổi) và chị Nguyễn Thi Hoa (48 tuổi) ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) có 2 người con trai đều đã đến tuổi khôn lớn và có người đã lập gia đình. Trước đây, với 7 sào ruộng trồng lúa cùng việc anh Dân đi làm nghề thợ nề cũng đủ để ổn định đời sống gia đình. Nhưng từ năm 2002, khi CNN Phố Nối A được mở rộng thì cũng là lúc gia đình anh Dân và nhiều bà con trong xã phải nhường đất lúa.


Người dân tận dụng mọi thứ để có thể trồng cây trong khi KCN bỏ hoang hóa nhiều năm

 Mất 4 sào ruộng, đổi lại vợ chồng anh Dân nhận được khoản tiền đền bù gần 70 triệu đồng, kèm theo lời hứa “sẽ được phía doanh nghiệp trong cụm công nghiệp tạo công ăn việc làm cho con em”. Cầm tiền đền bù trong tay cũng là lúc gia đình bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó. Đầu tiên là người con trai cả lập gia đình, vợ chồng anh phải oằn lưng cố chắt chiu, vay mượn gần 100 triệu đồng để xây nhà cho con ở riêng. Sau đó, người con trai thứ đi học Trung cấp điện, anh chị cũng lao đao vì tiền. Cũng may, các doanh nghiệp giữ lời hứa, con trai và con dâu của anh Dân được “mời” vào làm công nhân với mức lương…1 triệu đồng.

Đứng trên mảnh ruộng đã bị san lấp của mình, chị Nguyễn Thị Lan ở xã Tứ Minh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, rầu rĩ: “Cả nhà tôi có 6 nhân khẩu với 1,2 mẫu ruộng nay đã bị thu quá nửa rồi. Tiền cũng nhận và tiêu hết rồi, nếu sắp tới các ông ấy không thu nốt số còn lại, tôi không biết lấy tiền đâu mà chi tiêu”.

Nói có vẻ nghịch lý, bởi nông dân đời nào lại thích đất canh tác của mình bị thu hồi? Nhưng, với số tiền ít ỏi, 25 triệu đồng cho mỗi sào mà chị nhận được, nay đã dùng vào việc xây nhà hết, số ruộng còn lại thì toàn là chân đất xấu, khó canh tác, nên “ước mơ được thu hồi đất” của chị Lan không khó lý giải.

Không chỉ riêng Hưng Yên, ở Bắc Ninh, việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng KCN cũng khiến hàng chục ngàn hộ lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Thửa, trưởng thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) thì phần lớn các hộ dân trong thôn ông đều nghèo, nhà cửa còn xập xệ, nên khi vừa nhận được tiền đền bù, họ đã dùng ngay vào việc xây nhà và mua sắm. Nhưng do số tiền nhận được quá ít ỏi, để xây được cái nhà hoàn chỉnh họ lại phải vay thêm. Hậu quả là hàng trăm hộ đó đang trở thành con nợ, nhà nào còn ruộng thì hy vọng sẽ “được” thu hồi tiếp để lấy tiền trả nợ. Còn những hộ khác thì không biết xoay xở ra sao.

+ Theo một khảo sát mới nhất do Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh thực hiện, thì việc thu hồi đất tại tỉnh này đã tác động đến 43.000 hộ dân (chiếm khoảng 20% số hộ) với khoảng 220.000 người bị ảnh hưởng, con số này tương đương với gần 1/4 dân số tại đây, tức cứ 4 người, thì có 1 người ít nhiều bị mất đất. Trong số những người trong độ tuổi lao động, hiện tỉnh mới giải quyết được việc làm cho trên 14.000 người, chủ yếu ở độ tuổi dưới 30. Gay go nhất là những người ở trong độ tuổi từ 35-60, số này rất khó giải quyết do trình độ kém, không tiếp thu được kỹ thuật mới. Cũng theo khảo sát, về đời sống tại đây, chỉ có 35% số hộ được đánh giá có mức sống khá hơn, còn lại nhiều hộ vẫn sống như cũ, thậm chí có nhiều hộ mức sống còn thấp hơn so với trước khi bị thu hồi đất.

+ Kết quả điều tra của Viện Xã hội học cho thấy, cứ mỗi ha đất bị lấy đi sẽ có 10 lao động bị ảnh hưởng. Mặc dù, số diện tích đất nông nghiệp được thu hồi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng do thu hồi mang tính tập trung nên một số xã bị mất từ 70 - 80% diện tích, kéo theo nhiều hộ bị thu hồi 100% diện tích, không còn đất sản xuất. Còn lại, đa phần các hộ ở các địa phương có diện tích đất thu hồi lớn như Hà Nội (5.469ha), TP. Hồ Chí Minh (4.000 ha), Hải Phòng (4.126 ha), Bắc Ninh (3.800 ha), Bình Dương (3.500 ha)... thường bị thu hồi từ 50 - 70% diện tích. Việc thu hồi đất nông nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới 2,5 triệu người.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất