| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang rừng Xuyên Mộc

Thứ Sáu 18/10/2013 , 11:45 (GMT+7)

“Xuống đi mấy chú ơi, bữa giờ không mưa, đêm nào tụi nó cũng chở gỗ chạy ầm ầm ngoài đường”. Đó là “thông điệp” phát đi lần thứ 2 từ một người dân ở Xuyên Mộc, BR-VT. Không thể chần chừ thêm, chúng tôi lập tức lên đường.

“Xuống đi mấy chú ơi, bữa giờ không mưa, đêm nào tụi nó cũng chở gỗ chạy ầm ầm ngoài đường”. Đó là “thông điệp” phát đi lần thứ 2 từ một người dân ở Xuyên Mộc, BR-VT. Không thể chần chừ thêm, chúng tôi lập tức lên đường.

Và, cận cảnh mới thấy, hàng ngàn ha rừng phòng hộ, rừng trong Khu Bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang ngày đêm bị lâm tặc tận thu gỗ, đốt than. Dù đã cố hết sức, lực lượng giữ rừng ở đây vẫn không giữ nổi. 

THÂM NHẬP LÃNH ĐỊA LÂM TẶC

Khoảng 10 năm trước, núi Bể, núi Mây Tàu, núi Chữ Thập (khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh BR-VT, Bình Thuận và Đồng Nai), còn phủ kín một màu xanh của rừng. Nhưng bây giờ, màu xanh ấy không còn nữa, thay vào đó là cảnh hoang tàn, nham nhở, ghẻ lở, như mới trải qua một trận bom Napan.

GIAN NAN ĐƯỜNG ĐI

Hơn 4 giờ sáng, khi tôi còn đang chìm trong giấc ngủ, anh T.H, một cựu lâm tặc ở xã Bình Châu, Xuyên Mộc đã lay tôi dậy. “Tranh thủ đi đi, nếu không là tối ngủ lại trên núi đấy”. Chúng tôi nhanh chóng vùng dậy. 15 phút sau, trong bộ đồ đi rừng nhàu nát, 4 người chúng tôi leo lên 2 “con trâu sắt”, rú ga vọt đi.

“Lâm tặc từ Bình Thuận, Đồng Nai sang cũng không ít, nhưng chủ yếu vẫn là dân địa phương. Họ vào rừng không chỉ lấy gỗ, mà còn chặt cây đốt làm than, tìm cây cảnh, săn bắn động vật hoang dã. Hoạt động nhộn nhịp lắm”, vừa chạy xe, anh T.H vừa nói.

Sau hơn 1 giờ vật lộn trên đoạn đường lầy lội hơn 10 cây số quanh trường bắn Quốc gia và đoạn đường mòn len lỏi giữa rẫy khoai mì quanh co, ngập cát, đá, chúng tôi đã có mặt ở chân núi Mây Tàu. Anh T.H dừng xe, chỉ tay lên con đường dốc, gập gềnh, nói: “Phải đi bộ thôi chứ đường này chỉ có lâm tặc mới lên nổi”.



Cảnh hoang tàn trên núi Mây Tàu

Tôi nhìn lên, thấy sườn núi Mây Tàu bị khai phá nham nhở, từng mảng rẫy trắng đen lẫn lộn. Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Khu vực chúng tôi đứng không còn rừng, nên không khí ngột ngạt hơn, những làn gió cũng nóng hầm hập chẳng khác gió Lào ở miền Trung.

Anh T.H nhặt bên đường cho chúng tôi mỗi người một khúc cây nhỏ làm gậy và dặn: “Đường lên núi khó đi, nguy hiểm lắm, phải hết sức cẩn thận, té ngã, lăn xuống dưới là toi. Nếu ai hỏi thì nói đi lấy măng rừng. Lâm tặc ở đây hung hăng lắm, để tụi nó biết là nó “xử” đẹp liền, không đùa được đâu”.

Con đường mòn quanh co trườn quanh sườn núi, nhiều đoạn kẹp giữa hai vách đá dốc thẳng đứng. Chưa được bao lâu, mồ hôi tứa ra ướt sũng, tràn xuống mắt cay xè. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp những đống gỗ xẻ vuông vức, đang đợi đưa xuống núi.

Sau hơn 2 tiếng leo núi trong tiếng thở hổn hển, cuối cùng, trước mắt chúng tôi đã hiện ra một vùng đồi núi mênh mông, xưa là rừng xanh bạt ngàn, nay hoang tàn như một vùng đất chết. Rải rác khắp nơi những thân cây trơ gốc. Trong rẫy khoai mì, những gốc cây bị đốt cháy đen.

Tại khu vực đỉnh núi Mây Tàu, có những lán, chòi của lâm tặc được làm khá kiên cố bằng cây rừng, mái lợp vải bạt dày. Trong chòi có đầy đủ vật dụng sinh hoạt gia đình như xoong nồi, bát đũa, chăn màn. Trên vách gỗ, dao, dây thừng, cưa máy… treo lủng lẳng.


Những căn chòi, lán của lâm tặc trên đỉnh Mây Tàu

Đến một căn chòi khác, chúng tôi thấy bên trong có đống gỗ thanh trà đã cắt khúc, dài khoảng 2m, đường kính từ 20-40cm đang cất giấu. Anh T.H bảo, gỗ thanh trà đang rất “hót”, nên bị lâm tặc săn lùng ráo riết. Cạnh chòi còn có nhiều miếng gỗ sến đã xẻ vuông, dài chừng 3 mét, rộng khoảng 40 cm chất đầy.

“Sao không có ai hết vậy?”, tôi thắc mắc. “Tụi nó đi cưa cây rồi. Vì gần đây không còn cây nên phải đi hơi xa. Giờ qua bên núi Bể sẽ gặp”, anh T.H nói. Chúng tôi tranh thủ mỗi người một ổ bánh mì, nhai ngấu nghiến rồi xuống núi.

CẬN CẢNH LÂM TẶC

Càng đến gần chân núi, tiếng động phát ra của cây đập vào đá núi nghe càng chát chúa. Đi qua một rẫy khoai mì um tùm, chúng tôi đến khu vực giáp ranh giữa chân núi Bể và núi Chữ Thập, nơi tập kết gỗ. Tại đây, không một bóng người, chỉ có 15 chiếc xe máy “độ” đang dựng rải rác. Cạnh đó là 2 khúc gỗ xẻ vuông vức, nhưng trầy trụa do bị va đập vào đá.


Những đống gỗ gặp dọc đường đi

Phía trên triền núi, thấp thoáng bóng những lâm tặc đang hì hục kéo từng miếng gỗ đã được xẻ vuông vức, từ trên cao đẩy lao xuống dưới khiến gỗ va đập vào vách đá, phát ra những tiếng kêu lộc cộc, khô khốc.

Khoảng 20 phút sau, hơn chục “người rừng”, người nào người nấy mặt mày bặm trợn, có người cởi trần, cơ bắp cuồn cuộn, để lộ những hình xăm vằn vện, xuống bãi tập kết. Thấy chúng tôi, đám lâm tặc đang hối hả làm chợt dừng tay, đổ dồn ánh mắt nhìn với vẻ mặt khá ngạc nhiên.

Liền sau đó, một người râu ria xồm xoàm tiến lại, hất hàm hỏi: “Đi đâu dzậy?”. Tôi đáp: “Dạ tụi em đi lấy măng”. “Ở trỏng làm gì có măng mà lấy?”. Lại hỏi tiếp: “Tụi mày ở đâu?”. Anh bạn tôi nhanh miệng chen ngang: “Tụi em ở gần chợ Hòa Hiệp”. Chưa hết nghi ngờ, hắn “vặn” lại: “Hòa Hiệp sao tao không biết?”. “Dạ, học phổ thông xong, tụi em đi làm công nhân trên thành phố. Mấy anh bên ấp Phú Sơn phải không?”, anh bạn tôi hỏi với ý đánh lạc hướng.



Những gốc cây vừa bị cắt hoặc cắt chưa lâu

“Tụi bay đi làm công nhân trên thành phố không sướng hơn sao, về xó rừng này chi dzậy?”, một tên khác đang phì phèo điếu thuốc ở gần đó chen vào. “Đói quá anh ơi, làm lương chỉ đủ trả tiền ăn, ở. Tụi em đang tính về bám rừng”. “Còn quái gì mà về”, nghe anh bạn tôi nói, một tên khác trong bọn làu bàu.

Ngay sau đó, đám lâm tặc bắt đầu hì hục đưa gỗ lên những chiếc “ngựa sắt”, dùng dây thừng và những sợi dây thun to, cột chắc chắn vào xe. Trong lúc tôi đứng vừa quan sát vừa ghi lại cảnh nhộn nhịp trước mắt, anh bạn đi cùng mon men đến gần một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi, đang lúi húi cột gỗ lên xe, bắt chuyện.


“Bến” lâm tặc tại chân núi Chữ Thập

Qua cuộc nói chuyện, tôi được biết người đàn ông này tên K, ở ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, từng có hơn 10 năm đi rừng. “Đi gỗ, kiếm được không anh?”, anh bạn tôi hỏi. “Tùy, mỗi ngày kiếm được “chai”, hoặc hơn chút xíu, nhưng ăn chơi hết”, K trả lời. “Tụi em nhập “đội” được không? Giờ nghỉ làm công nhân rồi, về nhà chưa biết làm gì, tối ngày lông bông”.

K nhìn anh bạn tôi từ đầu đến chân rồi chặc lưỡi kèm câu chửi thề: “Giờ mật ít ruồi nhiều rồi. Đâu ra mà đi. Làm cây “phê” lắm, tướng mày thế này làm không nổi đâu!”. “Nhìn thế này chứ em “rắn” lắm, việc gì làm cũng được. Mà mấy anh có đi thường xuyên không?”. “Không mưa bão thì ngày nào cũng đi”, K đáp.



Lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng

Sau khi hoàn thành việc đưa gỗ lên “ngựa sắt”, đám lâm tặc không còn quan tâm đến chúng tôi nữa, bắt đầu nổ máy xe, nối đuôi nhau ra khỏi bãi tập kết. Tiếng hơn chục chiếc xe đồng loạt gầm rú khiến vùng đồi núi hoang vu, yên tĩnh phút chốc bị xé toang. Cả toán lâm tặc phóng vun vút quanh rẫy khoai mì rồi biến mất dạng.

“Khó khăn lắm, phần vì luật không đủ sức răn đe, phần vì mưu sinh. Họ chẳng biết bám vào đâu ngoài rừng. Đã thế, còn những yếu tố khách quan khác liên quan đến chính quyền địa phương các cấp. Cho nên, chúng tôi cố gắng hết sức, nhưng vẫn cứ như giữ rừng cho lâm tặc nó “ăn” dần vậy”, ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.