| Hotline: 0983.970.780

Tân Hiệp A, con chim đầu đàn

Thứ Sáu 13/06/2014 , 09:36 (GMT+7)

Xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là xã đầu tiên của tỉnh vượt qua hành trình dài phấn đấu xây dựng NTM.

Nền tảng vững chắc

Xã Tân Hiệp A là địa phương có đông đồng bào công giáo di cư, sống tập trung dọc theo các tuyến kênh. Đất đai được quy hoạch liền canh liền cư, thuận lợi cho việc SXNN.

Ngoài canh tác lúa 2 đến 3 vụ/năm, người dân Tân Hiệp A còn trồng rau màu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt. Trình độ dân trí khá và lực lượng lao động dồi dào, được trải nghiệm trong thực tế SX, người dân cần cù lao động, tích cực tăng gia SX đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Năng suất lúa bình quân ở Tân Hiệp A hiện nay khá cao, đạt hơn 14 tấn/ha/năm, thu nhập bình quân đạt 38,5 triệu đồng/người/năm, vượt xa so với chỉ tiêu phấn đấu là 29 triệu đồng (năm 2015).

Từ những yếu tố trên, cộng với ý thức của người dân là điều kiện thuận lợi để xây dựng NTM. Trong thời kỳ đổi mới, cũng như hiện nay, Tân Hiệp A luôn được biết đến là xã nổi bật, tiên phong với nhiều phong trào như: kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp; mạnh dạn áp dụng KHKT vào SX; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Ông Hà Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp A, phấn khởi cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay không chỉ đơn thuần mấy năm xây dựng mà có, mà là sự kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước đã đầu tư xây dựng hàng chục năm qua.

“Trước khi được chọn là xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM, Tân Hiệp A đã có được nền tảng khá vững chắc, kết cấu cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nông nghiệp được đầu tư bài bản. Cán bộ và nhân dân trong xã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát huy nội lực, ý thức quản lý cộng đồng dân cư luôn được phát huy.

Thực tế vào cuối năm 2010, khi đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì toàn xã đã đạt trên 60% tiêu chí, trong đó có 12/19 tiêu chí đã đạt cơ bản. Chương trình MTQG về xây dựng NTM như là cú hích, khuyến khích người dân quyết tâm thực hiện nhanh hơn”.

Trong quá trình xây dựng NTM, ở Tân Hiệp A đã có nhiều cá nhân và tập thể trở thành những điển hình tiên tiến, đi đầu trong việc vận động, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm các công trình phúc lợi xã hội.

Sự đồng thuận của người dân được thể hiện rõ qua việc đóng góp các nguồn lực. Trong tổng số hơn 93,6 tỷ đồng nguồn vốn xây dựng NTM của xã thì vốn nhân dân tự nguyện đóng góp đã chiếm hơn phân nửa.

Cụ thể, kinh phí Nhà nước đầu tư trực tiếp là 33,5 tỷ đồng, chủ yếu là làm cầu, đường loại A (đường liên xã) và trường học. Nhà nước và nhân dân cùng làm hơn 11 tỷ đồng, trong đó nhân dân và DN góp gần 7 tỷ đồng, chủ yếu là làm cầu, đường giao thông liên ấp, liên tổ.

Nhân dân tự nguyện đóng góp gần 47,7 tỷ đồng, hiến đất xây dựng trường học, làm GTNT, xây cầu, xây dựng trụ sở tổ y tế ấp, kè bờ sông, làm cổng rào an ninh trật tự, xây dựng hàng rào, cây xanh trước nhà, làm công trình phụ, công trình vệ sinh…

Ông Vũ Ngọc Huyền, một hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM ở ấp kênh 4A, cho biết: “Việc chung tay xây dựng làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp đã được người dân nơi đây thực hiện từ rất lâu rồi.

Với suy nghĩ mình làm thì chính mình là người hưởng lợi trước tiên nên ai cũng tích cực làm, trước hết là sạch đẹp ở ngay đường đi lối lại trước của nhà mình. Nhà nhà sạch đẹp thì tổ, ấp sạch đẹp. Rồi khi phong trào xây dựng NTM bắt đầu, những công việc này được làm bài bản hơn, cụ thể hơn mà thôi”.

Quá trình xây dựng NTM, huyện Tân Hiệp có cách làm rất hay là phân vai, phân việc rất cụ thể và ký kết thi đua thực hiện. Theo đó, xã thực hiện 16 công việc, ấp và tổ nhân dân tự quản làm 12 công việc, còn người dân được giao nhiệm vụ làm 15 công việc.

Ông Huyền cho biết thêm: “Thật ra đây là những việc rất thiết thực với cuộc sống hằng ngày, chẳng giao thì trước sau gì cũng phải làm như: xây dựng nhà vệ sinh; làm bể chứa nước, giếng nước hợp vệ sinh; làm sân phơi; hố đựng rác; đèn đường, cống máng bơm tưới; xây dựng nhà kiên cố; phát triển SXNN; dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng KHKT vào SX; xây dựng đời sống văn hóa; vệ sinh môi trường; làm hàng rào trước nhà (có thể làm hàng rào cây xanh); cột cờ; làm bàn thờ ảnh Bác; đảm bảo an ninh trật tự. Từ chỗ được phân việc một cách cụ thể, rõ ràng nên người dân dễ thực hiện mà thôi”.

13-53-43_2-co-gioi-ho-trong-sx-nong-nghiep-o-tn-hiep-hien-dt-ty-le-rt-co-nht-l-trong-cc-htx
Cơ giới hóa trong SXNN ở Tân Hiệp A

Hướng đến huyện NTM

“Người dân xã Tân Hiệp A có quyền tự hào khi trở thành công dân xã NTM đầu tiên của tỉnh và xứng đáng được thụ hưởng những thành quả mà mình đã dày công vun đắp những năm qua. Tuy nhiên, chính quyền và người dân cũng cần lưu ý, để đạt được xã NTM đã khó nhưng giữ vững các tiêu chí lại càng khó hơn.
Vì các tiêu chí đã đạt được hiện nay chất lượng chưa cao, còn bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục. Vì vậy, cần phải tiếp tục vào cuộc quyết liệt, tìm tòi sáng tạo những cách làm mới để nâng chất các tiêu chí; tập trung đầu tư cho SX để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa.

Huyện Tân Hiệp có 11 xã, thị trấn thì có đến 8 xã được chọn là xã điểm (toàn tỉnh 35 xã điểm) của tỉnh Kiên Giang về xây dựng NTM giai đoạn từ 2012-2015. Thành công của xã Tân Hiệp A sẽ là tiền đề quan trọng để các xã còn lại đẩy nhanh quá trình thực hiện, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn quốc gia về NTM.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, cho biết, lợi thế của huyện khi bắt tay xây dựng NTM là đã có được một nền tảng tương đối vững chắc. Trong thời kỳ đổi mới, các địa phương trong huyện đã có những chuyển biến, đổi thay tích cực: kinh tế, văn hoá xã hội, y tế, giáo dục có bước phát triển mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, để trở thành xã NTM thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải đầu tư với kinh phí lớn.

Chẳng hạn xã Tân Hiệp A, trước khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM (năm 2010), có tổng giá trị SX đạt gần 351 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 22,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo là 4,11%.

Mặc dù cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đã được quan tâm đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước nhưng chưa đáp ứng được so với nhu cầu phát triển; khả năng khai thác tiềm năng lợi thế còn nhiều hạn chế… Thế nhưng, để trở thành xã NTM, Tân Hiệp A phải mất 3 năm phấn đấu xây dựng với sự chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân.

Điều đáng tự hào là trong quá trình xây dựng, xã đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực. Đặc biệt là sự góp công, góp của của người dân và DN tại địa phương để xây dựng quê hương, đây chính là yếu tố vô cùng quan trọng giúp xã sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Thành quả ấy đã được đền đáp bằng việc tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM; kinh tế phát triển vượt bậc, tổng giá trị SX đạt 574,7 tỷ đồng (năm 2013), thu nhập bình quân đạt 37,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,23%.

Đây chính là điểm sáng để các xã điểm còn lại của huyện học tập, rút kinh nghiệm, ra sức quyết tâm bằng mọi biện pháp, giải pháp, tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Đặc biệt là đối với 3 xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp B và Tân Hòa nằm trong lộ trình công nhận xã NTM của năm 2014 này. Từ đây, sẽ tạo điều kiện cho các xã điểm còn lại của huyện hoàn thành, để đến cuối năm 2015, Tân Hiệp sẽ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Kiên Giang.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm